Chín đơn vị quản lý nhà nước về an toàn vệ sinh thực phẩm

Theo dự thảo, Sở Y tế là đơn vị thường trực, chịu trách nhiệm quản lý các cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Sở NN&PTNT quản lý sản xuất rau an toàn, cơ sở giết mổ, bảo quản, sơ chế, kho bảo quản lạnh động vật và rau, củ, quả; kiểm soát thú y đối với các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, sơ chế, vận chuyển và sử dụng thịt tươi gia súc, gia cầm thủy, hải sản sống, rau, củ, quả tại nhà hàng, chợ, siêu thị; kiểm soát dư lượng thuốc hóa chất bảo vệ thực vật đối với rau, củ, quả nơi sản xuất, chợ, kho hàng, kho bảo quản, nơi bày bán. Sở Công thương quản lý hoạt động giết mổ, chế biến, lưu thông, buôn bán thịt gia súc, gia cầm, thủy sản liên quan đến thực phẩm. Sở GD&ĐT chịu trách nhiệm đối với các bếp ăn tập thể trong trường, bếp bán trú. Sở Khoa học và Công nghệ quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm trên phương diện tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Sở Tài nguyên và Môi trường đánh giá tác động của các cơ sở chăn nuôi, giết mổ, chế biến, kinh doanh và nuôi trồng thủy, hải sản; kiểm tra chất thải đối với các cơ sở sản xuất và kinh doanh chế biến thực phẩm. Sở Thông tin và Truyền thông quản lý hoạt động quảng cáo về lĩnh vực này và cùng Sở Y tế thẩm định nội dung quảng cáo của các sản phẩm thực phẩm. Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch quản lý ATVSTP trong các khách sạn, nhà hàng, khu vui chơi giải trí, lễ hội. Công an thành phố có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan xử lý vi phạm về pháp luật ATVSTP.

Dự thảo quyết định cũng phân công trách nhiệm cho UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn. Dự thảo này sẽ được lấy ý kiến góp ý cho đến ngày 25-2 để chỉnh sửa, báo cáo UBND TP sớm ban hành.

TX

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm