Bộ trưởng Cao Đức Phát tuyên chiến với chất tạo nạc

Hàng loạt vấn đề nóng, bức xúc như sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, đảm bảo đời sống, sản xuất của nông dân, ngư dân… đã được người dân gửi đến Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát trong buổi đối thoại trực tuyến với dân trên Cổng Thông tin điện tử Chính phủ sáng 22-3.

Sẽ xử nghiêm

Trước việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi ngày càng được phát hiện nhiều tại các tỉnh phía Nam, đặc biệt là Đồng Nai, nhiều người dân tỏ ra khá âu lo. Ông Lê Quang Huy (Đồng Nai) đặt câu hỏi: “Bộ trưởng từng tuyên bố đây là một tội ác. Vậy Bộ đã phản ứng thế nào và vì sao không đưa ra các biện pháp kiên quyết, triệt để để ngăn chặn tình trạng sử dụng chất cấm nguy hại, trong đó có chất tạo nạc, trong chăn nuôi?”.

Ông Phát trả lời: “Chúng tôi đang phối hợp với các cơ quan chức năng, đặc biệt các địa phương có nhiều người sử dụng chất cấm như Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu để tăng cường kiểm soát. Tôi yêu cầu các cơ quan chức năng xử lý thật nghiêm những người vi phạm”.

Thời gian qua, việc sử dụng chất tạo nạc đã gây ảnh hưởng lớn đến ngành chăn nuôi, khiến giá thịt heo giảm mạnh, người chăn nuôi chân chính lâm vào cảnh khốn đốn. Ông Phát cho hay Bộ phối hợp với các bộ, ngành và các địa phương làm rõ tình hình, công bố để nhân dân biết rõ việc vi phạm xảy ra ở khu vực nào, tại trại chăn nuôi nào để nhân dân biết và tránh. Từ đó tạo điều kiện cho những người chăn nuôi làm ăn chân chính yên tâm sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm thuận lợi.

Bộ trưởng Cao Đức Phát tuyên chiến với chất tạo nạc ảnh 1

Bộ trưởng Cao Đức Phát đang trả lời trực tuyến. Ảnh: TRỌNG PHÚ

Hỗ trợ nông dân sản xuất

Một người dân tại Đồng Tháp nêu câu hỏi: Hiện nông dân ĐBSCL bị thiệt hại hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm do thiếu máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất sau thu hoạch. Trong khi đó Chính phủ đã có chủ trương hỗ trợ lãi suất cho nông dân mua máy, thiết bị để phục vụ sản xuất nông nghiệp từ năm 2004. Vậy chủ trương này đã được thực hiện ra sao, Bộ làm gì để giúp dân khắc phục tình trạng trên?

Bộ trưởng Phát cho biết từ năm 2004 đến 2008 đã có hơn 30 tỉnh, thành hỗ trợ tín dụng cho bà con nông dân mua máy móc, thiết bị sản xuất nông nghiệp với mức hỗ trợ 70%-80% giá trị máy, hỗ trợ lãi suất từ 50% đến 100%. Năm 2009-2010, trong gói kích cầu, Nhà nước cũng dành hơn 2.000 tỉ đồng hỗ trợ cho nông dân. Thủ tướng cũng đã ban hành Quyết định 63 về chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch, hỗ trợ nông dân mua các máy móc, hỗ trợ doanh nghiệp (DN) xây dựng kho tàng để tạm trữ lúa.

Cùng với đó, Nhà nước cũng thực hiện chính sách thu mua 1 triệu tấn lúa vụ đông xuân tại ĐBSCL. “Chính sách thu mua lúa không hỗ trợ trực tiếp cho nông dân nhưng Nhà nước hỗ trợ cho DN, để DN hỗ trợ nông dân. Ngoài ra, Chính phủ đang tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp đồng bộ khác như hoàn thiện các công trình thủy lợi, đảm bảo sản xuất ổn định, tiếp tục đầu tư, nghiên cứu, chuyển giao cho nông dân những giống mới có năng suất, chất lượng cao hơn, có giá bán tốt hơn, đầu tư cho khâu sau thu hoạch như kho tàng và các máy móc, giúp cho bà con nông dân sản xuất hiệu quả hơn, giảm tổn thất sau thu hoạch” - Bộ trưởng trả lời.

Ông Phát cũng cho hay hiện Nhà nước không trực tiếp bao tiêu các loại nông sản mà thực hiện theo cơ chế thị trường. Tuy nhiên, để hỗ trợ nông dân, Nhà nước thực hiện nhiều chính sách khuyến khích DN ký hợp đồng với nông dân để bà con có đầu ra ổn định hơn. “Gần đây nhất, Bộ đang phối hợp với các địa phương xây dựng cánh đồng mẫu lớn để tạo đầu ra ổn định cho nông dân. Mặt khác, chúng tôi đang tiếp tục triển khai việc tăng cường thông tin về thị trường để nông dân hiểu rõ hơn, từ đó sản xuất phù hợp hơn với nhu cầu thị trường” - ông Phát nói.

Trình đề án thành lập lực lượng kiểm ngư

Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết Bộ đã soạn thảo và trình lên Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề án thành lập lực lượng kiểm ngư.

“Nước ta có vùng biển rộng tới 1 triệu km2, Bộ được giao nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với nguồn lợi hải sản trên vùng biển đó. Vì vậy, cần có lực lượng để đảm bảo thực thi các quy định của nước ta trên biển, đó là nhiệm vụ số 1 của lực lượng kiểm ngư. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần có lực lượng để phối hợp với các lực lượng khác trên biển để hướng dẫn và hỗ trợ ngư dân trong các hoàn cảnh khó khăn, nhất là khi thiên tai. Còn việc giải quyết các tình huống tranh chấp giữa các nước, lực lượng kiểm ngư cũng có trách nhiệm tham gia” - ông Phát nói.

 TRỌNG PHÚ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm