Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tiếp xúc cử tri: Chính quyền phải gần dân hơn nữa

“Chính quyền cần phải gần dân hơn nữa để lắng nghe những bức xúc, nguyện vọng của dân. Tôi tin nếu có cách làm đúng, dân sẽ hiểu và chia sẻ với chính quyền để cùng nhau giải quyết” - Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết nhấn mạnh trong buổi tiếp xúc với cử tri quận 1 và 2 hôm qua (4-5).

Cử tri quận 2: Sao vẫn chưa thấy đối thoại?

Nhiều cử tri quận 2 cho biết việc lãnh đạo TP đối thoại với người dân tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm đã được cử tri đề nghị nhiều lần và được chính Chủ tịch nước yêu cầu nhưng đến nay UBND TP chỉ mới ra thông báo về việc này mà vẫn chưa thấy một cuộc đối thoại nào.

Cử tri Phạm Thế Vinh đại diện cho nhiều cử tri phường Bình Khánh bày tỏ bức xúc với chính sách hỗ trợ của TP, kể cả chính sách nâng mức hỗ trợ từ Quyết định 06 mới đây. Đồng thời, ông nhắc lại 160 ha đất tái định cư tại trung tâm Thủ Thiêm đã được Chính phủ phê duyệt nhưng đến nay chưa hề có một người dân Thủ Thiêm nào có nhà tái định cư tại đây.

Cử tri Nguyễn Văn Hạnh (phường Thủ Thiêm) cũng nêu thắc mắc: Tại sao TP đã có văn bản nói rõ đất nông nghiệp xen cài khu dân cư được hỗ trợ bằng 40% giá đất ở nhưng lại không thấy áp dụng quy định này tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm? Ai sẽ chịu trách nhiệm về việc đã có 42 doanh nghiệp xây dựng trên phần đất 160 ha tái định cư của dân? Nhiều cử tri đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội can thiệp làm rõ việc lấy đất tái định cư giao cho dự án khác rồi lại đưa dân tái định cư ở những nơi xa hơn dẫn đến việc kiện tụng, khiếu nại kéo dài.

“Chúng tôi đề nghị Chính phủ cử đoàn thanh tra đủ mạnh vào thanh tra toàn diện Khu đô thị mới Thủ Thiêm, làm rõ thực chất vấn đề 160 ha tái định cư của dân” - ông Vinh kiến nghị.

Cử tri quận 1: Đề nghị đối thoại ba bên

Cử tri Ngô Tiều đại diện cho hàng trăm cử tri ở phường Cô Giang, quận 1 bày tỏ bức xúc đối với chính sách đền bù, tái định cư tại dự án 289 Trần Hưng Đạo và 74 Hồ Hảo Hớn. Ông Tiều cho hay dự án này được TP đưa ra phương án di dời từ năm 2005 để xây dựng mới, do Công ty Địa ốc Sài Gòn làm chủ đầu tư. Theo phương án này, sau khi hoàn tất người dân sẽ dọn về lại, nếu diện tích dôi dư so với diện tích cũ thì người dân phải trả tiền mua với giá không kinh doanh. Nhưng năm 2007, người dân tại đây té ngửa khi nhận được thông tin của quận rằng dự án này đã được đổi công năng và do một chủ đầu tư tư nhân thực hiện.

Theo phương án mới, thay vì được tái định cư tại chỗ như phương án ban đầu, người dân sẽ được trả tiền đền bù. Trường hợp muốn trở về chỗ cũ ở phải mua với giá 48,5 triệu đồng/m2. Với mức giá này, số tiền đền bù chỉ có thể mua được 1/3 căn hộ tái định cư tại chỗ. Thêm vào đó, việc chính quyền địa phương thực hiện cưỡng chế càng khiến người dân bất bình hơn. “Việc làm này đã tạo nên khoảng cách giữa người dân và chính quyền. TP phải tổ chức cuộc họp có mặt cả ba bên: lãnh đạo TP, quận 1 và người dân ở đây để đưa ra phương án giải quyết hợp lý hơn” - ông Tiều đề nghị.

Trả lời những bức xúc của cử tri, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND quận 1, giải thích do thời gian đầu, chủ đầu tư dự án này không đủ khả năng về vốn khiến cho dự án bị kéo dài và không khả thi. Vì vậy, quận đã báo cáo TP và TP đã đưa ra phương án xã hội hóa, thay đổi công năng và chủ đầu tư. Dự án này cũng đã được cơ quan thẩm định giá trước khi thực hiện đền bù cho người dân.

Tuy nhiên, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng các cử tri cho rằng lời giải đáp này chưa thỏa đáng. “Vấn đề đền bù, giải tỏa khó có thể giải quyết trọn vẹn 100% được. Nhưng đây không chỉ là chuyện chuyển nhà, chỗ ăn, chỗ ở mà còn gây nên những thiệt hại vô hình làm đảo lộn sinh hoạt, việc làm của người dân. Vì vậy, cả chính quyền và người dân cùng chia sẻ để có tiếng nói chung thì mới giải quyết được. Sau đợt tiếp xúc cử tri này, tổ đại biểu của chúng tôi sẽ có buổi làm việc với lãnh đạo TP về những vấn đề cử tri phản ánh. Tôi hy vọng sẽ có những dấu hiệu tích cực, giải quyết những bức xúc của bà con thấu lý đạt tình” - Chủ tịch nước nói.

GIA NGUYÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm