CHỦ TỊCH QUỐC HỘI NGUYỄN SINH HÙNG:

Bỏ phiếu tín nhiệm ‘cực kỳ hệ trọng’, sao chưa làm?

Sáng qua 11-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật hoạt động giám sát của QH và HĐND. Một số ý kiến đã đề xuất luật hóa quyền bỏ phiếu tín nhiệm vì hiện chúng ta mới chỉ thực hiện lấy phiếu tín nhiệm, trong khi quyền bỏ phiếu tín nhiệm đã được Hiến pháp quy định nhiều năm nay...

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho biết hiện vẫn có hai loại ý kiến khác nhau về quy định lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm. Trong đó có ý kiến tán thành như dự luật - chỉ quy định chung có tính nguyên tắc về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH, HĐND bầu hoặc phê chuẩn; quy trình, thủ tục cụ thể sẽ thực hiện theo Nghị quyết số 85/2014/QH13 của QH. Ý kiến này được Thường trực Ủy ban Pháp luật tán thành. Luồng ý kiến khác là đề nghị quy định cụ thể việc lấy và bỏ phiếu tín nhiệm vào luật này để đảm bảo thống nhất, dễ theo dõi, dễ thực hiện và giám sát.

Dự luật chỉ quy định chung có tính nguyên tắc về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm nhưng nhiều ý kiến cho rằng phải tách bạch rõ hai nội dung này ra. Ảnh: HTD

Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai nhấn mạnh: “Quyền bỏ phiếu tín nhiệm đã được quy định của Hiến pháp. Về bản chất bỏ phiếu tín nhiệm là bỏ phiếu bất tín nhiệm, khác hẳn với lấy phiếu tín nhiệm. Việc lấy phiếu tín nhiệm không quy định trong Hiến pháp mà chỉ quy định trong nghị quyết của QH”. Theo đó bà Mai đề nghị cần phải tách bạch giữa hai vấn đề lấy phiếu tín nhiệm và bỏ phiếu tín nhiệm. Đồng thời phải cụ thể hóa quyền bỏ phiếu tín nhiệm vào trong luật.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cũng cho rằng nội dung bỏ phiếu tín nhiệm là “cực kỳ hệ trọng” và việc “bỏ phiếu và lấy phiếu tín nhiệm là hai vấn đề khác nhau, quyền lực pháp lý khác nhau, hiệu lực khác nhau”. Tuy nhiên, dù đã có quy định cụ thể, song việc bỏ phiếu tín nhiệm vẫn chưa được thực hiện trong nhiều năm nay. “QH, HĐND có quyền lực quyết định bỏ phiếu tín nhiệm và không tín nhiệm. Câu hỏi lớn nhất là tại sao bao nhiêu năm nay không tiến hành bỏ phiếu được? Dự thảo luật phải tính toán và gia cố thêm” - Chủ tịch QH nói.

Không đạt tín nhiệm mà không chịu từ chức, xử lý sao?

Theo dự thảo luật đưa ra, QH bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do QH bầu hoặc phê chuẩn trong các trường hợp sau: UBTVQH đề nghị; có kiến nghị của ít nhất 20% tổng số đại biểu QH do UBTVQH tổng hợp trình QH, trong đó việc xác định ít nhất 20% tổng số đại biểu QH được thực hiện theo quy định tại Điều 33 Luật Tổ chức QH; có kiến nghị của Hội đồng Dân tộc hoặc Ủy ban của QH; người được lấy phiếu tín nhiệm mà có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp.

Dự thảo luật này cũng nêu rõ: Người được bỏ phiếu tín nhiệm có quá nửa số phiếu không tín nhiệm có thể xin từ chức. Trường hợp không từ chức thì cơ quan hoặc người có thẩm quyền giới thiệu để QH bầu hoặc phê chuẩn chức vụ của người đó có trách nhiệm trình QH xem xét, quyết định việc miễn nhiệm hoặc phê chuẩn đề nghị miễn nhiệm người không được QH tín nhiệm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm