Bộ Tư pháp: Chủ công thu dọn “rừng” văn bản

Ngày 9-1, Bộ Tư pháp tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai công tác năm 2013. Đây là lần đầu tiên việc tổng kết công tác năm và triển khai nhiệm vụ năm mới được ngành tư pháp tổ chức một cách quy mô, bài bản, với nhiều hội nghị nội bộ trước đó để tổng kết, đánh giá chuyên đề về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của ngành.

Trong các báo cáo chuyên đề này, đáng chú ý có một nội dung rất mới - quản lý nhà nước về xử lý vi phạm hành chính (XLVPHC) - lâu nay gần như bị bỏ trống, giờ dự kiến sẽ được giao cho Bộ Tư pháp làm đầu mối quản lý thống nhất. Vấn đề này được đưa ra vào lúc Luật XLVPHC được QH thông qua tại kỳ họp cuối năm 2012, sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7 tới và Nghị quyết 24/2012 của QH về thi hành đạo luật này yêu cầu Chính phủ “khẩn trương chuẩn bị điều kiện về cơ sở vật chất, tổ chức, nguồn lực kịp thời triển khai việc quản lý thống nhất công tác thi hành pháp luật về XLVPHC”.

Bộ Tư pháp: Chủ công thu dọn “rừng” văn bản ảnh 1

Dự kiến tới đây, Bộ Tư pháp sẽ làm đầu mối quản lý thống nhất các văn bản xử phạt vi phạm hành chính. Ảnh: HTD

XLVPHC là hoạt động liên quan đến hầu hết các lĩnh vực kinh tế-xã hội, cũng là hầu hết các lĩnh vực quản lý nhà nước của các bộ, ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của người dân, hoạt động của doanh nghiệp. Các hành vi vi phạm rất đa dạng, biến đổi cùng quá trình phát triển. Theo Vụ Pháp luật hình sự-hành chính - Bộ Tư pháp, trước đây khi vấn đề này được điều chỉnh bằng pháp lệnh thì Chính phủ đã ban hành hơn 120 nghị định quy định chi tiết về từng hành vi, mức phạt, thẩm quyền phạt và dưới đó là hàng trăm thông tư hướng dẫn triển khai của các bộ, ngành… Nay pháp lệnh nâng lên thành luật với khá nhiều sửa đổi, bổ sung, đòi hỏi các văn bản pháp luật trên phải được sửa đổi cho phù hợp.

Khi xây dựng luật, trong QH có những băn khoăn về tính phức tạp của hệ thống văn bản pháp quy về XLVPHC, thậm chí có ý kiến cho rằng cần pháp điển hóa các quy định xử phạt hành chính thành một bộ luật. Trước tình hình đó, tháng 10-2012, Thủ tướng đã ra Quyết định 1437 ban hành kế hoạch triển khai Luật XLVPHC, trong đó về xây dựng thể chế, yêu cầu các bộ, ngành từ hơn 120 nghị định hướng dẫn hiện tại phải rút gọn còn 56 nghị định, kịp ban hành trước khi luật có hiệu lực. Bộ Tư pháp được giao chủ trì đôn đốc, theo dõi và tham mưu cho Chính phủ công việc này.

Ngoài ra, để thực hiện nghị quyết của QH, cũng trong Quyết định 1437, Chính phủ giao Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính và Văn phòng Chính phủ lập đề án xây dựng tổ chức, bộ máy, tăng cường biên chế cho ngành tư pháp từ trung ương tới địa phương và vụ pháp chế các bộ, cơ quan ngang bộ để quản lý thống nhất công tác này. Bộ Tư pháp đang khẩn trương xây dựng đề án này, với nhiều khả năng sẽ thiết lập một cơ quan trực thuộc để giúp Bộ Tư pháp thống nhất quản lý nhà nước về XLVPHC.

Với tầm quan trọng đặc biệt ấy, quản lý công tác thi hành pháp luật về XLVPHC được xác định là một nhiệm vụ công tác trọng tâm của ngành tư pháp năm 2013.

NGHĨA NHÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm