Chất vấn ở UBTVQH: Chuẩn bị phiên “thử lửa” đầu tiên

Theo dự kiến, cuối tuần này (thứ Bảy 29-3), lần đầu tiên các thành viên Chính phủ sẽ phải trả lời chất vấn tại phiên họp của UBTVQH. Đó là Chánh án TAND tối cao, Bộ trưởng Tài chính và Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển nông thôn. Cựu Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Hoài Thu dự đoán: giá cả leo thang, chỉ số lạm phát tăng cao ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, thiên tai và dịch bệnh... sẽ là những vấn đề thời sự nóng hổi mà cử tri đang chờ đợi câu trả lời từ Chính phủ.

Chất vấn phải được tôn trọng

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính-Ngân sách, ông Phùng Quốc Hiển, cho biết: thông thường ở các nước, việc các thành viên chính phủ phải trả lời một vấn đề nào đó thuộc quyền và nhiệm vụ của họ trước các ủy ban của QH thì gọi là điều trần. Nội dung điều trần thường là những vấn đề cụ thể, chi tiết và kết quả điều trần có thể được quyết định ngay lập tức (ví dụ như một ủy ban của QH Mỹ có thể quyết định trình ra QH hoặc gác lại một dự luật). Nếu không quyết định ngay thì kết quả đó cũng sẽ có tác động rất lớn khi đưa ra quyết định tại QH.

Luật pháp nước ta chưa quy định về điều trần và trên thực tế cũng chưa có thành viên Chính phủ nào bị các ủy ban gọi đến để truy vấn. Tuy nhiên, kể từ phiên họp cuối tháng 3 này, các thành viên chính phủ sẽ phải trả lời chất vấn tại UBTVQH về những vấn đề bức xúc trong quản lý, điều hành mà người dân quan tâm. Ông Hiển cho rằng trong tương lai, nếu hoạt động chất vấn ở UBTVQH có hiệu quả thì nên được mở rộng đến Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của QH. Bởi lẽ những cơ quan này sẽ có điều kiện đi sâu hơn vào việc lý giải các vấn đề kinh tế, xã hội, cũng như đòi hỏi trách nhiệm các thành viên Chính phủ.

Theo GS-TS Nguyễn Minh Thuyết, chất vấn hay điều trần chỉ là cách gọi tên hoạt động này vì bản chất nó không có gì khác biệt.

Theo giáo sư Thuyết, gọi là chất vấn tại UBTVQH nhưng những người tham dự và nêu chất vấn không nên chỉ là các ủy viên UBTVQH. “Phiên họp thường kỳ của UBTVQH là nơi để nội bộ UBTVQH bàn thảo, quyết định những vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao. Khi đó, đại biểu được mời đến tham dự có quyền phát biểu nhưng ý kiến của họ chỉ mang tính chất tham khảo. Còn trong phiên chất vấn tại UBTVQH, cứ đại biểu QH nào quan tâm thì mời đến dự và chất vấn của các đại biểu này phải được tôn trọng”.

Có chế tài sau chất vấn

Cựu Chủ nhiệm Văn phòng QH Bùi Ngọc Thanh cho rằng chỉ nên chọn những vấn đề nóng bỏng, thời sự, cần thiết phải có lời giải đáp ngay để đưa ra chất vấn tại UBTVQH. Những vấn đề mang tính chất chiến lược, dài hơi thì nên chất vấn tại các kỳ họp của QH vì QH mới là cơ quan quyền lực tối cao, cơ quan đại diện cao nhất cho nhân dân và cũng là nơi có cái nhìn tổng thể, toàn diện nhất.

Tuy nhiên theo ông Thanh, để chất vấn đạt hiệu quả thì phải có chế tài đối với các vấn đề chất vấn. Đó có thể là nghị quyết của UBTVQH về các giải pháp đưa ra sau chất vấn, là đòi hỏi trách nhiệm của người trả lời chất vấn, là sự đôn đốc và giám sát lời hứa của người trả lời chất vấn... “Phải làm thế nào để người trả lời chất vấn làm sai không được mà không làm cũng không được, chỉ có thể làm đúng” - ông Thanh nói.

Tại phiên họp thứ 6 vừa qua, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng cho rằng khi có chế tài kèm theo thì những vấn đề chất vấn sẽ không bị rơi vào tình trạng “nói rồi để đó” như lâu nay nữa. “Trước những vấn đề cụ thể, nếu thấy cần thiết thì UBTVQH sẽ ra nghị quyết về vấn đề đó” - ông Lưu kết luận.

Chất vấn tại UBTVQH mang lại hiệu quả đến đâu thì vẫn phải chờ thực tiễn trả lời. Vì vậy, phiên chất vấn vào ngày 29-3 tới không chỉ là phiên “thử lửa” với các thành viên Chính phủ mà nó còn là phiên “thử lửa” với chính bản thân các thành viên UBTVQH.

Ông Lê Quốc Dung, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế:

Lạm phát cao, khó đổ hết lỗi cho khách quan

Tôi cho rằng câu hỏi nóng nhất hiện nay dành cho Bộ trưởng Tài chính là việc cần làm rõ các nguyên nhân khách quan và chủ quan dẫn đến lạm phát tăng cao. Mặc dù nguyên nhân khách quan như giá cả thị trường thế giới tăng cao, thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng đến sự tăng giá trong nước nhưng tại sao chỉ số tăng giá tiêu dùng hai tháng đầu năm của Việt Nam lại cao hơn nhiều so với các nước trong khu vực?

Chính phủ cũng thừa nhận trong các nguyên nhân chủ quan có việc điều hành chính sách tiền tệ lúng túng và đã có giải pháp chấn chỉnh. Tuy nhiên, trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị không được xử lý một cách rõ ràng và nghiêm khắc. UBTVQH cần yêu cầu Chính phủ làm rõ trách nhiệm đối với các nguyên nhân chủ quan của việc để giá cả tăng cao.

Đối với các nhóm giải pháp, Chính phủ cần phân tích rõ đâu là nhóm giải pháp ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đồng thời phải phân tích tác động của từng nhóm giải pháp để QH biết và giám sát. Tôi lấy ví dụ, việc rà soát các dự án đầu tư công là giải pháp trung hạn, cần có thời gian để thực hiện, vì vậy nó khó có thể tác động ngay đến chỉ số lạm phát 2008 được.

Ông Danh Út, đại biểu QH Kiên Giang:

Ai lo cho nông dân?

Hôm rồi tôi đi cơ sở, bà con cho biết giá thuốc trừ sâu, phân bón đã tăng gấp đôi trong khi giá lúa chỉ tăng 30%. Tôi muốn chất vấn Bộ trưởng NN&PTNT là cách xử lý giá cả trong nông nghiệp như thế nào, công tác dự trữ phân bón, thuốc trừ sâu ra sao để người dân yên tâm sản xuất. Nông dân vay ngân hàng để đầu tư sản xuất, vay mười đồng nhưng đến lúc mua vật tư thì giá lên mười lăm đồng, phải vay thêm năm đồng ở ngoài với lãi suất cao. Như vậy ai sẽ lo cho nông dân trong “cơn bão giá”?

Nội dung thứ hai tôi muốn hỏi là chức năng “phát triển nông thôn” lâu nay đã được Bộ thực hiện như thế nào? Đây là chức năng chính của Bộ nhưng lâu nay tôi thấy làm không rõ, tôi rất băn khoăn về điều này. Bộ sẽ làm như thế nào để phát triển nông thôn, để khoảng cách giàu-nghèo giữa nông thôn và các khu vực khác không bị giãn ra mãi?

LÊ KIÊN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm