Chính quyền đô thị TP.HCM: Làm luôn, không thí điểm

Quốc hội (QH) đã có những thảo luận ban đầu về dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM, mở đường cho trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam này cải cách tổ chức, bộ máy chính quyền địa phương phù hợp với đặc thù của mình.

Tuần này, nội dung này sẽ tiếp tục được thảo luận tại hội trường trước khi QH thông qua. Pháp Luật TP.HCM trao đổi với Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn về những bước chuẩn bị cuối cùng cho đề án này.

Thuyết phục về cơ sở pháp lý và kinh nghiệm thực tiễn

. Phóng viên: Thưa ông, nối tiếp Hà Nội, Đà Nẵng, QH đang thảo luận để thông qua cơ sở pháp lý cho mô hình mới chính quyền đô thị TP.HCM. Đến lúc này, liệu có thể tự tin là mọi việc sẽ suôn sẻ?

 + Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Chúng tôi rất tự tin. Bộ Nội vụ đã trực tiếp tham gia quá trình xây dựng cũng như tổ chức thẩm định đề án thì thấy cả Thành ủy, HĐND, UBND TP.HCM đã có sự chuẩn bị và nghiên cứu kỹ càng. Các cơ quan của Chính phủ cũng phối hợp chặt chẽ và thống nhất cao. Khi trình Ủy ban Thường vụ QH, rồi đến thảo luận bước đầu của QH hai tuần trước thì cũng nhận được nhiều ý kiến ủng hộ.

Có thể nói là rất thuận lợi, vì căn cứ pháp lý cũng như cơ chế, chính sách của đề án đã được luận giải rõ ràng, thuyết phục về cơ sở pháp lý, về kinh nghiệm thực tiễn.

Vấn đề còn lại là “thí điểm” hay làm thật? TP.HCM thì kiên trì đề nghị không “thí điểm”. Chính phủ cũng thống nhất như vậy. Cá nhân tôi thấy đã đầy đủ về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và Luật Chính quyền địa phương đã được sửa đổi, trao quyền cho QH quyết định rồi thì việc gì phải làm “thí điểm” nữa.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn trao đổi với Pháp Luật TP.HCM. Ảnh: NGHĨA NHÂN 

. Nhưng hai nghị quyết của QH về chính quyền đô thị ở Hà Nội - ban hành năm 2019 và Đà Nẵng - ban hành năm 2020 đều “thí điểm”. Vậy lập luận thế nào để bỏ hai chữ này cho TP.HCM?

+ Quá trình chuẩn bị đề án của Hà Nội, Đà Nẵng đều diễn ra trong bối cảnh Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 chưa được sửa đổi, bổ sung, vẫn quy định quận, phường là cấp chính quyền địa phương, bao gồm HĐND và UBND. Nghị quyết số 18 của Trung ương 6 khóa XII, năm 2017 của Đảng thì có câu “chủ động thí điểm ở những nơi có đủ điều kiện”…

Cơ sở pháp lý chưa có nên hai nghị quyết của QH về tổ chức chính quyền đô thị tại Hà Nội, Đà Nẵng mới có từ “thí điểm”.

Còn bây giờ TP.HCM thuận lợi hơn rất nhiều. Tháng 11-2019, QH đã sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương, theo đó, dù vẫn quy định chung quận, phường là cấp chính quyền địa phương nhưng đồng thời bổ sung “trừ trường hợp cụ thể QH quy định không phải là cấp chính quyền địa phương”. Luật này đã có hiệu lực từ ngày 1-7 vừa rồi.

Ngoài ra, TP.HCM từ rất sớm đã nghiên cứu, xây dựng đề án cơ chế đặc thù, mà một nội dung quan trọng là đổi mới mô hình tổ chức chính quyền địa phương cho phù hợp đặc thù đô thị. Đến giai đoạn 2009-2016, khi Trung ương, QH cho phép 10 tỉnh, thành thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường thì TP.HCM là địa phương tích cực nhất, quyết liệt triển khai diện rộng nhất. Khi kết thúc thí điểm, TP cũng mạnh dạn đề nghị được tiếp tục mô hình này.

Một quá trình như vậy, với sự quyết tâm, đồng thuận của cả hệ thống chính trị TP.HCM, nay được Chính phủ thống nhất và ủng hộ thì tôi tin rằng QH sẽ thảo luận kỹ, không gắn hai chữ “thí điểm” ấy vào nghị quyết lần này của TP.HCM nữa. Như thế mới đáp ứng yêu cầu bứt phá của một địa phương năng động, sáng tạo, luôn đi đầu trong đổi mới như TP.HCM.

Nếu đề án chính quyền đô thị TP.HCM được thông qua, HĐND TP sẽ đảm đương một số nhiệm vụ thay thế HĐND cấp quận, phường. Trong ảnh: Các đại biểu biểu quyết thông qua nghị quyết tại một kỳ họp của HĐND TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Đáp ứng đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn

. Chúng ta đã từng có cả một cuộc thí điểm rầm rộ bảy năm về không tổ chức HĐND quận, huyện, phường, rồi bất ngờ dừng lại. Đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015 vẫn kiên định chính quyền đô thị ba cấp với đầy đủ cặp đôi HĐND - UBND, rồi sửa luật này năm 2019. Theo ông, đã đến lúc chúng ta thực sự sẵn sàng với mô hình chính quyền đô thị một cấp như đề án của TP.HCM?

+ Trước đây thì đúng là còn ý kiến khác nhau thật.

Tuy nhiên, nhận thức là quá trình. Việc tổ chức chính quyền địa phương như thế nào cho phù hợp với đặc điểm của đô thị cũng như của nông thôn đã được nghiên cứu lâu rồi. Do đó mới có căn cứ để 11 năm trước thí điểm không tổ chức HĐND ở huyện, quận, phường.

Đô thị có nhiều đặc điểm khác nông thôn. Đời sống kinh tế đô thị chủ yếu là phi nông nghiệp, đa ngành, đa lĩnh vực, có tốc độ phát triển cao. Hạ tầng đô thị có tính thống nhất, liên thông, phức tạp, mang tính hệ thống, không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Việc phân chia địa giới hành chính ở đô thị chỉ có ý nghĩa là khu vực hành chính, mang tính quản lý hành chính là chủ yếu.

Quản lý nhà nước về an ninh trật tự, an toàn xã hội, giao thông, điện nước, xây dựng, môi trường ở đô thị là công việc hằng ngày, đa dạng, phức tạp. Việc duy trì các cấp chính quyền trung gian như quận, phường theo mô hình chung hiện nay khó đáp ứng được yêu cầu ấy.

Kết quả thí điểm trước đây, rồi thực tiễn quá trình thảo luận mô hình chính quyền đô thị cho Hà Nội, Đà Nẵng đã khai thông nhiều. Còn điểm nghẽn trong Luật Chính quyền địa phương đã được sửa đổi và có hiệu lực, không còn vướng gì nữa.

. Với hai nghị quyết đã ban hành về chính quyền đô thị ở Hà Nội, Đà Nẵng và dự thảo nghị quyết cho TP.HCM thì đang có hai mô hình: Đô thị với một cấp chỉnh quyền và hai cấp chính quyền. Nên hiểu như thế nào về tính đa dạng này?

+ Về mặt khoa học cũng như xu hướng thế giới, cho đến nay, chúng ta đều thống nhất là đô thị thì chỉ nên một cấp chính quyền. Đà Nẵng và TP.HCM đi theo cách ấy - chỉ có một cấp chính quyền ở TP. Ngay cả đề án TP Thủ Đức của TP.HCM - đơn vị hành chính lãnh thổ tương đương với cấp quận, cũng như vậy, chỉ có một cấp chính quyền là chính quyền TP Thủ Đức.

Hai đô thị lớn làm được như vậy là vì họ đã có thực tiễn bảy năm thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường.

Còn Hà Nội là thủ đô, trước chưa tham gia thí điểm nên có lẽ quan điểm của cả địa phương và Trung ương là cần thận trọng hơn trước vấn đề đổi mới tổ chức, bộ máy. Cho nên thí điểm chính quyền đô thị có hai cấp chính quyền, ở TP và quận.

“Tôi tin là sẽ có sự đồng thuận cao”

. Từ cuộc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường trước đây, đến lần này tìm kiếm mô hình chính quyền đô thị ở ba TP lớn, ông phán đoán thế nào về tương lai mô hình chính quyền đô thị?

+ Thực tiễn thí điểm ấy cung cấp nhiều kinh nghiệm và bài học quý để giờ đây Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM triển khai mô hình chính quyền đô thị phù hợp với đặc điểm địa phương mình.

Trước đây, khi thí điểm không tổ chức HĐND thì UBND nơi đó vẫn giữ chế độ làm việc tập thể kiểu cũ. Còn lần này, UBND ở cấp trung gian ấy chỉ là cơ quan hành chính nhà nước hoạt động theo chế độ thủ trưởng, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ. Đây là yếu tố rất quan trọng để tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền địa phương. Qua đó đáp ứng sự hài lòng của người dân và tạo cơ sở để phát triển kinh tế - xã hội.

Tôi tin là kỳ họp này, QH sẽ đồng thuận cao, thông qua nghị quyết về chính quyền đô thị TP.HCM. Như thế, sau bầu cử đại biểu HĐND giữa năm 2021, mô hình chính quyền đô thị ở ba TP sẽ đồng loạt vận hành.

Thực tiễn sẽ kiểm định để trong tương lai QH sẽ nghiên cứu cho sửa hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương theo hướng đô thị chỉ một cấp chính quyền, thống nhất thực hiện trên toàn quốc.

. Xin cám ơn ông.

Đảm bảo quyền làm chủ của người dân

Phóng viên: Theo đề án của TP.HCM, chính quyền đô thị sẽ chỉ còn một cấp. Thiết chế dân chủ đại diện là HĐND ở quận, phường sẽ không còn tổ chức nữa. Vậy thực thi quyền làm chủ của cư dân đô thị có bị ảnh hưởng nhiều không?

+ Thứ trưởng Trần Anh Tuấn: Cư dân đô thị có tính độc lập và nhu cầu dân chủ trực tiếp cao hơn nhiều so với nông thôn. Điều kiện hạ tầng kỹ thuật, thông tin, giao thông, dân trí đô thị cho phép cư dân thực hành dân chủ trực tiếp tốt hơn. Thiết chế dân chủ đại diện qua HĐND ở quận, phường không còn nhiều ý nghĩa nữa. Để tinh gọn bộ máy, phát huy hiệu quả thì có thể tập trung chức năng dân chủ đại diện lên HĐND TP.

Cũng xét về dân chủ đại diện thì ngoài thiết chế HĐND, người dân còn có nhiều tổ chức đại diện sâu sát đến tận thôn, xóm, tổ dân phố như MTTQ, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh… Cư dân đô thị lại hưởng dụng những thành quả của thời cách mạng 4.0 với nhiều kênh liên lạc, phản ánh, rất dễ dàng thực hiện quyền giám sát, phản biện.

Và quan trọng hơn cả, Đảng với mạng lưới, tổ chức rộng khắp, lãnh đạo toàn diện với bộ máy chính quyền địa phương, dù được tổ chức bất kỳ theo mô hình nào. 

Nâng cao tính tự chủ của bộ máy chính quyền

Chính quyền đô thị TP.HCM: Làm luôn, không thí điểm ảnh 3
 

Tôi nhất trí việc QH thảo luận, xem xét thông qua dự thảo nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Thứ nhất, nhằm nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của bộ máy chính quyền đô thị, nâng cao chất lượng, hiệu quả cung ứng dịch vụ công, phù hợp với đặc điểm, tính chất của một trung tâm tài chính, kinh tế, công nghệ cao của cả nước và khu vực. Thứ hai, việc này sẽ đóng góp kinh nghiệm thực tiễn cho quá trình đổi mới hiệu lực, hiệu quả của chính quyền đô thị.

Tôi tán thành với đề nghị của Chính phủ, việc đổi mới mô hình chính quyền đô thị tại TP.HCM là vấn đề quan trọng và cấp bách nên triển khai thực hiện ngay, không cần phải tổ chức thí điểm. Không thí điểm là phù hợp với quy định của hiến pháp, phù hợp với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Về thực tiễn, TP.HCM đã có bảy năm thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Qua báo cáo tổng kết, đánh giá của TP.HCM cho thấy việc không tổ chức HĐND quận, huyện, phường tại TP không làm ảnh hưởng đến tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị ở địa phương. Hoạt động quản lý, điều hành của bộ máy hành chính nhà nước TP và các quận, huyện, phường vẫn ổn định và thông suốt.

Đại biểu DƯƠNG MINH TUẤN (Bà Rịa-Vũng Tàu)

Làm đòn bẩy cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam

Chính quyền đô thị TP.HCM: Làm luôn, không thí điểm ảnh 4
 

Sự phát triển như vũ bão của công nghệ 4.0 cùng với việc hình thành hệ thống chính phủ điện tử thời gian qua đã giúp tăng cường chất lượng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đời sống người dân… Đây là thời cơ thuận lợi để chúng ta mạnh dạn tạo thế và lực thông qua hình thức cải cách thể chế của TP.HCM. Qua đó tạo điều kiện cho TP.HCM phát triển, làm đòn bẩy phát triển cho các tỉnh, TP trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Từ đó, tôi đề nghị các đại biểu QH và QH xem xét cho thông qua nghị quyết của QH về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM trong kỳ họp này và cho thực hiện luôn mà không cần thí điểm.

Sau khi được QH thông qua nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị, TP.HCM cần chú trọng đầu tư công và phát triển cơ sở hạ tầng của TP mới trực thuộc TP.HCM để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho TP mới cất cánh.

Đại biểu HUỲNH THÀNH CHUNG (Bình Phước)

Tăng việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến

Chính quyền đô thị TP.HCM: Làm luôn, không thí điểm ảnh 5
 

Qua nghiên cứu và trao đổi với một số chuyên gia cũng như một số cử tri quan tâm, tôi nhận thấy đề án tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM được xây dựng rất công phu, thể hiện trách nhiệm chính trị rất cao của lãnh đạo và ý chí nguyện vọng của nhân dân TP.HCM. Đây là cơ sở quan trọng để đề án thật sự đi vào cuộc sống sau khi được QH thông qua nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Tôi cũng kiến nghị việc tổ chức chính quyền đô thị TP.HCM thực hiện theo mô hình một cấp chính quyền và hai cấp hành chính. Cốt lõi của việc tổ chức theo mô hình này là làm thế nào để tăng quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của TP. Làm thế nào để hệ thống chính trị, chính quyền hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn và tăng cường phân cấp hơn đến tận cấp xã, phường… Từ đó giúp người dân được tiếp cận các thủ tục hành chính qua hệ thống chính quyền điện tử, tăng việc ứng dụng dịch vụ công trực tuyến…

Đại biểu NGUYỄN THỊ XUÂN THU (Khánh Hòa)

Chú trọng việc bố trí đội ngũ cán bộ cấp cơ sở

Chính quyền đô thị TP.HCM: Làm luôn, không thí điểm ảnh 6
 

Đoàn đại biểu QH TP Đà Nẵng tán thành đề nghị của Chính phủ, trình QH ban hành nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.

Một vấn đề cần được QH quan tâm, đó là sau khi nghị quyết này được ban hành thì cần ban hành các văn bản hướng dẫn về tổ chức triển khai thực hiện kịp thời, phù hợp với điều kiện, tình hình thực tiễn của địa phương. Trong đó chú trọng việc bố trí nhân lực, đội ngũ cán bộ cho cấp cơ sở đảm bảo đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ đặt ra, tránh tình trạng cắt giảm biên chế theo kiểu dàn hàng ngang đối với các địa phương mà không căn cứ vào tình hình thực tiễn dẫn đến khó khăn cho các cấp chính quyền, cấp cơ sở.

Cùng với đó, nghị quyết về chính quyền đô thị tại TP.HCM lần này phải đạt được mục tiêu là tạo điều kiện tốt nhất để TP.HCM phát triển ổn định, làm tốt vai trò là một trọng điểm kinh tế của cả nước, có đóng góp quan trọng hơn cho quá trình phát triển chung của đất nước như tinh thần của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, QH và Chính phủ giao cho cũng như sự kỳ vọng của nhân dân cả nước.

Đại biểu NGUYỄN BÁ SƠN (Đà Nẵng)

CHÂN LUẬN ghi 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.