Cấp thẻ căn cước miễn phí cho dân

Thảo luận tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách (ngày 8-9) về dự thảo Luật Căn cước công dân, nhiều đại biểu tiếp tục bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng, thậm chí không đồng tình với quy định cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em ngay từ khi sinh để thay thế cho giấy khai sinh vốn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) ủng hộ.

Khó thay thế?

Báo cáo về một số nội dung của Luật Căn cước công dân, thay mặt UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa cho rằng việc quy định cấp thẻ căn cước công dân từ khi công dân sinh ra để thay thế cho giấy khai sinh là góp phần bảo đảm yêu cầu quản lý dân cư tập trung, thống nhất tiến tới giảm giấy tờ công dân như mục tiêu Đề án 896 đã xác định, khắc phục tình trạng sửa chữa giấy khai sinh, cố ý làm sai lệch hồ sơ.

“Việc cấp thẻ căn cước công dân cho trẻ em là hình thức hiện đại hóa giấy tờ khai sinh mà không làm mất quyền được khai sinh của trẻ em theo Công ước của Liên Hiệp Quốc về quyền trẻ em. Vì vậy, UBTVQH đề nghị giữ quy định về việc cấp thẻ căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi” - ông Khoa nhấn mạnh.

Theo ông Khoa, hiện nay, Chính phủ xác định “cần tập trung chỉ đạo sớm xây dựng các cơ sở dữ liệu quốc gia dùng chung, trước hết là cơ sở dữ liệu quốc gia dân cư, khắc phục tình trạng manh mún, cục bộ”. Đây cũng là nội dung trọng tâm trong Đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính, giấy tờ công dân và các cơ sở dữ liệu liên quan đến quản lý dân cư giai đoạn 2013-2020 (Đề án 896), là căn cứ để cấp thẻ căn cước công dân nhằm thay chứng minh nhân dân, giảm các giấy tờ công dân như giấy khai sinh, giấy chứng nhận kết hôn, sổ hộ khẩu và giấy tờ khác có liên quan…

Còn nhiều băn khoăn về quy định cấp thẻ căn cước cho trẻ ngay sau khi sinh thay giấy khai sinh. Ảnh: HTD

Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại tỏ ra chưa an tâm với giải trình trên. “Chúng ta giải thích cấp cho các cháu là phù hợp, có nhiều cái lợi. Nhưng thực tế hiện nay đối với các cháu dưới 14 tuổi trong các hoạt động của mình luôn gắn cùng với cha mẹ nên phải có giấy khai sinh chứng minh là con ông A, bà B. Vì thế, tôi cũng lo lắm, nếu chúng ta không cẩn thận thì vừa tốn nhiều nguồn kinh phí, vừa không đem lại lợi ích” - đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) nêu ý kiến.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Trần Đình Long cũng cho rằng giấy khai sinh cho trẻ em ở Việt Nam từ lâu đã phát huy tác dụng và được quốc tế công nhận. Và với các quy định được đề cập trong luật thì thẻ căn cước công dân sẽ không thể thay thế được giấy khai sinh. “Chúng ta phải giữ giấy khai sinh. Thẻ căn cước không thể thay thế được giấy khai sinh” - ông Long nói.

Không được thu lệ phí của dân

Đề cập về quy định thu phí, lệ phí khi cấp thẻ căn cước công dân, ông Long cho rằng quy định trên là không phù hợp, cần phải đưa ra khỏi dự thảo luật. “Nhà nước phải có nghĩa vụ cấp thẻ căn cước cho công dân chứ sao lại đi thu lệ phí của người dân khi mà người dân đã thực hiện tất cả nghĩa vụ như nộp thuế rồi” - ông Long nói. Đại biểu Danh Út - Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của QH cũng cho rằng không nên thu lệ phí khi cấp thẻ căn cước lần đầu, mà chỉ thu đối với trường hợp xin đổi, cấp lại.

Về đề nghị bổ sung quy định thông tin nhóm máu ngay trong luật và quy định cụ thể thời gian, lộ trình thực hiện, theo ông Khoa, thông tin về nhóm máu trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư là rất quan trọng, cần thiết, nhất là trong hoạt động cứu nạn nhưng trong điều kiện hiện nay và nhiều năm tới đây, khả năng các cơ sở y tế ở vùng nông thôn và vùng sâu, vùng xa chưa có điều kiện xác định nhóm máu của trẻ sơ sinh cũng như việc cung cấp dịch vụ xác định nhóm máu cho công dân. Vì vậy, việc quy định bắt buộc thu thập thông tin về nhóm máu của mọi công dân là không khả thi.

Tuy nhiên, ông Khoa cho hay việc cập nhật thông tin về nhóm máu là quyền quan trọng của công dân. Vì vậy, khi người dân tự nguyện cung cấp thì phải bổ sung thông tin về nhóm máu vào cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

THÀNH VĂN

Bầu các chức danh của QH: Phải có từ hai người trở lên

Cùng ngày, thảo luận về dự thảo Luật Tổ chức QH sửa đổi, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) đề nghị bổ sung vào trong luật quy định khi bầu các chức danh của QH cần có hai ứng viên để lựa chọn.

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đề nghị cần xem xét sửa đổi lại quy định về kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với các chức danh do QH bầu hoặc phê chuẩn. Bởi theo ông Hùng, từ lâu luật đã quy định đại biểu QH có quyền kiến nghị bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn và trong trường hợp có từ 20% tổng số đại biểu trở lên kiến nghị thì UBTVQH trình QH thực hiện việc bỏ phiếu tín nhiệm. Nhưng thực tế lại chưa lần nào thực hiện được. Do đó, không nên quy định tỉ lệ cứng là 20% và bắt buộc phải là văn bản, mà có khi chỉ một vài ý kiến thì UBTVQH cũng phải xem xét. Bà Khánh thì đề nghị cần quy định hằng năm UBTVQH có trách nhiệm gửi phiếu đến các đại biểu xem nên lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm ai rồi tập hợp lại để xem xét.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm