Cải cách thủ tục để phục vụ người dân tốt hơn

“Cải cách TTHC không dừng lại ở việc sửa đổi được bao nhiêu quy định mà vấn đề cốt lõi là việc bộ máy của chúng ta phải phục vụ người dân ngày một tốt hơn; chất lượng hệ thống thể chế, nhất là thủ tục phải được nâng cao; môi trường kinh doanh phải được cải thiện mạnh mẽ; nguồn lực xã hội phải được sử dụng hiệu quả” - báo cáo tổng hợp của Văn phòng Chính phủ nhìn nhận.

Theo báo cáo, tính đến ngày 30-6, các bộ, ngành đã ban hành theo thẩm quyền và dự thảo văn bản trình cấp có thẩm quyền để đơn giản hóa hơn 3.000 TTHC trên tổng số 4.800 TTHC phải đơn giản hóa, đạt tỉ lệ 63%. Đến nay UBND các tỉnh đã chủ động ban hành văn bản thuộc thẩm quyền để thực thi phương án đơn giản hóa của hơn 3.600 TTHC đang được thực hiện tại các sở, ngành, UBND cấp huyện, xã…

Báo cáo cũng nhìn nhận việc thu hút cán bộ có trình độ về làm việc tại các tổ công tác thực hiện Đề án 30 gặp nhiều khó khăn. Khối lượng công việc của hệ thống cơ quan, đơn vị kiểm soát TTHC tăng lên gấp nhiều lần. Cụ thể, bên cạnh việc cho ý kiến đối với dự thảo văn bản quy phạm pháp luật có quy định về TTHC và rà soát các TTHC đã được ban hành, cơ quan kiểm soát TTHC còn đảm nhiệm việc công khai minh bạch TTHC sau khi ban hành; kiểm soát việc thực thi TTHC trong thực tiễn; tiếp nhận và xử lý các phản ánh, kiến nghị của cá nhân, tổ chức về các quy định hành chính.

Báo cáo cũng chỉ rõ việc công bố công khai các TTHC đã được sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc hủy bỏ chưa được một số bộ, ngành quan tâm thực hiện theo đúng quy định về thời gian và hình thức, nội dung công bố. Sự thay đổi quy định về các TTHC này cũng không được cập nhật kịp thời vào cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC…

N.NAM

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm