Bỏ lãi suất cơ bản, phải sửa nhiều luật?

Ngày 21-5, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Ngân hàng Nhà nước sửa đổi, đại biểu Quốc hội tranh cãi về việc bỏ lãi suất cơ bản trong dự luật.

Theo các đại biểu, lãi suất cơ bản là biện pháp để điều hành thị trường tiền tệ, ngăn chặn các vi phạm… Nếu bỏ sẽ liên quan đến các luật khác như luật dân sự, luật hình sự…

Quan điểm 1: Không còn tội cho vay nặng lãi

Theo ông Trần Thế Vượng, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội, trong Bộ luật Hình sự có tội cho vay lãi nặng. Bộ luật Dân sự cũng quy định mức lãi vay mượn là không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do thống đốc Ngân hàng Nhà nước công bố. “Nếu bỏ lãi suất cơ bản sẽ không còn tội cho vay lãi nặng và một điều trong Bộ luật Dân sự sẽ không còn tác dụng” - ông Vượng nói.

Đồng tình, bà Lê Thị Thu Ba - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, cho rằng lãi suất cơ bản là biện pháp để chống cho vay nặng lãi. Đồng thời, chống việc người nắm giữ tiền trong xã hội lợi dụng những lúc các doanh nghiệp, các tổ chức và cá nhân khó khăn… đưa ra mức lãi suất cao. Thực tế, những năm đổ vỡ tín dụng trước đây là do các doanh nghiệp và người dân khó khăn nên sẵn sàng chấp nhận một mức lãi vay cao.

Bỏ lãi suất cơ bản, phải sửa nhiều luật? ảnh 1

Người dân đang giao dịch tại một ngân hàng. Ảnh minh họa: HTD 

“Người ta khó khăn nên chỉ biết là vay được để giải quyết những khó khăn trước mắt, có trả được hay không tính sau nên dẫn đến phá sản, dẫn đến mất khả năng thanh toán và ngân hàng không sao thu được vốn. Vì vậy lãi suất cơ bản sẽ giúp ổn định cho vay và thị trường tài chính. Phải có lãi suất cơ bản để các cơ quan tư pháp có căn cứ xử lý, xem quan hệ cho vay đó là dân sự hay hình sự… đảm bảo ổn định thị trường cho vay” - bà Thu Ba nói.

Quan điểm 2: Chỉ cần cơ chế bổ sung

Đại biểu Nguyễn Đăng Trừng: “Nên bỏ lãi suất cơ bản và ngân hàng có thể quy định một cơ chế lãi suất khác để áp dụng cho các quan hệ khác”.

Đại biểu Lê Thị Thu Ba: “Có lãi suất cơ bản các cơ quan tố tụng mới có căn cứ xử lý, xem quan hệ cho vay đó là dân sự hay hình sự”.

Đồng tình là có việc cho vay lãi nặng nhưng đại biểu Trần Du Lịch (TP.HCM) lại cho rằng nên bỏ lãi suất cơ bản. Ông Lịch nói: Muốn giải quyết vấn đề cho vay nặng lãi cần mở rộng vai trò của các tổ chức tín dụng vi mô, các hợp tác xã tín dụng, chính sách của nhà nước, vai trò của ngân hàng chính sách, ngân hàng phát triển để giải quyết cung cầu về vốn trên thị trường. Chúng ta không thể giải quyết bằng biện pháp hành chính. Luật Ngân hàng không thể giải quyết tất cả vấn đề của xã hội như tình trạng cho vay nặng lãi. Giải quyết như vậy nó sẽ méo mó tất cả”.

Chung quan điểm, luật sư Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) cho rằng bỏ lãi suất cơ bản như trong dự luật sẽ không ảnh hưởng đến luật dân sự hay luật hình sự vì trong dự thảo luật đã quy định rất rõ: “Trong trường hợp thị trường tiền tệ có diễn biến bất thường thì nhà nước quy định cơ chế điều hành lãi suất áp dụng trong quan hệ các tổ chức tín dụng của nhau với khách hàng và các quan hệ tín dụng khác”. Theo ông Trừng, Ngân hàng Nhà nước có thể quy định một cơ chế lãi suất áp dụng cho các quan hệ lãi suất khác và cơ chế lãi suất này sẽ làm căn cứ xử lý hành vi cho vay nặng lãi…

Nguyên thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm:

Lãi suất cơ bản ngăn chặn cho vay nặng lãi

“Lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước công bố căn cứ vào lãi suất hình thành của các ngân hàng thương mại và  hoạt động của thị trường. Mức lãi suất này không phải là mức bắt buộc tất cả các ngân hàng, tổ chức tín dụng tuân theo. Nó là mức để ngân hàng trung ương điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát việc cạnh tranh lành mạnh trong thị trường vốn và các tổ chức tín dụng; ngăn chặn, giải quyết việc cho vay nặng lãi… Đây là nguyên tắc để hình thành lãi suất cơ bản trong tất cả các quốc gia.”

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm