Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân: Trong khó khăn TPHCM vẫn giữ vững vị trí "đầu tàu"

Kết quả tổng lực 

Phóng viên: Chặng đường 34 năm xây dựng và phát triển kể từ ngày thống nhất đất nước (1975), với TPHCM cơ hội thì nhiều nhưng khó khăn cũng không ít. Năm 2008, tuy gặp nhiều khó khăn nhưng kinh tế TP vẫn tiếp tục giữ vị thế đầu tàu của cả nước. Theo đồng chí thành quả này có được do đâu?

Đồng chí LÊ HOÀNG QUÂN: Năm 2008, một năm đầy khó khăn và nhiều thách thức; khủng hoảng tài chính, suy giảm kinh tế thế giới đã tác động ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế cả nước, trong đó có TPHCM. Tuy nhiên, với tinh thần vì cả nước, cùng cả nước, TP tiếp tục phát huy truyền thống năng động, sáng tạo, tập trung mọi nỗ lực, thực hiện nhiều giải pháp nên hầu hết các chỉ tiêu KT-XH chủ yếu của năm 2008 đề ra đều đạt và vượt kế hoạch. Đây là kết quả chung của cả hệ thống chính trị, của các ngành, các cấp, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân TP.

Đáng ghi nhận là, trong điều kiện khó khăn ấy nhưng thu hút vốn FDI của TP năm 2008 đạt gần 9 tỷ USD, cao nhất nước và cao hơn cả tổng vốn thu hút trong 5 năm gần đây. Hầu hết các dự án đầu tư đều đúng với định hướng phát triển TP; tập trung vào các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao, y tế, giáo dục và đào tạo. Điều này cho thấy môi trường đầu tư của TP tiếp tục được cải thiện.

Diện mạo TPHCM thay đổi từng ngày. Ảnh: LÃ ANH
Diện mạo TPHCM thay đổi từng ngày. Ảnh: LÃ ANH

Năm 2009, nhiều nhận định cho rằng tình hình suy giảm kinh tế ở mức “đáy” nhưng lãnh đạo TPHCM vẫn quyết tâm không điều chỉnh các chỉ tiêu tăng trưởng KT-XH đã đề ra, liệu có quá chủ quan? Thành phố sẽ thực hiện những giải pháp gì?

- Năm 2009, suy giảm kinh tế có những biến động nhanh, phức tạp và đã có những dấu hiệu tác động ảnh hưởng trực tiếp đến các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Để chia sẻ cùng cả nước tăng cường suy giảm kinh tế, phấn đấu duy trì tăng trưởng hợp lý, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, TPHCM phấn đấu nỗ lực hết mình để các chỉ tiêu kinh tế - xã hội TP đạt ở mức cao nhất có thể được. Đồng thời chuẩn bị các điều kiện cần thiết để tăng tốc và phát triển vào giai đoạn kinh tế thế giới hồi phục trở lại.

Thành phố đã tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu. Thực hiện hỗ trợ lãi suất cho 122 hồ sơ đăng ký vay vốn sản xuất với tổng số vốn xin vay là 6.954 tỷ đồng. Cấp bổ sung 148 tỷ đồng cho Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Khuyến khích doanh nghiệp thường xuyên triển khai các đợt khuyến mại, kích cầu tiêu dùng. Khai thác tốt các nguồn thu, nhằm bù vào khoảng ngân sách thiếu hụt do tình hình sản xuất - kinh doanh gặp khó khăn, do thực hiện các chính sách giảm, giản, hoãn thuế của Chính phủ.

Mặt khác, TP tập trung huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển; đã ban hành chương trình hành động thực hiện chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng đến năm 2010; hỗ trợ lãi suất vay vốn từ 50% hoặc 100% tùy loại dự án. Hàng ngàn doanh nghiệp của thành phố cũng được các ngân hàng thương mại hỗ trợ lãi vay 4% theo chỉ đạo của Chính phủ với tổng vốn vay hơn 50.000 tỷ đồng. Thường xuyên rà soát, đề xuất đình hoãn, giãn tiến độ các công trình sử dụng nguồn vốn ngân sách; Ưu tiên vốn cho những công trình, dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2009 - 2010.

Đến tháng 4-2009, tình hình KT-XH của TP đã ấm dần lên; 2 lĩnh vực đóng góp cho sự tăng trưởng GDP nhiều nhất là dịch vụ - thương mại và công nghiệp, mặc dù tăng chậm so với cùng kỳ, nhưng tháng sau luôn cao hơn tháng trước, cho thấy các biện pháp ngăn chặn suy giảm kinh tế mà TP triển khai đã phát huy tác dụng và cũng cho chúng ta niềm tin!  

TP sẽ tiếp tục có những giải pháp đột phá gì để cuộc sống của người nghèo bị ảnh hưởng ở mức thấp nhất?

- Người nghèo, diện có công, diện hưởng trợ cấp xã hội, người hưởng lương từ ngân sách…là những đối tượng mà lãnh đạo TP luôn quan tâm, có những chính sách chăm lo đặc biệt trong tình hình khó khăn hiện nay. TP đã xét duyệt công nhận hơn 13.000 hồ sơ người có công; cấp hơn 270.000 thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo; đã chỉ đạo ngành LĐTB-XH, các quận huyện thực hiện các biện pháp kịp thời để ổn định việc làm mới cho công nhân bị mất việc; không để xảy ra tình trạng vì khó khăn mà con em các đối tượng này không được đến trường hoặc không được tiếp cận các dịch vụ y tế. Nhờ vậy, tình hình trị an của TP được ổn định.

TPHCM ngăn chặn suy giảm kinh tế kịp thời, sáng tạo và linh hoạt

Phát biểu trong chuyến đi kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết số 30/2008/NQ-CP tại TPHCM ngày 29-4, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc, thành viên Chính phủ đã đánh giá: TPHCM đã triển khai các giải pháp cấp bách nhằm ngăn chặn suy giảm kinh tế, duy trì tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội một cách kịp thời, chủ động, sáng tạo và linh hoạt với nhiều giải pháp bổ sung, mang lại kết quả bước đầu.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc nhấn mạnh: TPHCM giữ một vai trò rất quan trọng đối với kinh tế của cả nước với mức tăng trưởng GDP thường cao hơn 30% so với tốc độ tăng trưởng chung. Từ tháng 4-2009, kinh tế thành phố đã có những dấu hiệu tích cực, có khả năng trong quý 2 và quý 3 kinh tế thành phố sẽ dần phục hồi và chuẩn bị cho đà tăng trưởng vào quý 4 năm nay. Bộ trưởng nêu rõ: Do suy giảm kinh tế và thực hiện việc miễn, giảm, giãn thuế nên các khoản thu ngân sách bị giảm, thành phố phải tiết kiệm các khoản chi, nhưng không được giảm các khoản chi cho đầu tư phát triển và an sinh xã hội...

Riêng năm 2009, TP tiếp tục thực hiện chủ trương vận động hỗ trợ hộ nghèo, có thu nhập thấp để ổn định cuộc sống. TP đang xem xét, quyết định chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo để khuyến khích sản xuất làm ăn. Ngoài miễn, giảm tiền học phí và tiền cơ sở vật chất cho học sinh diện hộ nghèo theo quy định, Sở GD-ĐT đang nghiên cứu đề xuất miễn giảm những khoản đóng thêm của phụ huynh học sinh nghèo trong năm học 2009 - 2010.

Những tồn tại của đô thị: đã có lối ra!

Đồng chí nghĩ gì khi đất nước đã giải phóng, thống nhất được 34 năm nhưng người dân TP mỗi ngày phải đối mặt với nạn ngập nước, kẹt xe, ô nhiễm nghiêm trọng…?

- Quá trình đô thị hóa của TP diễn ra khá nhanh. Sự yếu kém của cơ sở hạ tầng hiện nay đã, đang và sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường đầu tư, mỹ quan đô thị và chất lượng sống của người dân TP; đây vừa là yêu cầu đòi hỏi khách quan của quá trình phát triển, vừa là thách thức lớn đối với chính quyền TP trong tổ chức thực hiện.

Tuy nhiên, những tồn tại này cũng đã có lối ra. TP đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng và 8 tỉnh, thành lân cận trong việc thực hiện quy hoạch vùng nhằm tạo sự gắn kết hữu cơ cho phát triển toàn vùng. Đặc biệt là về phân bổ các cơ sở sản xuất, dân cư, kết nối các công trình hạ tầng kỹ thuật, bảo vệ môi trường...

Ngoài ra, TP đang tập trung kích cầu đầu tư các công trình trọng điểm như: Khu đô thị mới Thủ Thiêm, Khu đô thị cảng Hiệp Phước, Khu đô thị Tây Bắc, dự án Đại lộ Đông - Tây, dự án Vệ sinh môi trường nước TP, cùng các công trình giao thông trọng điểm của TP và khu vực; các khu tái định cư, giải tỏa nhà trên và ven kênh rạch, nhà ở xã hội, nhà lưu trú cho công nhân, ký túc xá cho sinh viên…; trong số này, nhiều dự án đã thực hiện gần về đích.

Cầu Nguyễn Văn Cừ nối liền giao thông quận 1, 4, 5 và 8. Ảnh: THÀNH TÂM
Cầu Nguyễn Văn Cừ nối liền giao thông quận 1, 4, 5 và 8. Ảnh: THÀNH TÂM

Trong quá trình triển khai thi công các dự án, có thể còn nhiều việc cần được chấn chỉnh, nhưng khi những công trình này hoàn tất sẽ giải quyết đáng kể tình hình giao thông, cải thiện môi trường, phát triển các cụm đô thị mới. Chính quyền TP rất mong được bà con ủng hộ, chia sẻ những khó khăn trước mắt. Về phần mình, TP sẽ tập trung kiểm tra, giám sát việc thực hiện của các nhà thầu thi công, kiên quyết lập lại trật tự trong tổ chức thi công, đẩy nhanh tiến độ, hạn chế thấp nhất những ảnh hưởng đến sinh hoạt, đi lại và các hoạt động sản xuất - kinh doanh của nhân dân.

 Xin cảm ơn đồng chí!

Theo VÂN ANH (SGGP)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm