Biết thông tin để giám sát

Quốc hội đã biểu quyết đưa nhiều dự án luật bảo đảm quyền làm chủ của người dân vào nghị trình chuẩn bị, như Luật Tiếp cận thông tin, Luật về hội, Luật Trưng cầu dân ý…

Tại hội thảo tiền đối thoại (diễn ra hai tuần trước tại Hà Nội), tất thảy các đối tác đều lên tiếng đề xuất Việt Nam phải phát huy vai trò giám sát của người dân mà cụ thể là xây dựng Luật Tiếp cận thông tin thì công tác PCTN mới có thể có chuyển biến. Nhiều ý kiến độc lập của phía Việt Nam cũng bày tỏ nhu cầu này, bởi quyền tiếp cận thông tin đã được thể hiện trong Hiến pháp 1992 và trong một số văn bản pháp luật khác, đặc biệt là trong Luật PCTN năm 2005.

Cụ thể, Điều 11 Luật PCTN quy định chính sách pháp luật và việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật phải được công khai, phải minh bạch, đảm bảo công bằng dân chủ; cơ quan tổ chức, đơn vị phải công khai hoạt động của mình, trừ nội dung thuộc bí mật Nhà nước. Các hình thức công khai theo quy định của luật này bao gồm công bố tại cuộc họp của cơ quan, tổ chức, đơn vị; niêm yết tại trụ sở của cơ quan, tổ chức, đơn vị; thông báo bằng văn bản đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có liên quan; phát hành ấn phẩm; thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; đưa lên trang thông tin điện tử; cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát của Thanh tra Chính phủ mới công bố (tháng 6-2011), trong những lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao (quản lý và sử dụng đất, bồi thường hỗ trợ giải phóng mặt bằng…) thì thông tin đến với người dân vẫn còn hạn chế; người dân thường (chỉ) biết đến các vụ việc tham nhũng qua truyền hình (86%)… Đặc biệt, dựa trên kết quả cuộc khảo sát dự án đã kiến nghị cần hoàn thiện pháp luật về bảo đảm quyền được cung cấp thông tin của người dân; huy động sự tham gia của xã hội trong việc cung cấp thông tin cho người dân; và nâng cao trách nhiệm và nguồn lực của các cơ quan nhà nước trong việc cung cấp thông tin.

Ngay báo chí, loại công cụ đưa thông tin đến người dân, cũng đánh giá rằng né tránh cung cấp thông tin hiện là loại cản trở phổ biến nhất (kết quả công bố tháng 10-2011).

Vì thế, việc Quốc hội đưa các dự luật quan trọng (trong đó có dự luật Tiếp cận thông tin) vào chương trình xây dựng pháp luật khóa XIII đã thực sự là một việc làm ghi dấu ấn cho lộ trình công khai, minh bạch trong PCTN.

VẠN BẢO

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm