Chi trả BHYT trong TNGT: Không buộc dân phải chứng minh không phạm luật

Thay vì quy định không chứng minh được họ có lỗi sẽ đương nhiên phải thanh toán thì lại quy định phải có xác nhận không phạm luật mới được chi trả. Những bất hợp lý trong hướng dẫn về chi trả bảo hiểm y tế trong trường hợp tai nạn giao thông đã được Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật chỉ rõ.

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) vừa có văn bản gửi Bộ Y tế và Bộ Tài chính nêu ý kiến về tính hợp pháp của Thông tư liên tịch số 09/2009/TTLT-BYT-BTC hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế (BHYT). Văn bản này khẳng định một số quy định của thông tư “vừa gây phiền hà cho người dân, vừa chưa phù hợp với quy định của Luật BHYT”.

Hướng dẫn trái luật?

Khoản 3 Điều 8 thông tư nói trên quy định trường hợp đã xác định được là (người bị tai nạn giao thông) không vi phạm pháp luật thì quỹ BHYT thanh toán theo quy định; trường hợp chưa xác định được là có vi phạm pháp luật về giao thông hay không thì người bị tai nạn giao thông (TNGT) tự thanh toán các chi phí điều trị với cơ sở y tế. Khi có xác nhận không vi phạm pháp luật về giao thông của cơ quan có thẩm quyền thì người bệnh mang chứng từ đến bảo hiểm xã hội để thanh toán…

Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng quy định nói trên chưa phản ánh đúng tinh thần và nội dung của Luật BHYT. Vì theo luật này, người tham gia BHYT được quỹ BHYT thanh toán chi phí khám, chữa bệnh khi xảy ra các trường hợp luật định, trừ trường hợp được quy định tại Điều 23 của luật. Điều 23 quy định 14 trường hợp không được hưởng BHYT, trong đó có trường hợp “khám bệnh, chữa bệnh tổn thương về thể chất, tinh thần do hành vi vi phạm pháp luật của người đó gây ra”.

Chi trả BHYT trong TNGT: Không buộc dân phải chứng minh không phạm luật ảnh 1

Người dân cần được tạo thuận lợi khi chi trả bảo hiểm trong tai nạn giao thông. Ảnh: HTD

“Điều đó có nghĩa là nếu không rơi vào những trường hợp quy định tại Điều 23 thì người tham gia BHYT đương nhiên phải được BHYT thanh toán. Đối với trường hợp TNGT, muốn tước quyền hưởng BHYT của người bệnh, cơ quan có thẩm quyền, trong đó có cơ quan BHYT phải chứng minh được người tham gia BHYT đã có vi phạm pháp luật về giao thông. Trường hợp không chứng minh được thì phải thanh toán cho người bệnh” - TS Lê Hồng Sơn, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật giải thích.

Quy định không rõ ràng

Mặt khác, theo Thông tư số 09, để được thanh toán BHYT cần phải có giấy xác nhận không vi phạm pháp luật về giao thông của cơ quan có thẩm quyền. Tuy nhiên, “cơ quan có thẩm quyền” xác nhận là cơ quan nào, đồng thời ai là người đưa ra giấy xác nhận không vi phạm pháp luật về giao thông cho cơ quan BHYT thì thông tư nói trên lại không làm rõ. “Quy định này đưa đến cách hiểu là trách nhiệm này thuộc về người bệnh. Nội dung này đã gây phiền hà và bế tắc cho người hưởng BHYT” - TS Lê Hồng Sơn nói.

Hiện có nhiều ý kiến cho rằng cơ quan có thẩm quyền xác nhận là cơ quan cảnh sát giao thông (CSGT). Tuy nhiên, đối chiếu các quy định hiện hành liên quan đến việc điều tra, giải quyết TNGT lại chưa có quy định cụ thể nào về việc cấp giấy xác nhận không vi phạm luật giao thông cho người bị tai nạn. Do vậy, nếu người bị TNGT có đến xin giấy xác nhận thì CSGT cũng không có cơ sở để cấp loại giấy này. Trên thực tế, CSGT chỉ có thể cung cấp cho các bên đương sự biên bản kết luận nguyên nhân gây ra vụ TNGT. Văn bản của Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng “việc đưa ra quy định trên là chưa cụ thể, rõ ràng và có thể tạo ra thêm thủ tục phiền hà cho người dân”.

Một thực tế khác là trong nhiều trường hợp, khi xảy ra tai nạn, các cơ quan có thẩm quyền không có mặt kịp thời ở hiện trường, hiện trường bị xáo trộn, sau tai nạn đối tượng bỏ trốn, không có người làm chứng… thì cơ quan có thẩm quyền cũng không thể kết luận nguyên nhân gây ra tai nạn. Như vậy, “nếu áp dụng khoản 3 Điều 8 nêu trên thì sẽ có nhiều trường hợp người bị TNGT không được hỗ trợ hoặc thanh toán BHYT ngay cả khi họ không có lỗi” - TS Lê Hồng Sơn kết luận.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm