Chánh án TAND Tối cao: “Xử treo sai: Chưa tái bổ nhiệm”

“Vì sao có những khiếu nại gay gắt kéo dài nhiều năm nhưng không được TAND Tối cao xem xét trả lời có căn cứ kháng nghị hay không, trong khi có nhiều vụ vừa mới xét xử xong, có kháng nghị giám đốc là được đưa ra xét xử ngay, đặc biệt các vụ tranh chấp về nhà đất có giá trị tài sản lớn hàng chục tỉ đồng. Điều này khiến dư luận hoài nghi cho rằng có chuyện tiêu cực, “chạy án””…

Đó là một trong những nội dung được các đại biểu Quốc hội nêu ra trong phiên chất vấn chánh án TAND Tối cao ngày 22-3 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.

Án tham nhũng xét xử rất ít

Là những người đầu tiên nêu câu hỏi chất vấn, đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM), đại biểu Đào Thị Xuân Lan (Hưng Yên) đều tập trung nêu lên một thực trạng đã và đang gây ra rất nhiều bức xúc trong dư luận là việc án tham nhũng kinh tế, chức vụ được đưa ra xét xử rất ít. Số bị cáo được tòa án cho hưởng án treo và hình phạt tù quá nhẹ, có nơi đạt đến 45% số bị cáo được hưởng án treo, gây hoài nghi bức xúc trong dư luận về tiêu cực và “chạy án”.

“Có vấn đề gì khó khăn vướng mắc trong việc hướng dẫn đường lối xét xử cho loại án về tham nhũng kinh tế, chức vụ để bảo đảm xét xử nghiêm minh, hạn chế án treo không?” - ông Đương hỏi.

Đáp lại, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết việc xét xử của tòa án căn cứ vào cáo trạng và việc truy tố của VKS. Hơn nữa, qua kiểm tra thấy hầu hết số lượng bị can được tòa án áp dụng án treo đều có căn cứ, đúng pháp luật. Chỉ có một số áp dụng án treo không đúng, đã bị tòa cấp trên kháng nghị cấp phúc thẩm hoặc kháng nghị giám đốc thẩm để giải quyết lại. “Tất cả trường hợp mà thẩm phán áp dụng án treo không đúng pháp luật đều bị tạm dừng tái bổ nhiệm để kiểm điểm. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện có dấu hiệu vi phạm là điều chuyển công tác” - ông Bình nói.

Chánh án TAND Tối cao: “Xử treo sai: Chưa tái bổ nhiệm” ảnh 1

Chánh án TAND Tối cao Trương Hòa Bình trả lời các câu hỏi chất vấn tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, ông Bình cũng nhìn nhận không loại trừ có tiêu cực trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử án tham nhũng. Để hạn chế tình trạng trên, ông Bình cho biết ngoài kỷ luật, xử lý nghiêm theo pháp luật, Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao đang xây dựng một nghị quyết mới để quy định chặt chẽ những điều kiện cho hưởng án treo đảm bảo đúng quy định. Trong đó đề ra những điều kiện cho hưởng án treo, ví dụ như đối với những trường hợp là người cầm đầu, chủ mưu dù có khắc phục hậu quả, dù có thành khẩn khai báo... vẫn không được hưởng án treo.

Tòa “thích” xử án tranh chấp lớn về tài sản (?)

Đề cập về tình trạng đơn khiếu nại giám đốc thẩm các vụ dân sự, đại biểu Đương băn khoăn: Vì sao có những khiếu nại gay gắt kéo dài nhiều năm nhưng không được xem xét trả lời có căn cứ kháng nghị hay không? Ngược lại, cũng có những trường hợp vừa mới xét xử lại có kháng nghị giám đốc thẩm và được đưa ra xét xử giám đốc thẩm ngay, đặc biệt các vụ tranh chấp về nhà đất mà có giá trị tài sản lớn hàng chục tỉ đồng. Trong những vụ việc như vậy, dư luận hoài nghi cho rằng có chuyện tiêu cực, “chạy án”.

Không trả lời thẳng vào câu hỏi này, Chánh án Trương Hòa Bình chỉ ra hàng loạt nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Trong đó có nguyên nhân do đơn khiếu nại giám đốc thẩm nhiều (300-400 vụ/năm) nhưng ở cấp Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao thì một năm chỉ có thể xem xét, giải quyết khoảng 200 vụ. “Chúng tôi cũng đề ra những giải pháp khắc phục tình trạng hiện tại là Hội đồng Thẩm phán tăng cường họp để giải quyết, làm việc cả ngày thứ Bảy để giải quyết xét xử các vụ án giám đốc thẩm để kéo giảm số lượng án chưa xét xử xong” - ông Bình nói.

Chưa hài lòng, đại biểu Trần Ngọc Vinh (TP Hải Phòng) “truy”: Hiện nay có nhiều vụ án liên quan tới việc cán bộ ngành tòa án nhận tiền hối lộ, “chạy án”. Bên cạnh đó, tỉ lệ án hủy, án sửa, án bị kháng cáo, kháng nghị cũng không hề nhỏ. Chất lượng các bản án chưa cao, làm mất lòng tin của nhân dân đối với ngành tòa án. “Để xảy ra tình trạng trên phải chăng là do công tác quản lý cán bộ của ngành tòa án có vấn đề. Trách nhiệm khi để xảy ra tình trạng này thuộc về ai… Chánh án có thể hứa trước cử tri và nhân dân cả nước đến thời điểm nào ngành tòa án sẽ không để xảy ra tình trạng tồn đọng án quá thời hạn giải quyết”?

Thừa nhận việc đại biểu Vinh nêu là có thật nhưng Chánh án Trương Hòa Bình lại không nêu ra con số cụ thể là bao nhiêu. “Chúng tôi xin hứa sẽ phấn đấu giảm đáng kể số lượng án quá hạn hằng năm để báo cáo trước Quốc hội. Về việc nâng cao chất lượng xét xử, chúng tôi sẽ cố gắng thực hiện đúng nghị quyết của Quốc hội”.

Quyết tâm khắc phục oan sai

Theo đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa-Vũng Tàu), báo chí thời gian qua phản ánh việc xét xử các vụ án tham nhũng có vi phạm thủ tục tố tụng, sai tội danh là rất nhiều. Tại sao tòa các cấp không căn cứ vào đó để thực hiện việc xem xét kháng nghị đối với các bản án đó. Ông Hiến nói và liệt kê ra hàng loạt các vụ án mà báo chí đã phản ánh trong thời gian qua… Chánh án Trương Hòa Bình cho biết ngành tòa án vẫn tiến hành điểm báo hằng ngày. Nhờ đó đã phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm. Tuy nhiên, đối với những vụ việc cụ thể mà ông Hiến dẫn chứng, ông Bình xin phép trả lời riêng với đại biểu Quốc hội bằng văn bản hoặc cùng ngồi để nghe báo cáo cụ thể của tòa án.

Trả lời câu hỏi của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng là có tổ chức thực hiện được những chỉ tiêu mà Nghị quyết 37 của Quốc hội đã đề ra như: Không để xảy ra trường hợp kết án oan, khắc phục triệt để tình trạng để án quá hạn luật định, bản án tuyên không rõ ràng..., Chánh án Trương Hòa Bình khẳng định sẽ cố gắng thực hiện gần đạt 100%. “Còn khoảng phần trăm nào đó chưa đạt, tôi xin nhận trách nhiệm trước Quốc hội. Chúng tôi chỉ biết bày tỏ quyết tâm chính trị cao nhất để thực hiện tốt nghị quyết của Quốc hội đã đề ra. Nếu không đạt được, chánh án phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội” - ông Bình nói.

Đề cập đến vụ án Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng), đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) cho rằng đây là vụ án được công luận hết sức quan tâm. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã trực tiếp kết luận chỉ đạo giải quyết. “Xin chánh án cho biết trách nhiệm của tòa án như thế nào trong quá trình chỉ đạo vụ việc trên đây. Sắp tới, quan điểm của đồng chí về vụ việc này sẽ giải quyết như thế nào để cử tri cả nước được biết?”. Tuy nhiên, Chánh án Trương Hòa Bình đã không trả lời câu hỏi trên.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.