Bệnh viện Ung thư Đà Nẵng: Công tư đang lẫn lộn

Ngày 4-8, đoàn giám sát Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội) làm trưởng đoàn đã làm việc với lãnh đạo TP Đà Nẵng về việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và hệ thống ngân hàng.

Không phải là chủ đầu tư BV

Đoàn giám sát đã hết sức quan ngại đối với mô hình hoạt động của BV Ung thư Đà Nẵng. Hiện tại vẫn chưa rõ BV này là công hay tư, việc quản lý vốn, tài sản của Nhà nước sẽ như thế nào.

Đáng lưu ý, trong khi chưa phân định được là công hay tư thì ngân sách vẫn phải bỏ tiền ra cho BV. Đến thời điểm này, nguồn kinh phí hỗ trợ từ ngân sách trung ương và địa phương đã trên 1.100 tỉ đồng. Thế mà tổng nguồn vốn đầu tư cho BV Ung thư đến nay là bao nhiêu thì UBND TP Đà Nẵng cũng không được rõ. Bởi UBND TP Đà Nẵng không phải là chủ đầu tư BV này mà là Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (bên trái) trao đổi với lãnh đạo TP Đà Nẵng. Ảnh: LÊ PHI

Trước đó, theo thông tin từ ông Nguyễn Thanh Sang (Giám đốc Sở Tài chính TP Đà Nẵng), hội này lại thành lập Công ty TNHH MTV BV Ung thư Đà Nẵng với 500 giường bệnh và nguồn thu là từ các hoạt động khám, chữa bệnh. Vậy nếu hoạt động theo Luật DN thì đây không phải là BV công. Tại kỳ họp vừa qua, HĐND TP Đà Nẵng và các đại biểu cũng yêu cầu UBND TP xác định rõ loại hình cho BV này nhưng mãi không ra. Một phần nguyên nhân do công tư quá lẫn lộn, tiền bạc nhập nhèm.

Ông Võ Duy Khương (Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Đà Nẵng) cho hay: “BV xây dựng được năm năm do Hội Bảo trợ phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh làm chủ đầu tư nhưng tất cả từ đất đai, tiền DN hỗ trợ, tiền viện trợ của nước ngoài theo quy định lại là nguồn từ ngân sách. Hội bảo trợ do ông Nguyễn Bá Thanh (hiện là trưởng Ban Nội chính Trung ương - PV) làm chủ tịch. TP đã họp với hội để xác định loại hình nhưng vẫn chưa thống nhất được. Ông Thanh cho rằng đây không phải công cũng không phải tư. Các bộ thì nói nếu không phải công thì sẽ không chi nhưng giờ lỡ chi rồi. Năm nay TP cũng phải hỗ trợ 20 tỉ đồng cho hội này”.

Theo ông Trần Văn Sơn (Giám đốc Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng), nên xem xét BV này là loại hình hợp tác công tư. “Nói BV này là tư nhân cũng không phải mà tập thể cũng không xong. Cái này đang rất lẫn lộn. Nên chăng xác định BV này là hợp tác công tư để quản lý” - ông Sơn nói.

Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên chỉ đạo TP Đà Nẵng phải xác định cho rõ ràng về loại hình hoạt động của BV chứ không thể để mơ hồ như hiện nay.

“Nếu thành lập công ty để quản lý và hoạt động theo kiểu hợp tác công tư thì phải làm rõ các hợp đồng và các điều khoản kèm theo. Xác định cho rõ vốn, tài sản của Nhà nước là bao nhiêu. Giao BV cho công ty quản lý nhưng phải chịu trách nhiệm trước UBND TP. Cái này phải xác định cho rành mạch, không thể để cho một hội đoàn thể xã hội nghề nghiệp quản lý vì sẽ tạo ra tiền đề đẻ thêm cơ chế đặc thù” - Phó Chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh.

Còn thiếu trách nhiệm trong quản lý đầu tư công

Lãnh đạo TP Đà Nẵng cho biết bên cạnh những mặt tích cực đã đạt được thì việc tái cơ cấu đầu tư công, DNNN và hệ thống ngân hàng trong thời gian qua còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Đơn cử như các quy định về tạm ứng vốn đầu tư xây dựng cơ bản chưa chặt chẽ dẫn đến nhiều nhà thầu lợi dụng cơ chế để tạm ứng khi chưa có khối lượng thực hiện hoặc sử dụng vốn không đúng mục đích. Các quy định về thẩm quyền và trách nhiệm của chủ thể còn chung chung dẫn tới tình trạng thiếu trách nhiệm trong quản lý đầu tư công, gây lãng phí và hiệu quả đầu tư không cao…

Theo UBND TP Đà Nẵng, nguồn thu từ tiền sử dụng đất của TP để đầu tư xây dựng cơ bản hạ tầng trong giai đoạn 2012-2014 đã giảm mạnh, chỉ bằng khoảng 35%-50% so với các năm trước. Do nguồn thu từ đất giảm nên TP đã phải chủ động rà soát, cắt giảm, hoãn và giãn tiến độ các dự án đầu tư công.

Cũng theo ông Sơn, hiện TP Đà Nẵng đang khẩn trương cổ phần hóa các DNNN. Tuy nhiên, khi cổ phần thì các DN này buộc phải chuyển hết vốn về trung ương mà TP không nhận được một khoản nào. “Nếu như vậy thì thiệt cho TP quá! Cần xem xét để chia cho địa phương một phần vì dù cổ phần thì các DN này cũng hoạt động trên địa bàn TP quản lý” - ông Sơn đề nghị.

LÊ PHI

Nợ xây dựng khoảng 2.900 tỉ đồng

Tại Đà Nẵng, phần lớn nợ đọng tại các công trình, dự án trung ương bố trí vốn nhưng đến nay chưa hoàn thành việc thanh toán. Cụ thể: Nhà thi đấu thể dục hể thao (544 tỉ đồng), cầu Nguyễn Văn Trỗi - Trần Thị Lý (trên 1.324 tỉ đồng) và các dự án khác trên 626 tỉ đồng. Tổng nợ xây dựng cơ bản của Đà Nẵng hiện khoảng 2.900 tỉ đồng. Đề nghị trung ương chỉ đạo Chính phủ sớm thanh toán, bố trí vốn cho TP để trả nợ cho các đơn vị xây dựng.

Ông TRẦN VĂN SƠN, Giám đốc  Sở KH&ĐT TP Đà Nẵng

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.