Chính sách giảm nghèo còn nặng bao cấp

Ngày 22-4, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội (Ủy ban) đã tổ chức phiên họp giải trình về chính sách giảm nghèo. Các đại biểu đã dành cả buổi sáng để nghe báo cáo giải trình và trả lời của Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Kim Ngân về vấn đề này.

Tuyên truyền ý thức thoát nghèo

Theo bà Trương Thị Thu Hằng - đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Đồng Nai, một trong những mặt trái của chính sách giảm nghèo là tạo ra sức ì, thói ỷ lại, không muốn thoát nghèo. “Vậy cần phải làm gì để chính sách hỗ trợ tập trung vào đúng những hộ nghèo, đảm bảo công bằng và phát huy tính tích cực của chương trình giảm nghèo?” - bà Hằng hỏi.

Bộ trưởng Ngân trả lời: Chính sách giảm nghèo thời gian vừa qua được thiết kế theo dạng bao cấp. Ví dụ như chờ nhà nước kéo điện vào rồi lại chờ nhà nước cho tiền mua bóng điện, phủ sóng rồi cho đài và cho luôn cả pin nghe đài. Nâng cao năng lực thoát nghèo là nâng cao trước hết cho cán bộ làm công tác tuyên truyền để làm cho người nghèo có ý thức thoát nghèo, tránh tâm lý ỷ lại. Chính sách sắp tới sẽ không bao cấp nữa mà cố gắng truyền thông giúp người nghèo tìm kế sinh nhai. Đồng thời, chính sách giảm nghèo tới đây cũng sẽ chú ý đầu tư theo trọng điểm dựa trên nguyện vọng có thực của người dân, từng đối tượng khác nhau sẽ được hưởng chính sách hỗ trợ khác nhau.

Đồng tình, ông Vũ Trọng Bình, Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn (Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam), cũng góp ý để giảm nghèo thành công trước mắt cần có những chính sách ngắn hạn hỗ trợ trực tiếp, kịp thời, đúng đối tượng. Về lâu dài thì nhà nước phải đảm bảo cho người nghèo có cơ hội được tiếp cận với việc làm, giáo dục, nắm bắt thông tin.

Chính sách giảm nghèo còn nặng bao cấp ảnh 1

Giúp người nghèo tìm kế sinh nhai, không ỷ lại là một trong những mục tiêu thiết thực để giảm nghèo. Ảnh minh họa: HTD

Thừa nhận có bệnh thành tích

Ông Trương Văn Nọ, ĐBQH tỉnh Long An, đặt vấn đề: Khi có chuẩn nghèo mới thì tỉ lệ nghèo tăng 19% (gần bằng năm 2005 là 20%). Vậy hiệu quả công tác giảm nghèo thời gian qua như thế nào?

Ông Trần Văn Kiệt, ĐBQH tỉnh Vĩnh Long, cũng băn khoăn: Tình trạng tái nghèo vẫn diễn ra khá lớn, có nhiều nguyên nhân nhưng có nguyên nhân vì bệnh thành tích của địa phương không? Bởi vì nếu không khéo người dân còn nghèo nhưng báo cáo thành tích lớn. Đề nghị bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này.

Bà Ngân thừa nhận là chuẩn nghèo tăng thì hộ nghèo tăng, cứ sau năm năm thì tỉ lệ nghèo cả nước lại về mức 20%. Tuy nhiên, bức tranh tổng thể có sự thay đổi hơn, cái nghèo của nay khác năm năm trước, nhu cầu của người dân đòi hỏi ngày càng cao hơn… “Tôi đồng ý có nguyên nhân bệnh thành tích để đạt danh hiệu này danh hiệu nọ khi báo cáo” - bà Ngân nói.

Giảm nghèo là việc của toàn xã hội

Theo ông Vũ Trọng Bình - Giám đốc Trung tâm Phát triển nông thôn (Viện Chính sách chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Việt Nam), chiến lược xóa nghèo phải trên cơ sở xã hội chứ không phải chỉ bằng các chính sách của nhà nước như hiện nay. “Vậy để xã hội tham gia vào vấn đề này, chúng ta phải tạo cơ chế như thế nào? Ví dụ cho doanh nghiệp được ưu đãi khi nhận lao động là con em người nghèo. Tôi cho rằng cần có cơ chế tổng thể mới giải quyết được” - ông Bình nói.

Bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban, cũng cho biết: “Tôi cảm thấy chương trình giảm nghèo của chúng ta đang thiếu một nhạc trưởng. Phải tìm ra một nhạc trưởng điều hành việc này” (hiện có tới 36 chính sách giảm nghèo nhưng nằm rải rác ở sáu bộ). Bà Mai đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Chính phủ phân tích hai loại là nghèo kinh niên và nghèo tạm thời. Nếu là nghèo kinh niên thì phải có chính sách riêng hoặc chuyển qua nhóm bảo trợ xã hội. Nhóm nghèo tạm thời thì có thể tác động bằng các chính sách giảm nghèo. “Việc xây dựng chính sách giảm nghèo sắp tới thì chuẩn nghèo chỉ là mức sàn, còn lại giao cho địa phương tự quyết định. Như vậy giảm nghèo sẽ đi vào thực chất hơn” - bà Mai nhấn mạnh.

NHẪN NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm