Bổ sung luật để bảo vệ môi trường

Tại hội thảo Vai trò của các cơ quan, tổ chức trong việc giải quyết môi trường do Công ty Vedan gây ra, nhiều người cho rằng về lâu dài, chúng ta cần phải bổ sung, hoàn thiện pháp luật mới mong chiến thắng trong cuộc chiến bảo vệ môi trường.

Ngày 8-7, trước khi hội thảo kết thúc, ông Trần Văn Cường, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đã khiến nhiều cử tọa bất ngờ, thú vị với những “chuyện bếp núc” trong quá trình ông làm đầu mối giúp dân khởi kiện Vedan. Ông Cường gọi cuộc đấu tranh với Vedan thật sự là một “cuộc chiến pháp lý” nhưng chốt lại “nếu vụ kiện đến tòa thì dân thua là cái chắc”.

Đòn trí mạng ở phút 89

Không chỉ ông Cường, những luật sư, luật gia trực tiếp giúp dân trong vụ Vedan đều nhận thức rõ điều này. Lẽ dĩ nhiên những luật sư tư vấn cho Vedan càng hiểu rõ điểm yếu này của nông dân. Điều này lý giải vì sao suốt một thời gian dài Vedan cứ cù cưa không chịu bồi thường để chờ ngày nông dân hết thời hiệu khởi kiện, thậm chí họ còn lên giọng gọi đó là tiền hỗ trợ chứ không chấp nhận đó là khoản bồi thường.

Tuy nhiên, khi những lá đơn kiện Vedan đầu tiên được gửi tới tòa, khi báo chí ngày nào cũng hài tên Vedan ra gọi, những khách hàng của công ty này bắt đầu e dè. Ngân hàng không cho vay, chứng khoán sụt giảm, niềm tin của các cổ đông Vedan lung lay.

Bổ sung luật để bảo vệ môi trường ảnh 1

Sau khi bị phát hiện sai phạm, Vedan đầu tư hệ thống xử lý nước thải hàng chục triệu USD. Phải mất một năm sau, người dân đôi bờ sông Thị Vải mới nuôi trồng thủy sản được. Ảnh: TB

Người tiêu dùng bắt đầu ý thức được quyền của mình, họ tự phát tẩy chay sản phẩm của Vedan khiến hàng hóa của Vedan trong các siêu thị đứng yên một chỗ. Rồi Hội Bảo vệ người tiêu dùng lên tiếng tẩy chay, rồi chuỗi siêu thị tuyên bố không nhập hàng Vedan nữa… “Chính đòn trí mạng ở phút 89 này đã khiến Vedan tê liệt ý chí. Ngay lập tức, họ chấp nhận “đầu hàng”, ký thỏa thuận bồi thường 100% cho nông dân” - luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn Luật sư TP.HCM) nói.

Phải tính đến công cụ pháp luật

Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư VN Trương Trọng Nghĩa đúc kết, chính nhờ sức mạnh tổng hợp của các lực lượng xã hội đã làm nên chiến thắng tối ưu cho nông dân thiệt hại. Nhưng về lâu dài, cần phải tính đến những phương thức giải quyết hiệu quả hơn. Đó cũng là một trong những yêu cầu đặt ra để những người tham gia hội thảo bàn luận.

Quá trình thảo luận, nhiều ý kiến cho rằng sở dĩ khả năng thắng kiện của người dân rất thấp là bởi họ khó có thể chứng minh được thiệt hại cũng như mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại ấy với hành vi trái luật của Vedan. Đó là chưa nói do ở ta chưa có chế định khởi kiện tập thể nên khi từng người đơn lẻ khởi kiện, tòa án phải mất hàng tháng, hàng năm để xét xử, không lấy đâu ra đủ thẩm phán để giải quyết…

Do vậy, từ kinh nghiệm của Trung Quốc (do ông Nicholas Booth, cố vấn chính sách pháp quyền và tiếp cận công lý của Chương trình Phát triển của Liên Hiệp Quốc trình bày), nhiều đại biểu nói cần nghiên cứu, tiếp thu. Đó là việc cho phép khởi kiện tập thể, là sửa đổi quy định không buộc nguyên đơn phải chứng minh yếu tố lỗi của bị đơn, không phải chứng minh thiệt hại do người gây ô nhiễm gây ra… “Tất nhiên, chúng ta tiếp thu kinh nghiệm của nước bạn có chọn lọc, dựa trên điều kiện đặc thù của chúng ta” - một đại biểu nói.

Phải phạt nặng hơn nữa

Không ít ý kiến tại hội thảo cho rằng cần bổ sung quy định xử lý hình sự pháp nhân gây ô nhiễm môi trường mới đủ sức răn đe. Tuy nhiên, cũng có người phản bác ý kiến này vì cho rằng chính sách hình sự của ta yêu cầu cá thể hóa tội phạm. “Chúng ta không thể xử phạt tù pháp nhân. Còn nếu lấy phạt tiền làm hình phạt chính bên cạnh hình phạt bổ sung như đình chỉ, đóng cửa cơ sở vi phạm thì chẳng khác nào hình thức xử phạt hành chính. Chi bằng ta tăng mức phạt tiền trong xử lý hành chính, phạt thật nặng để đủ sức răn đe những DN khác đang lăm le vi phạm” - một đại biểu nêu ý kiến.

Đặc biệt, luật sư Trương Trọng Nghĩa đưa ra một ý khiến nhiều người suy ngẫm. Rằng thực tiễn cho thấy chính quyền có sự băn khoăn, lúng túng khi muốn áp dụng việc tạm đình chỉ hoặc đình chỉ, đóng cửa cơ sở vi phạm. Bởi khi đó người lao động sẽ thất nghiệp. Rồi ai sẽ thu mua nông sản, nguyên liệu của nông dân mà DN đã ký hợp đồng bao tiêu cho họ.

“Nên chăng Nhà nước quy định trong trường hợp này chính DN vi phạm phải trả lương cho người lao động, đồng thời ràng buộc họ phải thu mua nông sản của dân như đã ký trong hợp đồng” - luật sư Nghĩa nói.

Từ khi thành lập đến nay, lực lượng cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường đã điều tra, khám phá hàng chục ngàn vụ vi phạm pháp luật về môi trường. Tuy nhiên, gần như tất cả vụ án chuyển cơ quan điều tra khởi tố đều không truy tố, xét xử được. Nguyên do các quy định của BLHS quá chung chung, đòi hỏi nhiều điều kiện…

Đại tá PHAN HỮU VINH, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường

Cuộc chiến bảo vệ môi trường là sự nghiệp, là vấn đề chung của toàn xã hội. Qua buổi hội thảo này chúng ta có thêm nhiều bài học kinh nghiệm trong cuộc chiến bảo vệ môi trường. Những vấn đề về thể chế, về pháp luật mà chưa hoàn thiện thì chúng tôi sẽ xem xét, kiến nghị để sớm hoàn thiện. Có như vậy chúng ta mới ngăn chặn, giải quyết tốt những vụ vi phạm tương tự như vụ Vedan này.

GS-TS Lê Minh Tâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Nông dân VN, người chủ trì hội thảo

NGÔ THÁI BÌNH

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm