Chất vấn gay gắt về ùn tắc giao thông ở Hà Nội

Trong kỳ họp HĐND TP Hà Nội ngày 9-12, nhiều đại biểu (ĐB) đã truy trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc để giao thông ở Hà Nội ùn tắc triền miên. Khi Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Khôi trả lời vòng vo, các ĐB đã khẳng định: Đây là lỗi của người làm quy hoạch…

ĐB Nguyễn Hoài Nam (Hai Bà Trưng) nêu vấn đề: 10 năm chống ùn tắc giao thông thì trung bình cứ hai năm là Chính phủ có nghị quyết liên quan đến vấn đề này. Hà Nội đã thực hiện di dời được một số nhà máy theo tinh thần nghị quyết, tuy nhiên các nhà máy sau khi được di dời thì lại biến thành các khu chung cư đô thị gây sức ép rất lớn đến giao thông. Đây là nguyên nhân chính gây ra tình trạng ùn tắc hiện nay. Cạnh đó, 10 năm qua Hà Nội cũng chưa di dời được một trường ĐH, bệnh viện nào ra khỏi nội đô… “Việc điều chỉnh quy hoạch di dời nhà máy, trường học, bệnh viện này là trách nhiệm của TP hay Chính phủ? Nếu của Chính phủ thì TP đã kiến nghị với Chính phủ chưa? Quan điểm giải quyết vấn đề này?” - ĐB Nam chất vấn.

Sau khi cho rằng di dời các cơ sở trên sẽ ưu tiên cho các công trình công cộng, ông Nguyễn Văn Khôi lại nói: “Cao tầng hay không cao tầng là theo quy hoạch”.

Chất vấn gay gắt về ùn tắc giao thông ở Hà Nội ảnh 1

ĐB Nguyễn Hoài Nam (quận Hai Bà Trưng): “Bệnh ùn tắc là do nhà cao tầng mọc lên ở các cửa ngõ, do lỗi quy hoạch”. Ảnh: T.PHÚ

“Như vậy nhà cao tầng mọc lên trong vòng 10 năm qua là theo quy hoạch?” - Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh hỏi lại ngay. Ông Khôi lý giải: “Từ sau khi có quy hoạch chung thủ đô, TP đã cho rà soát, nghiêm túc thực hiện quy hoạch”.

Không thỏa mãn, ĐB Nam nói: “Nhiều nhà máy di dời nằm ở các nút, đường di chuyển vào trong nội thành. Việc chất nhà cao tầng ở các cửa ngõ dẫn đến tăng dân số cơ học, gây ùn tắc giao thông. Tôi thấy đây là lỗi của người làm quy hoạch”. Trước đó, ông Nam đã đề nghị UBND TP Hà Nội cho biết rõ quy mô đầu tư, dân số, ai là người quyết định phê duyệt cho các dự án nhà cao tầng như khu chung cư cao tầng Minh Khai (trước đây là Nhà máy Dệt 8-3); khu đô thị Royal city ở nút cầu Ngã Tư Sở, Nhà máy Rượu Hà Nội (Lò Đúc) cũng chuẩn bị được phê duyệt và đầu tư và Nhà máy Văn phòng phẩm Hồng Hà (Phan Chu Trinh). “Các dự án này đều nằm ở điểm mút giao thông, đã và đang chuẩn bị triển khai. Nếu đi vào hoạt động, mỗi dự án sẽ có số dân tương đương với một phường, gây sức ép lên hạ tầng đô thị. Phó chủ tịch bảo đường nhỏ, công trình giao thông chậm nhưng theo tôi, bệnh ùn tắc có nguyên nhân từ đây” - ông Nam nói.

Liên quan đến công tác phân cấp quản lý vỉa hè từ năm 2008 nhằm giảm ùn tắc giao thông, ông Khôi cho biết chưa có cấp chính quyền nào bị xử lý do buông lỏng quản lý vỉa hè. Hiện mới xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm vỉa hè trái phép, một số đơn vị trông giữ xe...

+ Cấp phép xây dựng tạm và giấy đỏ ở khu quy hoạch “treo”. Khu quy hoạch Cồn Hến, cồn Dã Viên, UBND TP Huế đã đề xuất để người dân được cấp phép xây dựng tạm và có thể cấp giấy đỏ cho các hộ dân có giấy tờ hợp lệ. Tuy nhiên, người dân không được chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Chủ tịch UBND TP Huế Phan Trọng Vinh trả lời chất vấn tại kỳ họp HĐND ngày 9-12.

+ Giá đất ở cao nhất ở Cần Thơ là 42,5 triệu đồng/m2, áp dụng cho đại lộ Hòa Bình. Đường Hai Bà Trưng (đoạn từ nhà hàng khách sạn Ninh Kiều đến giao lộ Nguyễn An Ninh - Võ Văn Tần) 40 triệu đồng/m2, đường Nguyễn Trãi 38 triệu đồng/m2… Bảng giá đất mới tại Cần Thơ áp dụng từ ngày 1-1-2012 có nội dung trên.

TRỌNG PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm