Bức cung, nhục hình: Thực tế nhiều hơn báo cáo

Ngày 11-9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tổ chức phiên giải trình về việc chấp hành pháp luật trong thu thập, đánh giá chứng cứ, chống bức cung, nhục hình của cơ quan điều tra chuyên trách trong hoạt động điều tra vụ án hình sự. Lần đầu tiên các cơ quan tố tụng có dịp ngồi với nhau để đánh giá về thực trạng, mổ xẻ nguyên nhân và bàn giải pháp cho một vấn đề mà như lời đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) là “nóng nhưng ít được công khai, cứ râm ran trong cử tri”.

Chỉ điều tra viên và người bị nhục hình biết

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn: “Phiên giải trình hôm nay là công khai, báo cáo của VKS lại đóng dấu mật. Đề nghị VKS kiểm tra lại để chúng tôi chấp hành đúng pháp luật… Cái này có thực sự là mật không? Quan điểm của tôi là không có gì mật cả!”.

Theo báo cáo của các cơ quan tư pháp, trong ba năm qua, cơ quan tố tụng đã khởi tố 13 vụ án/19 bị can về tội dùng nhục hình, không khởi tố vụ án nào về tội bức cung. Đặc biệt, các vụ án này chủ yếu chỉ xảy ra ở đơn vị điều tra của công an cấp huyện.

Theo bà Lê Thị Nga, đây là những báo cáo nghiêm túc, thể hiện sự cương quyết trong chỉ đạo của những người đứng đầu ngành tư pháp. “Chúng tôi đồng tình với báo cáo của VKS rằng thực tế số vụ bức cung, nhục hình có thể còn nhiều hơn số liệu đã thống kê” - bà Nga nói.

“Vì sao chúng ta phát hiện được ít thế? Vì việc bức cung, nhục hình xảy ra trong hoàn cảnh đặc biệt, chỉ có điều tra viên và người bị nhục hình ở trong trại giam, nhà tạm giữ. Đánh không để lại thương tích. Người nói có, người nói không, vậy thì tin người tố cáo hay tin điều tra viên? Kiểm tra thì sẹo không có” - Phó Viện trưởng VKSND Tối cao Nguyễn Hải Phong giải thích.

Năm bị cáo cựu sĩ quan công an tại phiên xử phúc thẩm trong vụ đánh chết người ở Phú Yên. Ảnh: TẤN LỘC

Do áp lực phá án!

“Vấn đề bức cung, nhục hình xuất phát từ tư duy, nhận thức coi bị can, bị cáo không bình đẳng với mình, thậm chí coi họ như kẻ thù và suy đoán có tội chứ không phải suy đoán vô tội” - luật sư Trương Trọng Nghĩa (thành viên Ủy ban Tư pháp) nhận xét.

Một thành viên khác của Ủy ban Tư pháp là ông Nguyễn Sỹ Cương thì cho rằng việc này xuất phát từ tình trạng quá tải, án quá nhiều đã gây những áp lực nhất định cho các điều tra viên.

Báo cáo của Bộ Công an nêu rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bức cung, nhục hình nhưng khi giải trình thêm, Thượng tướng Lê Quý Vương (Thứ trưởng Bộ Công an) chỉ nói ngắn gọn: “Các đồng chí cũng phải thông cảm với anh em điều tra. Động đến đối tượng hình sự, anh em nhiều khi bức xúc. Có những đối tượng tới 10 tiền án rồi mà chưa tới 40 tuổi; đối tượng 4-5 tiền án thì rất nhiều. Đó là chưa kể đến những đối tượng phạm các tội cố ý gây thương tích, các đối tượng nghiện hút, nhiễm HIV… Anh em điều tra nhiều khi cũng vì tư tưởng thành tích, cũng vì bức xúc, rồi nửa đêm nửa hôm phải đi làm án”...

“Xử” ngay người đứng đầu?

Bàn về việc làm sao hạn chế tối đa việc bức cung, dùng nhục hình, các thành viên tham dự phiên giải trình đề xuất hàng loạt giải pháp, từ các kiến nghị hoàn thiện quy định của luật pháp đến các giải pháp kỹ thuật như lắp đặt hệ thống camera, ghi âm tại các trại tạm giam, nhà tạm giữ. Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn nhấn mạnh đến yếu tố con người.

“Chúng ta đã có những nạn nhân bị cướp, hiếp… nhưng bức cung, nhục hình đã tạo ra những nạn nhân mới là nạn nhân oan sai. Để có công lý thì phải có điều tra viên giỏi, có tòa mạnh, công tố viên, luật sư mạnh. Vừa qua chúng ta có xu hướng hơi nhấn mạnh đến số lượng. Nói đến điều tra viên, kiểm sát viên, chúng ta cứ nói thiếu người. Nghề điều tra là nghề sử dụng chất xám và công nghệ. 10 người dở cũng không thay thế được một điều tra viên giỏi” - luật sư Trương Trọng Nghĩa nói.

Thượng tướng Lê Quý Vương cũng nhấn mạnh: “Quyết định cuối cùng vẫn là vấn đề con người, từ khâu giáo dục cán bộ, chiến sĩ, đào tạo nâng cao trình độ năng lực đến kiểm tra, giám sát các hoạt động của anh để làm sao bảo đảm tuân thủ pháp luật. Chúng tôi mong muốn tới đây trong quá trình điều tra, ngoài kiểm tra, giám sát của VKS thì vai trò của luật sư cũng rất quan trọng. Nếu chúng ta áp dụng được đồng bộ cái đó thì rõ ràng là hoàn thiện được mô hình tố tụng”.

“Các phòng hỏi cung có lẽ dán luôn cái biển đề cấm bức cung, nhục hình. Trưởng công an huyện để xảy ra việc này cách chức luôn thì có khi hiệu quả. Chứ giải pháp là giáo dục… thì trừu tượng lắm. Sửa đổi luật pháp cũng chỉ một phần thôi vì luật pháp có đầy đủ lắm rồi” - thành viên Thường trực Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương thẳng thắn.

ĐỨC MINH

LÊ THỊ NGA (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp) hỏi:

Tại phiên chất vấn kỳ họp tháng 11 năm ngoái, ĐBQH và cử tri có hỏi ba người đứng đầu ngành tư pháp: Dư luận và ĐBQH đặt vấn đề ông Nguyễn Thanh Chấn bị oan như thế thì có sự bức cung, dùng nhục hình trong vụ án này không? Đồng chí chánh án trả lời mong các ĐBQH chờ để các cơ quan chức năng xem xét thấu đáo và sẽ có trả lời. Đến nay chúng ta đã có câu trả lời chưa?

Ông NGUYỄN HẢI PHONG (Phó Viện trưởng VKSND Tối cao) đáp:

Vụ án Lý Nguyễn Chung đã kết thúc điều tra, chuyển Tòa án tỉnh Bắc Giang sắp xếp lịch sử về hai tội giết người và cướp tài sản.

Phần vi phạm hoạt động tư pháp: Đến nay cơ quan điều tra VKSND Tối cao đã khởi tố hai bị can về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, trong đó có một kiểm sát viên, một điều tra viên chính, hai người này hiện đã bị bắt giam. Thời gian tới, chúng tôi sẽ khởi tố thêm hai trường hợp nữa, một làm sai lệch hồ sơ, một thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Vụ án đang điều tra và chúng tôi cũng đang đôn đốc để kết thúc vụ án trong năm nay.

Câu hỏi về việc có bức cung, nhục hình không? Chưa phát hiện có hành vi bức cung, chỉ phát hiện hành vi dùng nhục hình. Cụ thể, điều tra viên Đỗ Hữu Tân đã đánh anh Chấn nhưng điều tra viên này bị tai nạn giao thông chết nên không xử lý hình sự được.

Hỏi: Sau vụ Nguyễn Thanh Chấn có nhiều đơn kêu oan từ những vụ án khác như vụ Hàn Đức Long (Bắc Giang), Lê Bá Mai (Bình Phước)… Những vụ bức xúc, nổi cộm như vậy đã tiến hành xem xét chưa?

Đáp: Riêng Bắc Giang, sau vụ Nguyễn Thanh Chấn đã tiến hành kháng nghị hai vụ là Hàn Đức Long tội giết người và Đỗ Thị Hằng tội mua bán người. Trên địa bàn toàn quốc có sáu vụ, đáng chú ý là vụ Huỳnh Văn Nén (Bình Thuận) đã kháng nghị hủy án sơ thẩm để điều tra, xét xử lại. Vụ Lê Bá Mai rất phức tạp, xử đi xử lại nhiều lần, ngay lần phúc thẩm vừa rồi vẫn còn nhiều ĐBQH có ý kiến nên tiếp tục giao cho liên ngành nghiên cứu thêm để bảo đảm không làm oan người vô tội…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm