Chưa nên thành lập Trường Luật sư Việt Nam

Theo đó, thời điểm này đang thực hiện Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị, Đảng và nhà nước đang tập trung đầu tư cơ sở vật chất và nâng chất lượng hoạt động của Học viện Tư pháp nên chưa xây dựng đề án thành lập Trường Luật sư Việt Nam. Liên đoàn Luật sư Việt Nam chỉ nên thành lập trung tâm bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề cho giới luật sư, bảo đảm chất lượng và hiệu quả phát triển nguồn luật sư.

Phó Thủ tướng ghi nhận trong thời gian qua, Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã củng cố tổ chức, hoàn thiện bộ máy, tích cực bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của luật sư, xử lý kịp thời những sai phạm của một số luật sư. Ngoài ra, Phó Thủ tướng biểu dương các luật sư đã tham gia rà soát thủ tục hành chính theo Đề án 30.

Chiều 31-8, Ban soạn thảo xây dựng Chiến lược phát triển nghề luật sư đến năm 2020 đã họp góp ý cho đề cương chiến lược này.

Chưa nên thành lập Trường Luật sư Việt Nam ảnh 1

Luật sư tham gia bào chữa tại một phiên tòa lưu động. Ảnh: HTD

Theo đề cương chiến lược được đưa ra để lấy ý kiến, số lượng luật sư phát triển mỗi năm từ 800 đến 1.000 luật sư; đến năm 2020, tỉ lệ luật sư trên số dân là 1/4.500. Một mục tiêu khác đáng chú ý là “phấn đấu có trên 50% số lượng vụ án hình sự mà tòa án đưa ra xét xử có luật sư tham gia”; “phấn đấu có trên 50% số lượng các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân sử dụng dịch vụ tư vấn pháp lý của luật sư thường xuyên”…

Cạnh đó, đề cương cũng xây dựng sáu nhóm giải pháp thực hiện các mục tiêu đặt ra, gồm nhóm giải pháp về thể chế, tổ chức bộ máy; nhóm giải pháp về phát triển số lượng, nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư; nhóm giải pháp về phát triển tổ chức hành nghề luật sư…

Luật sư Nguyễn Văn Thảo, Phó Chủ tịch thường trực Liên đoàn Luật sư Việt Nam, băn khoăn khi thấy đề cương được xây dựng theo hướng “nhà nước làm hết, luật sư ở thế bị động trong khi lẽ ra họ phải chủ động. Trong khi đó, nhiều giải pháp đưa ra chỉ mang tính khẩu hiệu, thậm chí thiếu tính khả thi. Những giải pháp “củng cố, kiện toàn tổ chức, hoạt động của các tổ chức hành nghề luật sư theo hướng nâng cao tính chuyên nghiệp…” hay “ban hành các chính sách mở rộng thị trường của các tổ chức hành nghề luật sư đến các nước trong khu vực và thế giới”; “thực hiện liên doanh, liên kết để hình thành một số tập đoàn, công ty luật lớn của Việt Nam”… là những dẫn chứng rõ ràng nhất.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đức Chính đề nghị thiết kế lại đề cương chiến lược theo hướng nghề luật sư là nghề tự do, nhà nước chỉ là “bà đỡ” tạo ra cơ chế, điều kiện thuận lợi cho đội ngũ luật sư phát triển chứ không “ép”, cũng không “làm giùm” công việc của liên đoàn luật sư, đoàn luật sư, các tổ chức hành nghề và chính bản thân đội ngũ này…

T.HẰNG - ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm