Chính phủ báo cáo với UBTVQH: Nhiều nguyên nhân chủ quan làm lạm phát cao

Hôm qua, tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) lần đầu tiên Chính phủ thừa nhận chỉ số tăng giá (CPI) 2008 không thể thấp hơn CPI năm 2007 là 12,63%. “Chính phủ kiến nghị xem xét lại mục tiêu CPI 2008 thấp hơn 2007 để trình Quốc hội điều chỉnh, vì ước tính CPI bốn tháng đầu năm nay đã hơn 11%. Nếu không điều chỉnh chỉ tiêu này thì sẽ làm suy giảm uy tín của Chính phủ vì đây là con số không thể đạt được” - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nói.

“Sáng” ít, “tối” nhiều

Đây là màu sắc bức tranh kinh tế Việt Nam những tháng cuối năm 2007, đầu năm 2008 và được dự báo còn có thể kéo dài ít nhất đến giữa năm 2009. Theo báo cáo của Bộ trưởng Võ Hồng Phúc, GDP quý I-2008 vẫn ở mức khá cao (7,4%), nông nghiệp và dịch vụ vẫn đạt mức tăng trưởng ổn định nhưng mức tăng trưởng của công nghiệp chỉ đạt 8,1%, thấp hơn nhiều so với cùng kỳ năm ngoái. “Giá nhiều mặt hàng thiết yếu đã bị đẩy cao, gây nhiều khó khăn cho đời sống nhân dân. Thị trường chứng khoán giảm sút. Nhập siêu tiếp tục tăng cao. Đầu tư phát triển gặp nhiều khó khăn” - ông Phúc nhấn mạnh bốn “mảng tối” của bức tranh kinh tế.

Vẫn theo lời ông Phúc, nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống có giá tăng cao nhất là 14,45%, nhà ở và vật liệu xây dựng tăng hơn 8%, phương tiện đi lại và bưu điện tăng hơn 7%... Tỷ lệ nhập siêu ba tháng đầu năm đã lên 63%, mức cao nhất trong nhiều năm qua, đe dọa mất cân bằng nghiêm trọng cán cân thương mại. Thị trường chứng khoán hiện nay giảm 50% so với mức cao nhất của năm 2006.

Chủ tịch Hội đồng dân tộc K’So Phước và Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị Chính phủ làm rõ nguồn vốn đầu tư gián tiếp ảnh hưởng như thế nào đến lạm phát, bởi nếu không kiểm soát được nguồn vốn đầu tư này trên thị trường chứng khoán và trong các ngân hàng cổ phần thì chúng ta rất dễ bị thao túng. “Chính phủ nói giữ giá một số mặt hàng thiết yếu đến tháng 6. Vậy sau tháng 6 thì sao? Có dùng biện pháp hành chính để can thiệp mãi vào thị trường được không?” - bà Mai yêu cầu Chính phủ giải trình rõ vấn đề này.

Trách nhiệm vẫn chưa rõ “địa chỉ”

Khác với trước, lần này báo cáo của Chính phủ tập trung vào các nguyên nhân chủ quan của tình trạng lạm phát quá cao. Theo đó, nhóm nguyên nhân chủ quan của lạm phát bao gồm: Chính sách tài chính, tiền tệ nới lỏng liên tục trong nhiều năm, nhất là năm 2007 làm tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng tăng mạnh. Thị trường tiền tệ diễn biến bất thường nhưng chưa được phát hiện và cảnh báo kịp thời. Chính sách tỷ giá thấp không điều chỉnh kịp thời khi đồng USD giảm giá.

Song song đó, chi tiêu ngân sách chưa tiết kiệm, bội chi cao trong khi hiệu quả đầu tư từ khu vực nhà nước thấp. Chủ trương thí điểm thành lập tập đoàn đa ngành chưa được nhận thức thống nhất để thực hiện tốt, trong đó có việc nhiều tập đoàn đầu tư vào tài chính, ngân hàng, bất động sản và chứng khoán là những lĩnh vực không thuộc chuyên ngành của mình...

Tuy nhiên, lý giải trên đây chưa thuyết phục được UBTVQH. “Tôi thấy nhóm nguyên nhân chủ quan chưa rõ địa chỉ. Đâu là nguyên nhân, từ chính sách, chỉ đạo hay điều hành? Phải chỉ rõ cơ quan nào chịu trách nhiệm trước lạm phát chứ! Những năm tám mươi để xảy ra tình trạng lạm phát đã có những đồng chí lãnh đạo cấp cao phải chịu trách nhiệm” - Chủ nhiệm VPQH Trần Đình Đàn lên tiếng. “Chính phủ làm rõ vấn đề này trước khi trình ra Quốc hội” - Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận yêu cầu.

Tác động của lạm phát đối với xã hội

“Chính phủ đề nghị điều chỉnh GDP năm 2008 xuống còn 7% thì chỉ số CPI là bao nhiêu?” - bà Mai đặt ra câu hỏi khi Chính phủ chỉ phân bua rằng chỉ số tăng giá không thể giữ mức dưới 12,63% mà không đưa ra một con số cụ thể. Tuy nhiên, câu hỏi của bà Mai không nhận được sự trả lời từ bất cứ thành viên nào của Chính phủ.

Trưởng ban Công tác đại biểu Phạm Minh Tuyên cho rằng không nên đưa ra con số CPI cụ thể nữa, vì công tác dự báo của ta vốn yếu kém nên không thể biết con số CPI cuối cùng là 18%, 19% hay 20%. “Nếu phấn đấu thật quyết liệt, đến mức những tháng cuối năm CPI 0% thì chỉ số CPI cả năm 16%-18% đã là cố gắng” - ông Tuyên nói. Ông Thuận thì nói nếu điều chỉnh để cuối năm báo cáo là đã hoàn thành chỉ tiêu thì không nên, tốt nhất là không điều chỉnh chỉ tiêu nữa mà cứ để cho Chính phủ điều hành rồi đến cuối năm Quốc hội sẽ “mổ xẻ”.

Điều làm phần lớn các ủy viên UBTVQH ngạc nhiên là bản báo cáo của Chính phủ chỉ đề cập hết sức sơ sài những tác động của lạm phát đối với xã hội. Bà Mai bức xúc: “Anh Phúc nói là thuyền lên thì nước lên, đại bộ phận người dân vẫn có đời sống ổn định. Tôi rất băn khoăn về nhận định này. Đi tiếp xúc cử tri thì ngư dân nói rằng tiền dầu Chính phủ hỗ trợ chỉ đủ mỗi năm đi hai, ba chuyến tàu, còn lại là phải nằm bờ. Trâu bò chết rét được hỗ trợ một triệu đồng/con thì làm sao bà con nghèo mua được trâu mới. Mà bây giờ tỷ lệ hộ nghèo cũng được phân bổ xuống, mỗi xã chỉ được bình chọn mười, hai mươi hộ nghèo thôi. Nếu làm theo cách này thì ta muốn tỷ lệ nghèo là 10% hay 12% cũng được”.

Ông Tuyên nhận định chắc chắn số hộ nghèo sẽ tăng cao do trượt giá, dẫn đến thu nhập thực tế giảm nghiêm trọng. “Cứ nói giảm tỷ lệ hộ nghèo nhưng tiêu chí nghèo của ta quá thấp. Giá lương thực tăng gấp đôi nên nhiều hộ trước đây là nghèo thì nay là đói” - ông K’So Phước nhấn mạnh.

Bộ trưởng Võ Hồng Phúc: Không cắt giảm chi tiêu sẽ bị xử lý nghiêm

Lệnh của Chính phủ là các tỉnh phải cắt giảm chi tiêu. Nguồn ngân sách là nguồn nhà nước nắm, không cắt giảm không được vì nhà nước sẽ trừ phần trăm. Chẳng hạn chi tiêu thường xuyên trừ 10%, chi đầu tư thì không tăng. Đối với các doanh nghiệp nhà nước, Chính phủ đã có chỉ đạo từ quý I yêu cầu họ rà soát lại danh mục các dự án. Sau này sẽ đi kiểm tra, nếu dự án không hiệu quả mà vẫn đầu tư thì doanh nghiệp đó phải chịu trách nhiệm. Nếu nơi nào chi vào những mục chưa cần thiết, chẳng hạn chi phí hội họp, mua ôtô, xây trụ sở sẽ bị xử lý nghiêm.

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm