Bộ Chính trị, Ban Bí thư kiểm điểm công tác

ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Đây là cuộc kiểm điểm phê bình và tự phê bình đầu tiên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư cho năm đầu tiên của nhiệm kỳ Trung ương khóa XII. Ngoài đánh giá kết quả công tác năm, tập thể và các cá nhân trong Bộ Chính trị, Ban Bí thư sẽ bám sát 27 dấu hiệu, biểu hiện ở ba nhóm vấn đề suy thoái tư tưởng chính trị, suy thoái đạo đức, lối sống và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ để soi rọi vào tập thể và từng cá nhân, cũng như lĩnh vực được phân công phụ trách, theo dõi, chỉ đạo.

Phương pháp chung là tập thể kiểm điểm trước, cá nhân sau; trên làm trước, dưới làm sau. Chuẩn bị cho cuộc kiểm điểm này, Bộ Chính trị, Ban Bí thư lập ra tổ công tác ghi nhận ý kiến, góp ý, thông tin từ các ban đảng, các tổ chức đảng, đảng viên, sàng lọc, lựa chọn những vấn đề lớn để góp ý, giới thiệu cho từng cá nhân kiểm điểm, làm rõ. Như thế, nội dung kiểm điểm sẽ không bó hẹp trong đánh giá kết quả công tác năm 2016 mà có thể gắn với các vấn đề kinh tế-xã hội nổi cộm đã diễn ra trước đó.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM chiều 20-3, ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương, cho biết đang theo dõi, trông đợi kết quả từ cuộc kiểm điểm quan trọng này. Cũng như vậy, ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương 6 (2), đánh giá đây là tín hiệu tốt cho công tác chỉnh đốn Đảng.

Cả hai vị đều nhấn mạnh tự phê bình và phê bình là việc làm bình thường, thường xuyên. Đồng thời mong muốn Bộ Chính trị khóa XII rút kinh nghiệm, bài học từ cái được và chưa được trong công tác kiểm điểm, phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI để cuộc kiểm điểm này mang lại hiệu quả cao, làm gương, lan tỏa xuống các tổ chức đảng và đảng viên các cấp.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm