“Biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc”

Đây là lần đầu tiên, Việt Nam xuất bản một cuốn sách đề cập một cách tương đối đầy đủ, toàn diện, chính xác về đường biên giới trên đất liền giữa Việt Nam - Trung Quốc trong các giai đoạn lịch sử cũng như đường biên giới hiện nay mới được hai nước chính thức xác lập một cách rõ ràng, cụ thể, bằng văn bản, trên bản đồ và trên thực địa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

“Biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc” ảnh 1

Không phải là một công trình chuyên khảo, đi sâu vào mọi vấn đề biên giới, cuốn sách được xuất bản với mục đích phổ cập rộng rãi trong nhân dân, đáp ứng nhu cầu thông tin và nhận thức của người đọc trong và ngoài nước. Nội dung chính của “Biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc” là những khái quát và hệ thống về trang sử đấu tranh xây dựng và bảo vệ vùng biên cương của tổ quốc qua các triều đại, làm nổi bật tinh thần quật cường của bao thế hệ tiền bối đã hy sinh vì sự nghiệp dựng nước và giữ nước.

Cuốn sách cũng đã góp phần phản ánh chính xác đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước Việt Nam về việc giải quyết vấn đề biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc nói riêng và bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ nói chung.

Cung cấp những thông tin cơ bản và hệ thống về quá trình đàm phán giữa hai nước, từ các cuộc đàm phán đến việc ký Hiệp định Hoạch định biên giới trên đất liền ngày 31-12-1999, tiến trình phân giới cắm mốc trên toàn tuyến biên giới hoàn thành vào ngày 31-12-2008, cho đến Nghị định thư Phân giới cắm mốc, Hiệp định Về quy chế quản lý biên giới và Hiệp định Về quy chế cửa khẩu có hiệu lực từ ngày 14-7-2010.

Từ góc độ khoa học lịch sử, nêu rõ quá trình hình thành cương vực và đường biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc qua các triều đại, phân tích cơ sở tiến hành đàm phán trên hai công ước Pháp - Thanh 1887 và 1895. Từ góc độ pháp lý, nêu rõ cơ sở pháp lý quốc tế trong việc phân định và giải quyết các tranh chấp biên giới, các nguyên tắc cơ bản khi xử lý các trường hợp khó khăn trong việc giải quyết vấn đề biên giới. Cuốn sách do GS Vũ Dương Ninh chủ biên, chỉ đạo biên soạn GS Phan Huy Lê.

Theo Quỳnh Vân (ANTĐ)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm