Bức tranh lạc quan cho quan hệ Việt - Mỹ

Ngày 25-8, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã có ngày làm việc chính thức đầu tiên trong chuyến thăm Việt Nam. Giới quan sát nhận xét chuyến thăm của bà Harris cùng với hàng loạt động thái mới của Mỹ cho thấy mối quan hệ hai nước đang đứng trước rất nhiều triển vọng, hứa hẹn hợp tác song phương sẽ đi vào chiều sâu và thực chất hơn nữa.

Hợp tác Mỹ - Việt rất lạc quan

Nữ phó tổng thống Mỹ đến Việt Nam với 1 triệu liều vaccine hỗ trợ Việt Nam. Theo bà Harris, đó không chỉ là lời cám ơn vì Việt Nam từng hỗ trợ Mỹ sản xuất đồ bảo hộ, khẩu trang trước đây, mà hơn hết là Mỹ hiểu rõ Việt Nam đang đứng trước những khó khăn vì đại dịch COVID-19. Đến lúc này, Mỹ đã hỗ trợ Việt Nam 6 triệu liều, con số lớn hơn bất kỳ quốc gia nào đã hỗ trợ cho Việt Nam trong suốt mùa dịch qua.

Trong chuyến đi này, bà Harris cũng khai trương Văn phòng đại diện Trung tâm Kiểm soát và phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC) đặt tại Việt Nam dành cho khu vực Đông Nam Á. Mỹ cũng sẽ mở một văn phòng để thực hiện chương trình Phái đoàn Hòa bình (peace corps). Bà Harris cũng chứng kiến lễ ký thỏa thuận thuê đất xây khu đại sứ quán Mỹ mới. Tất cả điều này là biểu tượng cho “mối quan hệ lâu dài” của Mỹ đối với Việt Nam và Đông Nam Á, với tư cách là một thành viên của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Trong lĩnh vực thương mại, bà Harris cho biết chính quyền Biden xem Việt Nam là một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của Mỹ, đồng thời đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng của Mỹ. Đó là một lĩnh vực trọng tâm của Mỹ ở khu vực Đông Nam Á nói chung và ở Việt Nam nói riêng. Năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ đạt hơn 90 tỉ USD, đưa Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu số một của Việt Nam.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris thăm Việt Namsáng 25-8. Ảnh: TTXVN

An ninh - quốc phòng cũng là vấn đề bà Harris quan tâm, đề cập trong chuyến thăm lần này. Mỹ cam kết hiện diện hải quân mạnh mẽ ở Biển Đông để đảm bảo an ninh khu vực. Washington khẳng định quan điểm các quốc gia cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, nhất là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Trên cơ sở đó, Việt Nam và Mỹ đứng trước các cơ hội “hợp tác chặt chẽ” để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp, bao gồm tự do hàng hải trong đó có khu vực Biển Đông.

 Tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh quan hệ Việt - Mỹ

Phó Tổng thống Harris khẳng định bà tin tưởng sâu sắc vào sức mạnh và mối quan hệ bền vững và lâu dài giữa Mỹ và Việt Nam, cũng như sức mạnh của mối quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Việt. Mục đích chuyến thăm Việt Nam lần này là nhằm “củng cố mối quan hệ đối tác giữa hai nước”, đồng thời Mỹ có cam kết lâu dài đối với quan hệ Mỹ - Việt, với khu vực.

Khi gặp lãnh đạo Việt Nam, Phó Tổng thống Harris đã đề cập đến thông điệp hai nước Mỹ-Việt có thể làm gì để cùng nhau nâng cấp quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược. Đây là vấn đề mà Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cũng đã đưa ra trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng trước. Việc xem xét, nghiên cứu để nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm chiến lược, theo bà Harris, “sẽ gửi một thông điệp tích cực đến chính phủ cùng với người dân hai nước, và với cả khu vực”.

Sau hơn 25 năm bình thường hóa quan hệ, theo nhận định của nhà nghiên cứu Hoàng Việt (ĐH Luật TP.HCM), có nhiều lý do để Mỹ đề cập đến việc nâng cấp quan hệ hai nước. Thứ nhất, Việt Nam là một quốc gia năng động, có nền kinh tế phát triển ổn định; vị thế Việt Nam liên tục gia tăng ở ASEAN và Liên Hợp Quốc với nhiều sáng kiến. Điều đó vừa có thể giúp Mỹ có lợi ích ở khu vực khi xem Việt Nam là một đối tác ưu tiên, đáng tin cậy.

Ngoài ra, bằng cách nâng tầm quan hệ Việt - Mỹ, Washington muốn chuyển đi thông điệp đến ASEAN và khu vực rằng: “Cả hai đều đã gác lại quá khứ, hướng tới tương lai một cách đầy năng động và mạnh mẽ”. Cuối cùng, rõ ràng Việt Nam và Mỹ cùng có những lợi ích song trùng tại khu vực, trong đó phải kể đến vấn đề Biển Đông. Việc hợp tác sâu sắc hơn có thể giúp hai nước, cùng với các quốc gia khác, đảm bảo trật tự luật pháp và an ninh ở khu vực quan trọng này.

“Tôi nghĩ rằng Việt Nam và Mỹ rồi sẽ tính đến chuyện nâng cấp quan hệ hai nước lên tầm cao mới, nhưng điều đó còn tùy vào thời điểm phù hợp mà cả hai có thể cùng ngồi lại để thống nhất” - ông Hoàng Việt nhận xét.

Cơ hội thảo luận ưu tiên an ninh y tế chung

Thông qua văn phòng khu vực Đông Nam Á của Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Mỹ (CDC) tại Hà Nội, chúng tôi sẽ làm việc chặt chẽ với các đối tác khu vực nhằm chia sẻ các chiến lược và tăng cường khả năng phòng ngừa, phát hiện và ứng phó với các mối đe dọa bệnh truyền nhiễm hiện nay và trong tương lai. Thành tựu này là kết quả của nhiều năm hợp tác cấp cao giữa các chính phủ của chúng ta. Đây cũng là một cơ hội quan trọng cho các quốc gia chúng ta cùng nhau thảo luận các ưu tiên an ninh y tế chung.

Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ nhân sinh Mỹ XAVIER BECERRA

Cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn

CDC có sự hiện diện lâu dài ở khu vực Đông Nam Á. Quan hệ đối tác lâu dài của chúng tôi với các quốc gia trong khu vực ASEAN đã giúp tăng cường năng lực của các cơ sở xét nghiệm y tế công cộng, các trung tâm ứng phó khẩn cấp, các hệ thống giám sát và tất cả công cụ này đều đang được phát huy tối đa trong đại dịch hiện nay. Văn phòng khu vực mới sẽ xây dựng dựa trên các quan hệ đối tác hiện có và giúp chúng ta cùng nhau phát triển mạnh mẽ hơn.

Giám đốc CDC - TS y khoa ROCHELLE WALENSKY


Việt Nam mong muốn cùng Mỹ tiếp tục thúc đẩy quan hệ 2 nước đi vào chiều sâu

Ngày 25-8, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris trong chuyến công du đến Đông Nam Á, trong đó có đến thăm Việt Nam.

Chủ tịch nước đánh giá cao quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam - Mỹ trong hơn 25 năm qua, kể từ khi hai nước bình thường hóa quan hệ năm 1995. Việt Nam kiên trì thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, chủ động, tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, có hiệu quả; là bạn bè tốt, là đối tác tin cậy và là thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Việt Nam luôn coi Mỹ là một trong những đối tác quan trọng hàng đầu và mong muốn cùng Mỹ tiếp tục thúc đẩy quan hệ Việt Nam - Mỹ phát triển thực chất, hiệu quả, đi vào chiều sâu, ổn định lâu dài, góp phần xây dựng và củng cố lòng tin hai bên. Điều đó sẽ tạo cơ sở để hai nước tích cực trao đổi, tăng cường và nâng cao hiệu quả hợp tác. Mối quan hệ hai nước dựa trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thể chế chính trị của nhau, vì hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển tại khu vực và trên thế giới.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác kinh tế - thương mại song phương và đánh giá cao việc hai bên trên tinh thần xây dựng đã đạt thỏa thuận về vấn đề chính sách tỉ giá tiền tệ, thúc đẩy hướng tới thương mại hài hòa, cùng có lợi. Việt Nam hoan nghênh Mỹ quyết định đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao APEC 2023 và sẽ phối hợp chặt chẽ với Mỹ để năm APEC 2023 thành công tốt đẹp.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ cám ơn chính phủ và nhân dân Mỹ đã có những hỗ trợ ý nghĩa, kịp thời, đặc biệt là 5 triệu liều vaccine phòng COVID-19 và nhiều thiết bị, vật tư y tế khác. Chủ tịch nước cũng đánh giá cao việc Mỹ cam kết tiếp tục tăng ngân sách khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có việc tẩy chất độc da cam/dioxin ở sân bay Biên Hòa và các điểm nóng khác, rà phá bom mìn, hỗ trợ người khuyết tật, hỗ trợ Việt Nam trong việc giám định ADN hài cốt bộ đội Việt Nam hy sinh trong chiến tranh...

Nhân dịp này, Phó Tổng thống Kamala Harris thông báo Mỹ tiếp tục viện trợ thêm 1 triệu liều vaccine hỗ trợ phòng chống dịch COVID-19 ở Việt Nam. Phó tổng thống Mỹ cám ơn việc Việt Nam giúp Mỹ tìm kiếm quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh.

Hai nhà lãnh đạo khẳng định Việt Nam và Mỹ chia sẻ các quan tâm chung về ứng phó với biến đổi khí hậu, với việc nỗ lực thực hiện những cam kết quốc gia, triển khai các biện pháp mạnh mẽ về năng lượng sạch, tái tạo. Cả hai cũng nhất trí tăng cường hợp tác trong ứng phó với đại dịch COVID-19 và phục hồi sau đại dịch. Theo TTXVN/PV 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm