Bộ Tư pháp thiếu công cụ xử lý vi phạm pháp luật

Theo GS-TS Lê Hồng Hạnh, Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý (Bộ Tư pháp), ngành tư pháp đang thực hiện bốn chức năng chính là xây dựng pháp luật, thi hành pháp luật, quản lý nhà nước về tư pháp và chức năng đại diện cho nhà nước. Trong đó, thi hành pháp luật được xem là chức năng tương đối mới đối với Bộ Tư pháp Việt Nam (dù chức năng này đã được quy định trong các văn bản pháp luật trước đây, nhất là ở những khía cạnh thực hiện quyền công tố (giai đoạn 1946-1960), chức năng tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và thi hành án).

Ông Lê Hồng Hạnh phân tích, công tác thi hành pháp luật, xét ở từng nhiệm vụ cụ thể thì có những bước phát triển đáng ghi nhận nhưng nhìn tổng thể thì có nhiều điểm cần được hoàn thiện. “Tuy được giao chức năng thi hành pháp luật song ngành tư pháp chưa được trao công cụ cần thiết để quản lý, theo dõi và xử lý các vi phạm pháp luật, chức năng thường thấy ở các bộ tư pháp trong các nước pháp quyền hiện đại, ví dụ như chức năng công tố” - ông Hạnh nói. Bên cạnh đó là hoạt động thi hành án bị cắt khúc, gián đoạn và được thực hiện bởi nhiều thiết chế khác nhau dẫn tới việc theo dõi thi hành án rất phức tạp, khó thực hiện. Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và cơ quan bảo vệ pháp luật trong thi hành pháp luật chưa được quy định chặt chẽ trong một thiết chế tổng thể.

“Chính phủ hiện nay chưa được hiến định đủ các nhiệm vụ, quyền hạn để thực hiện vai trò của hành pháp trong cơ chế phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp” - TS Dương Thanh Mai, chuyên gia cao cấp của Bộ Tư pháp bình luận. Bà Mai cho rằng cần có sự nhận thức lại và điều chỉnh lớn về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức của Chính phủ, đặc biệt trong lĩnh vực hành chính, tư pháp. “Chính phủ cần được bổ sung các chức năng công tố, quản lý hành chính đối với tòa án địa phương. Chúng tôi chưa dám đề xuất VKS sẽ ở đâu nhưng chúng tôi theo quan điểm VKS chuyển thành viện công tố và trực thuộc Chính phủ” - bà Mai đề xuất.

ĐỨC MINH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm