Chỉnh trang đô thị, nâng cao chất lượng sống cho dân

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM vềchương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị” (là chương trình đột phá mới trong bảy chương trình đột phá mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP.HCM khóa X đưa ra), Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM Trần Trọng Tuấn nói: “Có thể nói chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị” là một bước phát triển mới, từ quá trình tổng kết thực tiễn, có kế thừa kinh nghiệm và kết quả thực hiện của các giai đoạn trước đây. Điều đó thể hiện sự tiếp nối không mệt mỏi, sự kiên trì và quyết tâm chính trị của Đảng bộ TP về chăm lo cuộc sống nhân dân”.

Tạo môi trường sống tốt hơn

. Phóng viên: Với yêu cầu từ thực tiễn quản lý và đòi hỏi của phát triển TP hiện nay, xin ông cho biết về sự cần thiết chương trình đột phá “chỉnh trang và phát triển đô thị”? 

+ Ông Trần Trọng Tuấn: Trong thời gian qua TP đã di dời và tổ chức lại cuộc sống cho hơn 36.000 hộ sống trên và ven kênh, rạch; hàng ngàn hộ sống tại các chung cư hư hỏng, xuống cấp; nhiều khu đô thị hiện hữu được chỉnh trang, nâng cấp hẻm, lắp đặt hệ thống cấp, thoát nước và nâng cấp, sửa chữa nhà ở của dân. Bộ mặt đô thị của TP đã có nhiều đổi thay căn bản, không gian đô thị phát triển rộng hơn, nhiều khu đô thị mới mọc lên với nhiều tiện ích phục vụ nhu cầu cho cư dân được tốt hơn.

Tuy nhiên, kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn; còn khoảng 20.000 căn nhà trên và ven kênh, rạch; còn nhiều chung cư hư hỏng, xuống cấp cần phải tổ chức di dời và xây dựng mới; còn nhiều khu đô thị hiện hữu cần chỉnh trang. Tiến độ đầu tư phát triển khu đô thị mới theo quy hoạch còn chậm. Thực tế đó đòi hỏi phải có sự đột phá về tư duy, đột phá về mục tiêu, đột phá trong công tác chỉ đạo và đột phá về tổ chức thực hiện để đem lại kết quả tốt hơn.

Mặt khác, việc di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân trên và ven kênh, rạch, các chung cư cũ, hư hỏng, xuống cấp không chỉ cải thiện và nâng cao chất lượng nhà ở của nhân dân mà còn góp phần giảm ngập nước, giảm ô nhiễm môi trường. Đồng thời có thêm quỹ đất để đầu tư hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, tăng diện tích mảng xanh và cây xanh, góp phần giảm ùn tắc giao thông, nâng cao chất lượng môi trường cảnh quan đô thị.

. Mục tiêu và các nội dung trọng tâm của chương trình như thế nào, thưa ông?

+ Mục tiêu của chỉnh trang và phát triển đô thị chính là tổ chức lại cuộc sống của dân cư, cải thiện điều kiện sống, tăng mức độ tiếp cận của người dân với các dịch vụ công; tạo môi trường sống tốt hơn, hợp lý, hài hòa với không gian kiến trúc, cảnh quan xung quanh; phù hợp với sự phát triển chung của đô thị đặc biệt; góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân nhằm hướng đến mục tiêu xây dựng TP có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại và nghĩa tình.

Kênh Tân Hóa-Lò Gốm mới được cải tạo đem lại môi trường sống tốt cho người dân ven kênh. Ảnh: HTD

Nội hàm của chỉnh trang và phát triển đô thị gồm: Di dời và tổ chức lại cuộc sống của người dân đang sống trên và ven kênh, rạch; xây dựng mới, thay thế chung cư cũ, hư hỏng, xuống cấp; chỉnh trang, nâng cấp các khu dân cư hiện hữu; xây dựng, phát triển các khu đô thị mới đồng bộ, văn minh, hiện đại.

Tăng giá trị sử dụng đất

. Chủ trương cải tạo các chung cư cũ trước giờ vẫn “kẹt” ở khâu kêu gọi nhà đầu tư vì đa phần họ không mặn mà với các dự án này. Tới đây phải làm sao để tháo gỡ được nút thắt này?

+ Cần có cơ chế huy động mọi nguồn lực, các thành phần kinh tế cùng tham gia; thực hiện phương án mở rộng biên thu hồi đất, điều chỉnh quy hoạch theo hướng tăng chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc nhằm tăng giá trị sử dụng đất để mời gọi đầu tư dự án chỉnh trang, phát triển đô thị. Bên cạnh đó có chính sách khuyến khích nhà đầu tư nghiên cứu, thiết kế căn hộ phù hợp, bố trí tái định cư tại chỗ nhằm tạo thuận lợi trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, không kéo dài thời gian triển khai thực hiện dự án.

. Một trong những vấn đề người dân quan tâm nhất là cuộc sống sau khi di dời. Thực tế trên địa bàn TP những năm qua vấn đề này không hề đơn giản. Lần này đưa vào chương trình đột phá liệu sẽ có những giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân sau khi di dời?

+ Rõ ràng và chắc chắn rằng phải huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau trong xã hội, phải có sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị để chương trình đi vào cuộc sống với tính chất “đột phá” nhiều hơn, cụ thể hơn và đậm nét hơn, từ đó đáp ứng được nguyện vọng chính đáng của nhân dân TP.

Ngoài các giải pháp xây dựng cơ chế thu hút nguồn lực đầu tư, tạo nguồn lực về tài chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, tôi cho rằng cần phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, đặc biệt là sự chia sẻ, chung sức của các tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội trong việc thực hiện chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị”…

Đừng để cuộc sống người dân bị xáo trộn

Chương trình đột phá “Chỉnh trang và phát triển đô thị” góp phần xây dựng TP có chất lượng sống tốt hơn. Tuy nhiên, tương ứng với chương trình này phải có kế hoạch mục tiêu, thời gian cụ thể, giải tỏa đi kèm với chỉnh trang, cùng với đó là vấn đề quản lý quy hoạch, kiến trúc. Đây là chương trình liên quan đến đời sống của hàng chục ngàn hộ dân, khi giải tỏa, di dời quan trọng nhất là phải tổ chức cuộc sống cho người dân như thế nào để cuộc sống của họ không bị xáo trộn. Tránh trường hợp phải tốn kém rất nhiều cả về chi phí đào tạo nghề, quản lý cư trú nhưng vẫn không đủ điều kiện để người dân an cư lạc nghiệp.

Ông HUỲNH CÔNG HÙNG,
Trưởng ban Văn hóa-Xã hội, HĐND TP.HCM

Phải giải quyết được các vấn đề kẹt xe, ngập nước, di dời nhà ở ven và trên kênh rạch, xây dựng lại các chung cư cũ, phát triển các khu đô thị để tổ chức cuộc sống của người dân đàng hoàng hơn. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân thì mới xây dựng được TP có chất lượng sống tốt.

Ông Nguyễn Thành Phong, Phó Bí thư Thành ủy TP.HCM (phát biểu tại cuộc họp báo bế mạc
Đại hội X Đảng bộ TP.HCM ngày 17-10)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm