Chủ tịch nước lên đường thăm châu Âu

Chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kéo dài đến ngày 10/6 theo lời mời của Tổng thống nước Cộng hòa Áo Hoinz Fisher, nhà vua Na Uy Harald V và Tổng thống nước Cộng hoà Hy Lạp Karolos Papoulias.

Việt Nam mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt với Cộng hòa Áo, Na Uy và Hy Lạp, đặc biệt trong các lĩnh vực mà mỗi nước có thế mạnh.

Đồng thời qua đây góp phần phát huy vị thế mới của Việt Nam sau khi gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) và trở thành Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008 - 2009.

Theo Bộ Ngoại giao Việt Nam, lãnh đạo cấp cao 3 nước sẽ dành sự đón tiếp trọng thị chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và phu nhân.

Sự đón tiếp trọng thị thể hiện chính sách mở rộng quan hệ với khu vực châu Á, trong đó Việt Nam là đối tác ưu tiên ở ASEAN. Điều này có ý nghĩa quan trọng khi hướng ưu tiên đối ngoại của Cộng hòa Áo, Na Uy, Hy Lạp vốn tập trung vào khu vực EU và Mỹ.

Việt Nam có mối quan hệ chính trị tốt đẹp với Cộng hòa Áo, Na Uy và Hy Lạp. Tuy nhiên, trên nhiều lĩnh vực, Việt Nam và 3 nước châu Âu này vẫn chưa tận dụng hết thế mạnh và tiềm năng hợp tác, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại và đầu tư.

Dự kiến, trong chuyến thăm, một số hiệp định, thỏa thuận hợp tác giữa Việt Nam với 3 nước sẽ được ký kết.

Cộng hòa Áo, chặng dừng chân đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, là nước công nghiệp phát triển với phúc lợi xã hội cao ở châu Âu. Cuối năm 1972, Việt Nam và Áo thiết lập quan hệ ngoại giao. Lãnh đạo cấp cao nhất Việt Nam từng thăm chính thức Áo gần đây là Thủ tướng Phan Văn Khải với chuyến thăm diễn ra tháng 4 năm 1998.

Hai nước đã ký kết một số hiệp định hợp tác, trong đó có Hiệp định xử lý nợ của Việt Nam đối với Áo (1994), Hiệp định vận tải hàng không Việt - Áo (1995), Thỏa thuận thành lập Nhóm hỗn hợp thúc đẩy quan hệ thương mại (1995)...

Ở lĩnh vực hợp tác phát triển, Áo tài trợ cho Việt Nam trên 3 lĩnh vực trọng tâm là đường sắt, y tế và giáo dục đào tạo, những ngành thế mạnh lớn của Áo. Viện trợ phát triển (ODA) của Áo thực chất là một hình thức tín dụng hỗ trợ xuất khẩu. Đến nay, Việt Nam và Áo đã ký 12 hiệp định tín dụng với tổng giá trị tài trợ 137,8 triệu euro.

Trong khi đó Na Uy, điểm dừng chân thứ hai, là nước có cộng đồng người Việt khá đông đảo. Người Việt ở Na Uy là cộng đồng gốc Á lớn thứ hai sau Pakistan với khoảng gần 20 nghìn người.

Trong cuộc hội đàm với lãnh đạo cấp cao nước này, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ đề cập mong muốn Nhà nước Na Uy tiếp tục tạo thuận lợi cho bà con người Việt sinh sống ổn định và hòa nhập tốt với xã hội tại đây.

Trong 3 nước, hợp tác giữa Việt Nam với Hy Lạp khiêm tốn nhất. Thiết lập quan hệ ngoại giao khá lâu, song đến nay, Việt Nam và Hy Lạp chưa có nhiều kết quả hợp tác cụ thể. Hy Lạp vừa mở Đại sứ quán thường trú tại Hà Nội đầu năm 2007. Trong khi đó, Đại sứ Việt Nam tại Italia vẫn kiêm nhiệm Hy Lạp.

Hiện Việt Nam và Hy Lạp chỉ có hai hiệp định hợp tác là Hiệp định khung về hợp tác kinh tế, công nghiệp và công nghệ giữa hai nước và Hiệp định khung về hợp tác du lịch.

Với ý chí hội nhập, chuyến thăm của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết được kỳ vọng đưa quan hệ Việt Nam với 3 nước Cộng hòa Áo, Na Uy và Hy Lạp bước sang một giai đoạn mới, với nhiều sáng kiến hợp tác thực chất và sâu rộng hơn.

theo VNN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm