Cảng Hiệp Phước đón chuyến tàu đầu tiên

Cảng SPCT thuộc cụm cảng Hiệp Phước, nằm trong khu đô thị cảng Hiệp Phước thuộc xã Long Thới và Hiệp Phước, huyện Nhà Bè, TP.HCM. Cụm cảng được coi là “thành phố cảng” tầm cỡ Đông Nam Á. Việc cảng SPCT mở cửa đón tàu là sự kiện quan trọng đối với TP.HCM trong chiến lược phát triển ra biển Đông.

Thay thế cụm cảng Sài Gòn hiện hữu

Bà Nguyễn Ngọc Quỳnh, Phó Tổng Giám đốc SPCT, cho hay cảng đã hoàn tất lắp đặt năm cẩu bờ có tầm với đến 16 hàng container và 13 cần cẩu bánh lốp, đồng thời cũng xây dựng xong hệ điều hành về giao, nhận container.

Trong giai đoạn một, cảng SPCT có 500 m cầu cảng, thiết kế cho tàu biển có tải trọng 50.000 tấn ra vào bốc dỡ hàng. Trong giai đoạn hai, cảng SPCT được mở rộng cùng với cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (dự kiến hoạt động trong năm 2010). Tại đây sẽ hình thành một cụm cảng với tổng chiều dài cầu cảng là 5.000 m, công suất 200 triệu tấn/năm, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm 2012, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa của TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Luồng Soài Rạp đang tiếp tục được nạo vét để tàu có tải trọng 30.000 tấn vào TP.HCM, phục vụ cho cụm cảng Hiệp Phước sẽ làm giảm tình trạng tắc nghẽn của các cảng Vict, Cát Lái... Việc cảng Hiệp Phước đón tàu theo luồng Soài Rạp sẽ làm giảm chi phí vận tải trong hoạt động xuất nhập khẩu tương đương khoảng 400 triệu USD trong năm 2010.

Theo quy hoạch chi tiết được Thủ tướng phê duyệt, khu vực Hiệp Phước và Cát Lái (nằm trong nhóm cảng biển số 5, gồm hệ thống cảng TP.HCM - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu) là những cụm cảng chính của TP.HCM và phía Nam thay thế cho các cảng hiện hữu trong nội thành. Việc hình thành của cảng container SPCT có tác động tích cực đến việc di dời cảng và đóng góp lớn cho việc phát triển kinh tế, chống kẹt xe ở thành phố.

Kéo khu vực cùng phát triển

Theo Công ty Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC, chủ đầu tư khu đô thị cảng Hiệp Phước), khu đô thị cảng nằm bên sông Soài Rạp đang được nạo vét để sắp tới hình thành nên luồng tàu biển rộng, đón được tàu biển có tải trọng đến 70.000 tấn từ biển Đông vào TP.HCM. “Khi cụm cảng hoàn thành, luồng tàu Soài Rạp nạo vét xong sẽ giúp thành phố duy trì được khoảng 75%-80% tổng lượng hàng xuất nhập khẩu, giúp thành phố giữ vững được vai trò là thành phố cảng trong vài trăm năm nữa” - đại diện IPC nhận định.

Về giao thông bộ, khu đô thị cảng Hiệp Phước cách nội thành thành phố khoảng 16 km, có tuyến giao thông chính là trục đường Bắc-Nam có sáu làn xe. Ngoài ra, việc hoàn thành, đưa vào khai thác cầu Phú Mỹ cùng các tuyến đường nối sẽ tạo ra sự kết nối thuận tiện với khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Một trong những lo lắng của TP.HCM trước tình trạng “cảng chờ đường” đã được tháo gỡ khi các tuyến đường nối vào cảng cơ bản đã được sửa chữa. Đường Nguyễn Văn Tạo nối liền đường Bắc-Nam với khu đô thị cảng Hiệp Phước vừa được nâng cấp, thảm nhựa. Đặc biệt, cây cầu Đông Điền nằm trên trục đường Bắc-Nam cũng đã hoàn thành sẽ kết nối các khu A, B, C của Khu công nghiệp Hiệp Phước và cảng SPCT. Qua đó sẽ tạo điều kiện cho các xe container, xe tải từ miền Tây Nam bộ lên lấy hàng ở hệ thống cảng biển Hiệp Phước.

Theo IPC, việc thông luồng Soài Rạp, việc đưa cảng container nước sâu SPCT vào hoạt động sẽ tạo ra cú hích cho sự phát triển của khu đô thị cảng, cho khu vực phía Nam thành phố và góp phần tạo điều kiện cho Long An, Tiền Giang cùng với TP.HCM phát triển hướng ra biển Đông.

SPCT là cảng nước sâu được xây dựng ở khu đô thị Hiệp Phước. Đây là liên doanh giữa IPC và Tập đoàn DP World. Toàn bộ khu cảng rộng khoảng 40 ha với công suất khai thác 1,5 triệu TEUS/năm với tổng vốn đầu tư khoảng 350 triệu USD.

Hiện SPCT đã hoàn thành giai đoạn một với 500 m cầu cảng, trong giai đoạn hai sẽ nâng chiều dài cầu cảng lên gấp đôi.

MINH PHONG

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm