Bầu cử ĐBQH: Ba nhược điểm của cơ chế tự ứng cử

Để chuẩn bị cho điều này, nhiều ý kiến cho rằng trước mắt cần phải sửa các luật về bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND cho phù hợp, còn về lâu dài cần phải có một luật chung cho việc bầu cử.

Viện Nghiên cứu lập pháp của QH vừa tổ chức hội thảo về Đổi mới cơ chế, phương thức bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND. Xung quanh vấn đề này, Pháp Luật TP.HCM phỏng vấn Tiến sĩ Lê Thanh Vân (ảnh), Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu trên.

Chưa công bằng

. Phóng viên: Có ý kiến cho rằng vì hiện nay luật quy định quá dễ nên số người ứng cử ĐBQH thường rất nhiều, thậm chí có cả những người không bình thường cũng ra ứng cử. Ý kiến của ông thế nào?

Bầu cử ĐBQH: Ba nhược điểm của cơ chế tự ứng cử ảnh 1
+ TS Lê Thanh Vân: Cơ chế tự ứng cử hiện nay bộc lộ ba nhược điểm. Một là chưa chặt chẽ những thủ tục, điều kiện tự ra ứng cử (ví dụ như phải thu thập chữ ký cử tri, phải đóng tiền…). Luật của ta chỉ quy định là công dân từ đủ 21 tuổi trở lên thì có quyền ứng cử ĐBQH mà thôi.

Hai là tiêu chuẩn ĐBQH còn chung chung, chưa định lượng một cách cụ thể nên cử tri cũng không hình dung được người mình bầu có đáp ứng được mong đợi của mình không. Còn người tự ứng cử cũng cứ nghĩ mình có điều kiện như vậy là làm ĐBQH được. Chúng ta phải nghiên cứu để có những quy định khắt khe, chặt chẽ về tiêu chuẩn thì chắc chắn là sẽ sàng lọc được một tỉ lệ lớn những người không đủ tiêu chuẩn.

Ba là quy định về vận động bầu cử chưa tạo điều kiện cho người được đề cử và cả người tự ứng cử có cơ hội bình đẳng như nhau trên các kênh thông tin truyền thông, rồi điều kiện để tiếp xúc, xâm nhập với thực tiễn, gần gũi với cử tri...

Ba hạn chế đó cần thiết phải có nghiên cứu tổng thể và có dự báo để sửa đổi cho phù hợp.

Bầu cử ĐBQH: Ba nhược điểm của cơ chế tự ứng cử ảnh 2

Người tự ứng cử và đề cử cần được tạo điều kiện thuận lợi và bình đẳng tiếp cận với cử tri. Trong ảnh: Một buổi tiếp xúc cử tri với những người ứng cử đại biểu quốc hội khóa XII năm 2007. Ảnh: HTD

Không có chuyện muốn gạch ai thì gạch

. Trong thực tế bầu cử QH khóa XII vừa qua, có những ứng cử viên có trình độ và uy tín cao trong xã hội nhưng đến phút chót lại tự nguyện rút đơn khiến dư luận đặt câu hỏi phải chăng có chuyện “đảng cử dân bầu” ở đây, thưa ông?

+ Không phải. Chế độ bầu cử của ta có hai cơ chế là thông qua cơ quan tổ chức giới thiệu (tạm gọi là đề cử) và tự bản thân người công dân xét thấy mình có đủ năng lực phù hợp tiêu chuẩn tự ra ứng cử (gọi là tự ứng cử). Việc đề cử tuân theo các quy trình chặt chẽ, qua rất nhiều tầng nấc… nên phần lớn chọn ra được người đủ tiêu chuẩn ngay từ đầu. Thậm chí trong quy hoạch cán bộ, người ta cũng lường trước những khả năng, dự báo trước những triển vọng để cơ cấu hoặc giới thiệu ai đó ra ứng cử ĐBQH. Với người tự ứng cử thì không có những hỗ trợ đó mà tự họ sẽ phải thể hiện.

. Có ý kiến cho rằng nếu không thích một ứng cử viên nào thì có thể thông qua hiệp thương để loại người đó, thưa ông?

+ Tình huống đó chỉ đúng ở rất ít trường hợp vi phạm quy định hiệp thương. Chúng ta không thể nói tất cả cuộc hiệp thương từ trung ương đến cơ sở đều đúng hết. Một số nơi, một số điều kiện cụ thể vẫn vi phạm quy trình, còn luật pháp hiện nay không có cơ hội cho việc loại bỏ theo ý chí chủ quan. Chỉ có những con người đứng ra tổ chức hiệp thương với một chủ kiến và bằng một cách làm trái pháp luật mới thực hiện được việc loại bỏ theo ý đồ cá nhân.

Loại bỏ những đặc quyền

. Theo ông, để việc bầu cử thực chất hơn, chọn được các ĐB có tâm, có tầm thì sắp tới các quy định về bầu cử nên sửa như thế nào?

+ Thứ nhất là quy định cụ thể tiêu chuẩn ĐB, phải định lượng được, có tiêu chí về trình độ năng lực, khả năng hoạch định chính sách, năng lực giám sát, trách nhiệm đại diện cho quyền lực cử tri… Làm sao để cử tri nhận diện được chân dung của ĐB. Mặt khác, người tự ứng cử và đề cử cũng soi vào đó để thấy mình có đáp ứng được không trước khi ra ứng cử. Phải tạo điều kiện để nhân dân tiếp cận được với ĐB. Ví dụ tăng cường tuyên truyền, có thông tin đầy đủ về ứng cử viên (lý lịch, phẩm chất nổi bật, nhận xét đánh giá của cử tri nơi cư trú và nơi công tác…) để cử tri ở đơn vị bầu cử nhận diện được người mà họ sẽ bầu.

Thứ hai là phải bình đẳng, tạo điều kiện tối đa để loại bỏ những đặc quyền đặc lợi giữa các ứng cử viên, ví dụ như phương tiện đi lại hay việc phát biểu quan điểm trước công chúng...

Một ý nữa tôi muốn nói là việc sàng lọc, lựa chọn ứng cử viên vẫn còn những bất cập. Bởi cách chọn hiện nay mới là cơ cấu cho các tỉnh rồi tỉnh tự chọn thì ĐB chỉ mang tính đại diện cho tỉnh đó thôi chứ không đại diện cho cả nước. Đây cũng là vấn đề cần xem xét.

. Vậy việc tính tỉ lệ phiếu hợp lệ của ĐB trúng cử có phải sửa hay không vì có ĐB ở đơn vị bầu cử này đạt tỉ lệ cao hơn ĐB ở đơn vị khác nhưng vẫn bị loại?

+ Cá nhân tôi cho rằng cách tính phiếu hợp lệ cho ĐB trúng cử như hiện nay là hợp lý với hai nguyên tắc là quá bán và phải nhiều hơn những người trong danh sách để xác định người có kết quả cao hơn. Bản chất của cơ chế đại diện có hai mặt, một mặt ĐB được bầu ra ở một đơn vị bầu cử thì trước hết phải đại diện cho ý chí nguyện vọng và phải được sự tín nhiệm của cử tri đơn vị bầu cử đó. Thứ hai là ĐB không chỉ đại diện cho đơn vị bầu cử đó mà còn đại diện cho cử tri (trong tỉnh đối với ĐBHĐND; cả nước đối với ĐBQH).

Nhưng cái gốc rễ của vấn đề là phải đạt tín nhiệm của đơn vị bầu cử nên không thể lấy kết quả bầu cử của đơn vị này để chuyển sang cho đơn vị khác, tức là không thể lấy số phiếu cao hơn của đơn vị này thay cho số phiếu thấp hơn ở đơn vị khác.

. Xin cảm ơn ông.

NHẪN NAM thực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm