Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Chế độ vững bền phải trên nền công lý

Đó là những chia sẻ của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang - Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương tại buổi làm việc với Liên đoàn Luật sư Việt Nam ngày 17-12. Ông chỉ đạo: “Đề nghị Liên đoàn chủ động nghiên cứu, tham mưu, đề xuất. Tôi sẽ bố trí thời gian, nghe bốn bên luật sư - tòa án - kiểm sát - cơ quan điều tra họp bàn tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho nghề luật sư phát triển. Chức năng, nhiệm vụ khác nhau nhưng tất cả đều chung mục tiêu bảo vệ công lý”.

Chưa tạo điều kiện cho luật sư tham gia tố tụng

Báo cáo về thực tiễn áp dụng Bộ luật Tố tụng hình sự, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Lê Thúc Anh chỉ ra hàng loạt bất cập, hạn chế của luật. Chẳng hạn, trong việc điều tra, thu thập chứng cứ, người bào chữa chỉ được “thu thập và giao” tài liệu, đồ vật cho cơ quan tiến hành tố tụng, tức không hề được bình đẳng với cơ quan điều tra, truy tố, xét xử. Người bị tạm giữ, bị can không được quyền từ chối khai báo khi chưa có người bào chữa. Luật sư không được phép gặp gỡ riêng tư với thân chủ, thời gian tiếp xúc hạn chế, mọi việc phải dưới sự giám sát, có mặt của cơ quan tố tụng, chỉ được hỏi thân chủ khi điều tra viên đồng ý… Điều này khiến luật sư bị động trong tham gia tố tụng, hạn chế việc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người bị giam, giữ.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang: Chế độ vững bền phải trên nền công lý ảnh 1

Theo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần có tiếng nói mạnh mẽ với các trường hợp luật sư bị gây khó khăn, cản trở hành nghề hay bị hành hung, đe dọa tính mạng. Ảnh: NGHĨA NHÂN

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động tố tụng được tiến hành mà không có điều kiện bắt buộc về sự có mặt của luật sư như phúc cung, thực nghiệm điều tra, trưng cầu giám định, trả hồ sơ để điều tra bổ sung mà không buộc phải thông báo cho luật sư. Khâu xét xử cũng vậy, chưa có cơ chế đảm bảo phán quyết của tòa phải xuất phát từ kết quả tranh tụng. Luật sư không có quyền chủ động mà hoàn toàn phụ thuộc vào sự chấp thuận của hội đồng xét xử, kể cả với đề xuất về người làm chứng, cung cấp chứng cứ, đánh giá chứng cứ…

Báo cáo của Liên đoàn đính kèm danh sách hàng chục vụ việc cản trở, gây khó khăn cho việc hành nghề mà luật sư cả nước phản ánh thời gian qua. Hình thức cản trở rất đa dạng, chẳng hạn phần lớn luật sư cho biết việc cấp giấy chứng nhận người bào chữa không tuân thủ thời hạn ba ngày do chính Bộ Công an quy định.

Bị làm khó, luật sư rất ít việc

Rất nhiều trường hợp cơ quan điều tra không chấp nhận luật sư do gia đình người bị giam giữ mời, viện lý do bị can từ chối. Nhưng điều khó giải thích là chính những bị can này, khi chuyển sang khâu truy tố, xét xử thì họ lại mời luật sư bào chữa. Nhiều trường hợp luật sư đã được cấp giấy chứng nhận nhưng lại bị gây khó khăn, đưa ra yêu cầu ngoài luật để cản trở việc gặp gỡ, tiếp xúc thân chủ đang bị giam, giữ. Điển hình là luật sư Lê Quang Y ở Đồng Nai, có giấy chứng nhận sáu tháng mà không thể thăm, gặp thân chủ đang bị tạm giam tại nhà tạm giữ TP Mỹ Tho. Cả công an, VKS, TAND Mỹ Tho đều không giải quyết, luật sư phải đi lại nhiều lần. Đến khi Liên đoàn Luật sư VN can thiệp, báo cáo lên bí thư thành ủy mới được giải quyết.

Đánh giá về những hiện tượng này, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương, bà Lê Thị Thu Ba, cho rằng mô hình tố tụng hiện tại không khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển nghề luật sư. Biểu hiện khá rõ là hơn 7.600 luật sư đã được cấp thẻ rất ít việc, bình quân mỗi người chỉ tham gia tố tụng ba vụ án/năm. Cũng vì môi trường khó khăn ấy, nhiều cử nhân luật đã hoàn tất chứng chỉ đào tạo nghề luật sư nhưng không theo nghề.

Liên đoàn cần có tiếng nói mạnh mẽ

Chia sẻ với những khó khăn của giới luật sư, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói: “Có đi cơ sở như thế này mới thấy thực tế khác hoàn toàn báo cáo - những sản phẩm của sự quan liêu thường xuất hiện trên bàn làm việc mỗi ngày”. Ông nhận định, trong hai hoạt động chủ yếu của luật sư thì hoạt động tư vấn đang dần đáp ứng yêu cầu của người dân, doanh nghiệp, cho dù vẫn còn khoảng cách với nhu cầu tư vấn trong thương mại quốc tế. Còn mảng luật sư tham gia tranh tụng thì thực sự còn rất nhiều vướng mắc, khó khăn.

“Theo dõi đơn thư thì thấy người dân bức xúc nhiều về các vụ án dân sự. Còn chúng tôi lo nhiều về các vụ việc khiếu kiện hành chính. Quan sai, tòa không dám xử. Cứ thế quyền lực không được kiểm soát, rất dễ lạm quyền. Chế độ có vững bền phải trên nền công lý. Một người không tìm được công lý đã bực, giờ mà ngàn người không tìm thấy công lý thì nguy hiểm lắm” - Chủ tịch nước nói.

Kết luận buổi làm việc, Chủ tịch nước cho rằng giới luật sư phải quán triệt tinh thần mà Nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp đang theo đuổi. Theo đó, từ mô hình tố tụng chủ yếu tùy thuộc vào kết quả điều tra thì giờ đang tiến tới kết hợp giữa tố tụng xét hỏi với tố tụng tranh tụng.

Về cải thiện điều kiện nghề nghiệp, tạo thuận lợi cho giới luật sư phát triển, Chủ tịch nước cho rằng cần có bước đi. Trước mắt, trong lần sửa Bộ luật Tố tụng hình sự sắp tới, có thể quy định mở rộng thêm các trường hợp, loại vụ việc mà luật sư tham gia là điều kiện bắt buộc, trong đó phân loại thành loại việc Nhà nước phải chi phí để bảo đảm quyền có luật sư của bị can, bị cáo và loại việc mà thân chủ phải tự lo chi phí. Hướng tới khi điều kiện kinh tế-xã hội cho phép thì luật sư tham gia là điều kiện bắt buộc với tất cả vụ án hình sự.

Chủ tịch nước cũng yêu cầu Liên đoàn có tiếng nói mạnh mẽ với các trường hợp luật sư bị gây khó khăn, cản trở hành nghề hay bị hành hung, đe dọa tính mạng. Đồng thời, Liên đoàn và các tổ chức luật sư cũng phải nghiêm khắc với những thành viên có dấu hiệu vi phạm pháp luật, vi phạm đạo đức nghề nghiệp.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm