Chính sách bảo hiểm thất nghiệp: CN không rõ, CĐ “lơ mơ”!

Sáng qua (18-9), tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức hội thảo về các mô hình thương lượng tập thể và kinh nghiệm công đoàn quốc tế.

Thí điểm ký kết thỏa ước lao động tập thể

Ông Đào Văn Thư - chuyên viên chính Ban Chính sách-Kinh tế-Xã hội, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết thỏa ước lao động tập thể là văn bản thỏa thuận giữa tập thể lao động và người sử dụng lao động về các điều kiện lao động và sử dụng lao động, quyền lợi và nghĩa vụ hai bên trong quan hệ lao động. Tuy nhiên, hiện nay nhiều doanh nghiệp chỉ ký kết thỏa ước lao động tập thể lấy lệ, không có thương lượng thực sự nên không đảm bảo lợi ích của tập thể lao động, ràng buộc nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Nhiều trường hợp người sử dụng lao động vẫn chấp nhận thương lượng nhưng kéo dài thời gian thương lượng khiến người lao động nản chí, không ký được thỏa ước lao động tập thể.

Đại diện Tổng Liên đoàn Lao động cho biết tới đây sẽ thí điểm thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể theo từng ngành, trước hết trong ngành dệt may. Sau khi thí điểm xong sẽ triển khai ra các ngành khác, đồng thời sẽ thực hiện thí điểm thương lượng và ký kết thỏa ước lao động tập thể các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ...

Nhiều thắc mắc về trợ cấp thôi việc

Có mặt tại hội thảo, đại biểu liên đoàn lao động các tỉnh, thành, khu công nghiệp đã bày tỏ thắc mắc xung quanh chính sách bảo hiểm thất nghiệp (dự kiến sẽ được áp dụng vào ngày 1-1-2009).

Trao đổi với báo chí bên lề hội thảo, ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết: “Hiện nay đang có hiện tượng người lao động băn khoăn khi nghe thông tin từ ngày 1-1-2009, thực hiện chế độ bảo hiểm thất nghiệp sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc theo điều 17 và điều 42 Bộ luật Lao động. Nhiều người dự kiến sẽ xin nghỉ ngay trước thời điểm đó để được nhận trợ cấp thôi việc. Điều này có thể gây xáo trộn trong các doanh nghiệp và khởi đầu hàng loạt tranh chấp giữa người lao động và người sử dụng lao động. Chiều 16-9, Tổng Liên đoàn Lao động đã có văn bản gửi Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị trả lời thắc mắc của người lao động. Đồng thời, chúng tôi cũng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tham mưu với Chính phủ khi ban hành nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) về bảo hiểm thất nghiệp cần làm rõ những vướng mắc này”.

Tuy nhiên, ông Chính cho rằng: “Hiện nay cũng chưa có văn bản chính thống nào của Chính phủ khẳng định sẽ không trả trợ cấp thôi việc, mất việc theo điều 17 và điều 42 cho người lao động đã làm việc từ năm 2008 trở về trước (trước thời gian áp dụng chính sách bảo hiểm thất nghiệp). Vì thế, tôi cũng đề nghị liên đoàn lao động các tỉnh, thành phố, công đoàn ngành có văn bản hướng dẫn, tuyên truyền, giải thích để người lao động yên tâm sản xuất, không hoang mang. Quan điểm của Tổng Liên đoàn Lao động là những người hiện đang làm việc đã đóng góp nguồn thu vào ngân sách từ ngày 1-1-2009 trở về trước nên khi họ nghỉ việc đương nhiên phải được hưởng trợ cấp thôi việc theo đúng quy định của luật lao động”.

Khi xây dựng Luật BHXH, có quan điểm cho rằng chế độ trợ cấp mất việc (quy định tại Điều 17 BLLĐ) và trợ cấp thôi việc (quy định tại Điều 42 BLLĐ) đã được bãi bỏ, thay vào đó là chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Khoản 1 Điều 81 Luật BHXH quy định người lao động thất nghiệp được hưởng bảo hiểm thất nghiệp khi: “Đã đóng bảo hiểm thất nghiệp đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi thất nghiệp”.

BẢO PHƯỢNG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm