Bảo vệ người tiêu dùng: Tránh hành chính hóa

Theo tờ trình của Chính phủ, xây dựng dự luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhằm ngăn chặn và xử lý nghiêm việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, gian dối… Dự luật đề xuất năm cách giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, gồm thương lượng, hòa giải, trọng tài, biện pháp hành chính và tòa án.

Với giải quyết tranh chấp tại tòa, dự luật đề xuất rút gọn, xét xử theo trình tự một cấp. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng nếu cứ xét xử như cũ sẽ mất nhiều thời gian, người dân ngại đưa ra tòa. Chủ nhiệm UBKHCN&MT Đặng Vũ Minh nói: “Việc rút gọn không phải là một trình tự xét xử đặc biệt và xa lạ với tố tụng dân sự hiện hành, chỉ là bổ sung ngoại lệ trong tố tụng dân sự áp dụng cho các vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà thôi. Tòa án cấp huyện xét xử các tranh chấp loại này”.

Với cách giải quyết tranh chấp tại cơ quan hành chính, ông Minh cho rằng có nhiều ý kiến không đồng tình vì bản chất là tranh chấp dân sự, không nên hành chính hóa các quan hệ dân sự...

Ông Nguyễn Văn Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, cho rằng cơ quan nhà nước đi giải quyết tranh chấp như dự luật là không đúng thẩm quyền; chuyện tòa xét xử một cấp là vi hiến…

Bà Lê Thị Thu Ba - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho rằng xét xử tại tòa phải phụ thuộc vào luật tố tụng…

Bà Trương Thị Mai - Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội nói: “Trong dự thảo chưa đề cập trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước. Trong khi đó, có nhiều vụ việc cần phải có vai trò và trách nhiệm của nhà nước. Ví dụ, giá sữa hay giá thuốc người tiêu dùng khó biết là cao hay thấp để khiếu nại, phải có cơ quan quản lý nhà nước vào cuộc mới được. Các tổ chức chưa bảo vệ nổi người tiêu dùng, phải có vai trò của cơ quan nhà nước. Khi nào các tổ chức đó lớn mạnh thì nhà nước trao quyền dần dần, trao quyền có lộ trình” - bà Mai nói.

THÀNH VĂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm