Báo chí TP.HCM không ngừng lớn mạnh, khẳng định bản sắc

Sáng 21-6, Hội Nhà báo TP.HCM đã tổ chức lễ kỷ niệm 95 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 – 21-6-2020) và lễ trao giải báo chí TP.HCM lần thứ 38 năm 2020.
Đến dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân; Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong; Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP.HCM Trần Lưu Quang; bà Nguyễn Thị Lệ, Chủ tịch HĐND TP.HCM; ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP; ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy; ông Từ Lương, Phó Giám đốc Sở TT&TT... 

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: HOÀNG GIANG

Phát biểu tại lễ trao giải, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã gửi lời chúc mừng đến các nhà báo lão thành cách mạng, các nhà báo đang sống và làm việc tại TP.HCM. 

Ôn lại kỷ niệm 95 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam, ông Nguyễn Thiện Nhân đã khắc họa lại hành trình Bác Hồ - vị lãnh tụ muôn vàn kính yêu của Ðảng và dân tộc ta, một nhà báo cách mạng vĩ đại, người khai sinh nền báo chí Cách mạng Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhất là phong cách làm báo của Bác, đội ngũ những người làm báo TP.HCM hôm nay, đã và đang phát huy vai trò xung kích không quản khó khăn, gian khổ, dũng cảm xông pha nơi "đầu sóng, ngọn gió", tham gia công cuộc bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đồng thời, hăng hái thâm nhập thực tế, kịp thời đưa tin về những sự kiện nóng, các vấn đề bức xúc về kinh tế - xã hội. Các nhà báo cũng đã bền bỉ tổ chức các tuyến bài điều tra về các vụ án hình sự, tham nhũng, tiêu cực phức tạp.
“Đã có nhiều bài viết của báo chí TP mang tính phát hiện, góp sức tổng kết thực tiễn, lan tỏa các gương điển hình tiên tiến, kiến nghị các giải pháp thiết thực trên các lĩnh vực, đạt giải cao trong các giải báo chí quốc gia, giải báo chí toàn quốc về xây dựng Ðảng, về phòng chống tham nhũng, lãng phí, về thông tin đối ngoại…”, ông Nhân nói.
Người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cũng cho rằng báo chí TP.HCM đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định bản sắc báo chí Sài Gòn - Gia Định – TP.HCM, giàu tính chiến đấu, tính phản biện và cũng rất nhân văn, luôn sáng tạo, nỗ lực vượt khó, vượt khỏi những khuôn khổ xưa cũ để đáp ứng nhu cầu phát triển. Chính với bản sắc đó, nhiều tờ báo của TP đã giữ vị thế hàng đầu cả nước về chất lượng thông tin và số lượng độc giả...

Các nhà báo (từ trái qua: Tổng biên tập báo Người Lao Động Tô Đình Tuân; phóng viên Duyên Phan, báo Tuổi Trẻ và Trưởng Ban Thời sự Chính trị báo Pháp Luật TP.HCM Lê Minh Cường) giao lưu tại buổi lễ trao giải Ảnh: HOÀNG GIANG

Trong thời gian tới, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân đề nghị cần tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng đội ngũ những người làm báo TP, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục tình trạng phản ánh thông tin thiếu khách quan, trung thực; xuống cấp về đạo đức nghề nghiệp một bộ phận người làm báo...

Chỉ còn gần 4 tháng nữa sẽ diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.HCM lần thứ XI, ông Nguyễn Thiện Nhân mong các cơ quan báo chí Trung ương và TP cần tiếp tục phát huy vai trò là kênh quan trọng trong tiếp nhận ý kiến góp ý, huy động trí tuệ, tinh thần dân chủ, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và nhân dân TP tham gia góp phần quyết định những vấn đề lớn của TP.
Báo chí cũng cần phản ánh thật sinh động và kịp thời các hoạt động của đợt thi đua 200 ngày chào mừng Đại hội Đảng các cấp, để cho thấy những chuyển động tích cực của TP trong trạng thái bình thường mới. Báo chí cần tiếp tục đề xuất, hiến kế cho Đảng, Nhà nước sớm có những chủ trương, giải pháp và cơ chế để kinh tế TP.HCM tăng tốc, tiếp tục là đầu tàu phát triển, “vì cả nước, cùng cả nước”.
Ngoài ra, báo chí TP phải là lực lượng xung kích trên mặt trận bảo vệ nền tảng tư tưởng, đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch, nhất là những thông tin sai trái trên internet, mạng xã hội. Kịp thời phát hiện cổ vũ, giới thiệu gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt...

Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong, trao giải cho các nhà báo đoạt giải. Ảnh: HOÀNG GIANG

Ông Trần Trọng Dũng, Chủ tịch Hội Nhà báo TP.HCM, cho rằng các cơ quan báo chí TP không chỉ là cơ quan của Đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội, nghề nghiệp mà còn là diễn đàn thân thiết, gần gũi, tin cậy của nhân dân.
Theo ông Dũng, trên các trang báo luôn phản ánh sinh động mọi mặt đời sống xã hội, lan tỏa nhiều mô hình, cách làm hay, những tấm gương công dân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước, đồng thời tích cực phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái...

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao 66 tác phẩm đạt giải. Trong đó, Báo Pháp Luật TP.HCM đạt 7 giải, với ba giải nhì, ba giải ba và một giải khuyến khích. Trong đó ở thể loại điều tra, báo có 3 tác phẩm đoạt giải. 

Kết quả Giải báo chí TP.HCM lần thứ 38, năm 2020
Ở nhóm 1 (tin, ảnh báo chí), giải nhất là tác phẩm Câu chuyện về ông chủ “ATM” gạo của Báo Người Lao động. Hai giải nhì gồm hai tác phẩm: “Người Sài Gòn dìu nhau qua đại dịch” của Báo Pháp Luật TP.HCM và “Biệt đội cứu hộ trong đêm” của báo Tuổi Trẻ. Ba giải ba, gồm: Phóng sự ảnh “Vì dân phục vụ” của Báo SGGP, phóng sự ảnh “Xe yêu thương” chở nước ngọt về miền Tây của Báo Giáo dục TP.HCM, tác phẩm Những “bác sĩ” ống nước của Báo Tuổi Trẻ.
Ở nhóm 2 (chính luận), tác phẩm đạt giải nhất thuộc về loạt bài: Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới của Báo SGGP. Hai giải nhì, gồm tác phẩm “Ba nước cờ nguy hiểm của Trung Quốc ở biển Đông” của Báo Pháp Luật TP.HCM và tác phẩm “Trung Quốc lợi dụng dịch để lấn tới” của báo Người Lao động. Bốn giải ba, gồm các tác phẩm: Chuyên đề “Biển Đông: Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền” của Báo Phụ Nữ TP.HCM, “Sản phẩm văn hóa - du lịch TP.HCM: Muốn đặc trưng phải xứng tầm” của Báo SGGP, “Xây dựng và chỉnh đốn Đảng – Tăng đồng thuận, vững niềm tin” của Đài Tiếng nói Nhân dân TP.HCM, “Không để mất thời cơ lần thứ ba” của Báo Tuổi Trẻ.
Ở nhóm 3 (phim tài liệu, điều tra, phóng sự, ký báo chí), giải nhất thuộc về tác phẩm “DK1 - 30 năm thành đồng trên biển” của báo Tuổi Trẻ. Năm giải nhì, gồm: tác phẩm “Băng móc túi quậy bạo ở khu vực Suối Tiên” của Báo Pháp Luật TP.HCM, “Ra biển lớn” của Đài Truyền hình TP.HCM, “Ấn tượng Việt Nam” của Báo Tuổi Trẻ, “Điều tra tiêu cực ở Đội Quản lý thị trường 12B -TP.HCM” của Báo Phụ nữ TP.HCM, Chuyên đề “45 năm rực rỡ tên vàng” của Báo Người Lao động.
Ở nhóm 4 (phỏng vấn, tường thuật, ghi nhanh), tác phẩm đoạt giải nhất là Chuyên đề kỷ niệm ngày 30-4 “Khúc khải hoàn nối vòng tay lớn” của Báo Phụ nữ TP.HCM. Ba giải nhì, gồm: tác phẩm “Kinh tế biển và chủ quyền quốc gia” của Báo Người Lao động, “Thời đại của trí tuệ nhân tạo” của Đài Tiếng nói TP.HCM, “Những cách làm sáng tạo vì dân” của Báo SGGP. Bốn giải ba, gồm: tác phẩm “Vai trò kép của Việt Nam trên chính trường quốc tế” của Báo Pháp Luật TP.HCM, “Những con người truyền cảm hứng cho cộng đồng mùa Covid” của Báo Tuổi Trẻ, chuyên đề “Kỷ niệm ngày thương binh liệt sĩ” của Báo Phụ nữ TP.HCM, loạt bài “Nông thôn mới TP.HCM trên đà phát triển” của Báo SGGP.
Ở nhóm 5 (công trình tập thể), giải nhất thuộc về tác phẩm: Chương trình “Một triệu lá cờ cùng ngư dân bám biển” của Báo Người Lao động. Hai giải nhì, gồm: “Mãi mãi một huyền thoại đường Trường Sơn” của Báo Tuổi Trẻ, “Mãi mãi vững niềm tin” của Đài Truyền hình TP.HCM. Ba giải ba, gồm các tác phẩm: “Những nỗ lực lớn của chính quyền và nhân dân TP.HCM trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19” của Báo Pháp Luật TP.HCM, chuyên đề “Góp ý, hiến kế cho TP.HCM” và diễn đàn “Phát triển TP.HCM thông minh, sáng tạo” của Báo Phụ nữ TP.HCM, loạt bài “Khắc phục tình trạng ‘nhạt Đảng’ trong sinh viên” của Báo SGGP.
 

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mới

Quan hệ Việt Nam - Australia bước sang một chương mớiLENS

(PLO)- Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Australia Anthony Albanese thống nhất nâng cấp quan hệ Việt Nam-Australia lên Đối tác chiến lược toàn diện và trao đổi, nhất trí cùng phối hợp chặt chẽ để thực hiện sáu phương hướng lớn nhằm đưa hợp tác trên các lĩnh vực đi vào chiều sâu, hiệu quả, thực chất hơn.

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp Thủ tướng Campuchia Hun Manet

(PLO)- Thủ tướng Việt Nam và Thủ tướng Campuchia nhất trí nâng cao hơn nữa hiệu quả hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối giao thông, làm cơ sở và tạo động lực mới cho việc tăng cường hợp tác trên các lĩnh vực khác.