Bình Thuận: Đại biểu nổi nóng với án bị hủy

Ngày 16-7, tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Thuận các đại biểu đã truy khá “rát” Sở NN&PTNT, Sở GTVT, tòa án, VKS tỉnh này về việc hứa mà không bồi thường, án bị hủy, cân xe quá tải…

Liên quan đến 11 hộ dân có đất bị ngập nước trong hồ thủy lợi Đá Bạc (Vĩnh Hảo, Tuy Phong) và UBND tỉnh đã yêu cầu bồi thường dứt điểm cho các hộ dân từ năm 2013 nhưng đến nay các hộ dân vẫn chưa được giải quyết, ông Mai Kiều, Giám đốc Sở NN&PTNT, đã xin nhận khuyết điểm. Ông hứa sẽ đền bù dứt điểm vào ngày 30-10.

Về hoạt động của trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động, ông Phạm Văn Nam, Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bình Thuận, cho biết sau hai tháng thực hiện đã kiểm tra 1.945 xe, phát hiện 637 phương tiện vi phạm quá khổ, quá tải. “Đối với việc tuần tra lưu động, khi phát hiện xe có dấu hiệu vi phạm mới yêu cầu vào bàn cân” - ông Nam cho biết. Về việc này, đại biểu Nguyễn Văn Ly nói: Đây là kẽ hở rất dễ phát sinh tiêu cực vì nó hoàn toàn theo cảm tính…

Đại biểu Nguyễn Văn Ly chất vấn tại kỳ họp HĐND tỉnh Bình Thuận. Ảnh: PN

Với chất vấn: “Một số vụ án bị TAND Tối cao hủy, trách nhiệm của tòa án, VKS đến đâu?”, ông Nguyễn Ngọc Quang, Chánh án TAND tỉnh Bình Thuận, cho biết từ đầu năm đến nay có tám vụ án dân sự và ba vụ án hình sự bị TAND Tối cao hủy theo trình tự giám đốc thẩm. “Tuy nhiên, chưa có vụ nào cưỡng chế hay đập phá tài sản hoặc bồi thường thiệt hại nên chưa gây ra hậu quả lớn. Chỉ có một vụ bị đơn tự nguyện giao trả nhà cho nguyên đơn, sau khi án bị hủy đã giao cho cấp sơ thẩm xem xét… Tòa vừa kỷ luật không tái bổ nhiệm một thẩm phán, một phó chánh án và miễn nhiệm đối với thẩm phán này để bố trí công việc khác”.

Không đồng tình về việc án bị hủy chưa gây ra hậu quả, đại biểu Nguyễn Toàn Thiện nổi nóng: Yêu cầu chánh án mở sách luật ra trả lời và nên chọn tham mưu tốt để trả lời đúng luật. Vụ bị đơn “tự nguyện” giao nhà chuẩn bị cưỡng chế là do bị đơn có con là đảng viên, nếu không tự nguyện sẽ bị xử lý. Căn nhà tranh chấp đã bị đập phá, người mẹ 90 tuổi không có chỗ ở và đây chính là hậu quả của việc xét xử sai.

Cũng theo ông Thiện, trong vụ án tham ô tại Trung tâm Mắt, giám đốc đã bị xử phạt tội tham ô, sau khi hủy án thì lại xử tội sử dụng trái phép tài sản và tuyên án bằng với thời gian tạm giam. “Đây là việc xử không đúng tội, lấy án này bỏ qua án kia. Làm giảm lòng tin của dân với hoạt động xét xử” - đại biểu Thiện nhấn mạnh.

Về án oan, sai, đại biểu Thiện đề nghị viện trưởng VKS tỉnh phải kiểm tra lại nhiều kiểm sát viên chưa làm tròn nhiệm vụ công tố tại phiên tòa và kiểm sát sau xét xử… và viện trưởng đã tiếp thu vấn đề này…

PHƯƠNG NAM

Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Bình Thuận (UBKT) vừa thông báo kết quả họp kỳ thứ 24, trong đó có việc đề nghị, xem xét, kỷ luật các đảng viên vi phạm.

Theo đó, , UBKT đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy xử lý kỷ luật ông Huỳnh Giác, tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở TN&MT (hiện là trưởng BQL các khu công nghiệp); ông Lê Văn Bé, Phó Giám đốc Sở TN&MT theo thẩm quyền.

Đối với ông Lê Văn Quý - Phó Bí thư chi bộ, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, nguyên Phó Bí thư chi bộ, chi cục phó Chi cục Quản lý đất đai, UBKT thống nhất kỷ luật cách chức phó bí thư chi bộ Chi cục Quản lý đất đai và đề nghị tổ chức Đảng có thẩm quyền chỉ đạo cho thôi giữ chức phó bí thư chi bộ Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất nhiệm kỳ (2012-2015).

Đối với ông Huỳnh Tùng, Trưởng phòng Thẩm định thuộc Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất, UBKT thống nhất cảnh cáo về mặt đảng.

Những người trên bị kỷ luật vì liên đới trách nhiệm trong vụ chỉnh lý bốn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Công ty TNHH Du lịch HaWaii chuyển từ hình thức thuê đất sang hình thức giao đất.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm