Chính phủ sẽ không được tự ra nghị định

Đại diện cho Chính phủ, ông Hoàng Thế Liên - Thứ trưởng Bộ Tư pháp đề nghị giữ nguyên quy định về thẩm quyền của Chính phủ được ban hành nghị định độc lập. (Nghị định do Chính phủ ban hành để kịp thời điều chỉnh một lĩnh vực nào đó chứ không phải để hướng dẫn luật hay pháp lệnh. Chẳng hạn: Nghị định 79/2007 về cấp bản sao, chứng thực - PV) Theo ông Liên, sở dĩ Chính phủ muốn giữ thẩm quyền này là để được linh hoạt trong điều hành. “Nếu cứ chờ luật, pháp lệnh thì Chính phủ sẽ khó điều hành” - ông Liên nói.

Khi lấy ý kiến cho dự luật này, nhiều người đề nghị nên bỏ hình thức thông tư liên tịch do các bộ ban hành. Tuy nhiên, ông Liên lý giải trong tình hình hiện nay thì thông tư liên tịch vẫn là công cụ quan trọng vì có nhiều việc đòi hỏi sự phối hợp của bộ, ngành. Hơn nữa, không phải việc nào cũng rành mạch, không phải trách nhiệm nào cũng rạch ròi để mỗi bộ, ngành có thể ra một văn bản độc lập.

Không chấp nhận đề xuất của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật cho rằng không nên tiếp tục quy định cho Chính phủ quyền ban hành nghị định độc lập và các bộ, ngành ban hành thông tư liên tịch. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận phân tích: Các quy định đó chỉ phù hợp với điều kiện hệ thống pháp luật còn thiếu nhiều văn bản điều chỉnh các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, nhất là khả năng của QH, UBTVQH chưa đáp ứng được yêu cầu. Nhưng đến nay, hệ thống pháp luật về cơ bản đang từng bước được hoàn thiện, năng lực lập pháp của QH, UBTVQH đã được nâng cao. Lý do Chính phủ cho rằng luật, pháp lệnh không theo kịp nhu cầu cuộc sống, nhu cầu điều hành là khó chấp nhận vì hiện nay UBTVQH làm việc hàng tháng, có vấn đề nào Chính phủ cần trình là có thể ban hành pháp lệnh được ngay.

Ông Thuận cũng nhận xét việc ban hành thông tư liên tịch rất khó xác định rạch ròi trách nhiệm của từng cơ quan ban hành. Vì vậy, những vấn đề cần điều chỉnh thuộc trách nhiệm chính của cơ quan nào thì cơ quan đó ban hành văn bản sau khi đã lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan.

Cũng trong sáng qua, UBTVQH cho ý kiến lần cuối về dự án Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước. Phần lớn các ý kiến đều thống nhất rằng cơ quan nhà nước không được sử dụng tài sản nhà nước để cho thuê hoặc thực hiện các hoạt động kinh doanh khác. Vì nếu thế sẽ đồng nghĩa với việc cho phép các cơ quan này kinh doanh, không đúng chức năng, nhiệm vụ của cơ quan nhà nước, không đúng với mục đích của việc đầu tư, trang bị tài sản. “Các cơ quan, đơn vị, tổ chức đang sử dụng tài sản nhà nước cho thuê hoặc sử dụng sai mục đích thì phải thu hồi. Việc này Chính phủ cũng đang làm, cụ thể là thí điểm tại TP.HCM nhưng rất gian nan” - Bộ trưởng Vũ Văn Ninh nói.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm