Báo cáo Ban chỉ đạo TƯ Phòng chống tham nhũng vụ PCI

"Theo tôi, đây cũng là một vụ án trọng điểm mà Ban chỉ đạo Trung ương cần theo dõi", ông Truyền nói.

Tổng Thanh tra cho biết, nghi án PCI do Thủ tướng trực tiếp chỉ đạo bởi vụ việc này gây ảnh hưởng lớn đến môi trường đầu tư cũng như uy tín của Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện nay Ban chỉ đạo chưa bàn đến vụ việc này, mà vẫn đang bàn bạc cân nhắc xem vụ án nào mới được xem là vụ án trọng điểm.

Theo ông Truyền, từ nghi án PCI có thể rút ra bài học là đã đầu tư tài chính, làm ăn kinh tế thì phải có cơ chế giám sát minh bạch để tránh tiêu cực, không kể vốn trong và ngoài nước.

"Với các đối tác đầu tư, họ quản lý vốn của họ nhưng trên địa bàn của ta, cũng phải giám sát xem họ làm việc với cán bộ của ta thế nào. Bởi vì nếu không sẽ nảy sinh bất cập, có sự liên kết từ đối tác bên ngoài với cán bộ quản lý trong nước, đến khi họ đã phát hiện ra sai phạm rồi thì mình mới biết để vào cuộc", ông Truyền nói. Thời gian tới, hai bên sẽ cùng nghiên cứu một cơ chế phối hợp để giám sát.

Thực tế, sau khi Nhật Bản tuyên bố tạm dừng các dự án vốn vay ODA dự kiến trong nửa đầu năm tài khoá 2008 dành cho Việt Nam do những bê bối trong vụ hối lộ quan chức của Công ty tư vấn xây dựng quốc tế Thái Bình Dương (PCI), Ủy ban hỗn hợp giữa hai nước về phòng chống tham nhũng liên quan đến ODA đã nhanh chóng làm việc để tìm ra giải pháp.

Ủy ban này đã soạn dự thảo một báo cáo liên quan đến các biện pháp phòng chống tham nhũng, cũng như tăng cường hiệu quả sử dụng ODA của Nhật Bản tại Việt Nam. Đến thời điểm này, dự thảo báo cáo đã được trình lên Chính phủ hai nước xem xét.

Về phía Việt Nam, ông Truyền cho biết, Chính phủ đã giao các ngành chức năng xem xét nhiều vấn đề. Thứ nhất, phân định chức năng các bộ để thống nhất một đầu mối quản lý. Thứ hai, có cơ chế kiểm soát từ đầu đến cuối và giải quyết những vướng mắc giữa hợp tác hai bên, không khoán trắng, buông tay cho phía bạn hay để phát sinh những bất đồng giữa hai bên.

Theo Lê Nhung (VNN)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm