Chỉ 1‰ người nghiện đi cai theo con đường tòa án

Theo ông Đương, nguyên nhân là do Luật Xử lý vi phạm hành chính quy định đưa người đi cai nghiện theo quyết định của tòa án nên thủ tục nhiều và rất phức tạp, tốn kém.

“Tôi được biết hiện nay tỉ lệ đưa người đi cai nghiện theo con đường tòa án rất ít, riêng TP.HCM chưa thực hiện được. Nếu không có giải pháp xử lý kịp thời thì sang năm 2015, số người nghiện ở ngoài xã hội không chỉ là gần 200.000 mà sẽ còn cao hơn nữa, gây bất ổn cho xã hội”. Để giải quyết vấn đề này, ông Đương đề nghị QH nên tạm dừng thực hiện quy định đưa người nghiện ma túy vào cơ sở cai nghiện theo con đường tòa án, thay vào đó sẽ áp dụng như quy định cũ và kỳ họp sau sẽ xem xét sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Không tán thành, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nói: “Nếu vì quyền con người, quyền công dân mà thêm tốn kém, phiền phức thì cũng phải làm”. Vì thế tới đây cần phải tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để bảo đảm các quy định trong luật được thực hiện tốt hơn.

Theo Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình, từ 1-1-2014 đến nay tòa án mới ra quyết định đưa 200 trường hợp (trong tổng số gần 200.000 trường hợp nghiện ma túy, tức khoảng 1‰ - một phần ngàn) vào các trại cai nghiện bắt buộc. Ông Bình thừa nhận điều này tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với xã hội, nhất là tội phạm hình sự.

Ông Bình lý giải các tòa ít thụ lý vì đây là biện pháp cưỡng chế liên quan trực tiếp đến quyền con người, quyền công dân nên việc lập hồ sơ phải chặt chẽ. Do chưa có hướng dẫn đầy đủ nên việc xác định người nghiện ma túy cũng như thẩm định hồ sơ còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Hơn nữa, nhiều trường hợp người nghiện không có nơi cư trú ổn định nên việc làm hồ sơ càng khó khăn hơn… “Đây là những bất cập mà các bộ, ngành, tòa án đang gặp phải. Tới đây, TAND Tối cao sẽ tích cực chủ động xây dựng hoàn chỉnh các văn bản hướng dẫn để việc đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc hiệu quả hơn” - ông Bình hứa.

Làm rõ việc công dân tự sát khi bị tạm giữ

Chỉ 1‰ người nghiện đi cai theo con đường tòa án ảnh 1
 
Năm 2014 là năm đáng báo động về tình hình lỏng lẻo trong công tác giam giữ của ngành công an. Có đến 31 người tự sát khi đang bị tạm giữ, tạm giam; ba phạm nhân bị kết án tử hình tự sát, năm người bị bạn tù đánh chết; 63 phạm nhân bỏ trốn; phạm nhân đang ở tù vẫn có ma túy… Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ lại không phân tích, đánh giá nguyên nhân dẫn đến sự lỏng lẻo trong công tác tạm giữ, tạm giam hiện nay, việc xử lý cán bộ sai phạm thế nào, phương án khắc phục ra sao.

Tôi đề nghị Bộ Công an báo cáo QH vấn đề này, đặc biệt là việc công dân tự sát khi đang bị tạm giữ hình sự… Phải chăng họ bị tạm giữ và oan ức nên tự sát? Vấn đề này cần phải được điều tra làm rõ, trả lời công khai trước công luận và gia đình người đã mất.

ĐBQH Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng)

Cử nhân thất nghiệp, quan thụ án được bố trí việc làm

Chỉ 1‰ người nghiện đi cai theo con đường tòa án ảnh 2
 
Trong khi hàng chục ngàn người học ĐH, trên ĐH chưa có việc làm thì chính quyền một số xã lại ký hợp đồng nhận những người đang trong thời gian THA tù treo vào làm việc hoặc vẫn giữ vị trí công tác nhưng chuyển từ xã này sang xã khác. Ví dụ như tháng 8-2014, xã Tràng Sơn (Thạch Thất, Hà Nội) đã bố trí cho các ông Phí Đình Hưng (nguyên chủ tịch UBND xã) vào làm kế toán, ông Nguyễn Văn Thuyết (nguyên cán bộ địa chính) vào làm cán bộ văn phòng UBND xã trong khi họ đang phải chấp hành án…

Có trường hợp người bị kết án đã bị tòa cấm đảm nhiệm chức vụ nhưng vẫn được chính quyền bố trí chức vụ gây bất bình trong dư luận như trường hợp ông Phạm Văn Khoa (nguyên bí thư đảng ủy) và ông Lê Văn Liêm (nguyên chủ tịch UBND xã Vinh Quang, Tiên Lãng, Hải Phòng). Tháng 8-2013, tòa tuyên cấm hai người này đảm nhiệm chức vụ trong cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội trong thời gian một năm kể từ ngày thụ án xong nhưng đến tháng 4-2014, UBND huyện Tiên Lãng đã có văn bản đồng ý với đề xuất của xã Vinh Quang ký hợp đồng lao động với hai ông này làm kế toán, cán bộ địa chính của xã…

ĐBQH Trần Thị Dung (Điện Biên)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm