Băn khoăn cắt giảm đầu tư để tăng lương công chức

Ngày 31-10, Quốc hội thảo luận về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước năm 2012, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách năm 2013. Nhiều đại biểu băn khoăn về việc tăng lương.

Cắt giảm đầu tư

Trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ giải thích thêm về nguồn tiền để tăng lương. Ông cho biết trước đó Chính phủ đã báo cáo Quốc hội thực hiện một phần mức tiền lương tối thiểu chung hoặc bố trí tăng lương cho cán bộ nghỉ hưu, người có công, trợ cấp khó khăn cho cán bộ, công chức có hệ số tiền lương thấp. Tuy nhiên, qua thảo luận ở tổ và nhất là ngày hôm qua thảo luận tại hội trường thì dự kiến sẽ trình Quốc hội phương án khác. Cụ thể là tăng tiền lương tối thiểu chung thêm 100.000 đồng/người/tháng cho cán bộ công chức, viên chức, cán bộ nghỉ hưu, người có công (khoảng 8 triệu người), bắt đầu từ ngày 1-7-2013. Để đảm bảo tăng lương mà vẫn cân đối ngân sách thì dự kiến giảm mức đầu tư công khoảng 10.000 tỉ đồng.

Băn khoăn cắt giảm đầu tư để tăng lương công chức ảnh 1

ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đề nghị xử lý việc đầu tư công gây lãng phí như Cảng Vân Phong là một ví dụ điển hình. Ảnh: TTXVN

Đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) đặt vấn đề: “Bộ trưởng nói tăng lương nhưng nhìn vào cân đối ngân sách tôi không hiểu chúng ta co kéo từ đâu đây. Nếu lấy từ giảm đầu tư thì số còn lại sẽ không đủ để đầu tư. Ban đầu dự kiến không tăng lương, sau lại muốn tăng lương 100.000 đồng/tháng, vậy đánh giá xem tăng như vậy sẽ tác động thế nào”. Đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) cho rằng việc cắt các khoản đầu tư khác để tăng lương có thể gây bức xúc. “Một bộ phận lớn người dân sẽ thấy là họ không được gì từ sự tăng lương này cả, mà ta lại chăm lo cho cán bộ ta thì sẽ gây bức xúc”. ĐB Bùi Đức Thụ (Lai Châu) cho rằng chỉ nên tăng lương đối với người về hưu, người có lương thấp mà thôi.

Nên giảm lãng phí

Trong khi lo lắng về việc ngân sách không có nguồn tiền để tăng lương thì có rất nhiều những khoản chi ngân sách khác bị “chỉ mặt” là lãng phí. Theo ông Nguyễn Bắc Việt, cần tiết kiệm trong chi tiêu, cắt giảm xây trụ sở mới, giảm mua sắm trang thiết bị, thôi tổ chức họp hành hội thảo, cán bộ bớt đi nước ngoài. ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) nêu cụ thể: “Cảng Vân Phong là ví dụ điển hình về lãng phí chiến lược do kéo dài, tăng từ 3.000 tỉ đồng lên 6.000 tỉ đồng, nay dự kiến tăng trên 10.000 tỉ đồng. Tôi đề nghị có biện pháp xử lý”. ĐB Nguyễn Đức Kiên (Sóc Trăng) kể ra 15 tỉnh có nợ xây dựng cơ bản, trong đó hết 13 tỉnh ở miền Bắc. Ông kể rõ: “Hà Giang là một trong những điển hình nợ. Cách đây nhiều năm cán bộ đã bị kỷ luật, khi đấy nợ có 1.100 tỉ đồng thôi. Mới đây tôi được biết là số nợ bây giờ gấp 10 lần số thu ngân sách. Vậy ai là người chịu trách nhiệm về việc làm mất cân đối, gây áp lực lên ngân sách như thế?!”. ĐB Thân Văn Khoa (Bắc Giang) kể vừa qua một số đoàn đại biểu Quốc hội có đi khảo sát về tình hình thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn. Qua khảo sát, có những địa phương chỉ đạt 55% công suất thiết kế. Nhiều công trình vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, có công trình đầu tư 10 tỉ đồng nhưng kéo dài hàng chục năm vẫn không được bàn giao. Như vậy, Nhà nước quan tâm đầu tư nhưng nhân dân vẫn không được hưởng. Do đó, ông cho rằng Chính phủ cần tiếp tục rà soát cắt giảm đầu tư đối với dự án kém hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư BÙI QUANG VINH:

Không làm được thì tôi xin nghỉ

Các đại biểu có nói về chương trình mục tiêu quốc gia. Chúng tôi là cơ quan quản lý, với tư cách là đại biểu Quốc hội, tôi cũng thấy chưa thực sự hiệu quả. Có lẽ phải xem xét lại toàn bộ cách làm chứ hiệu quả hiện không cao. Nên chăng cứ phân bố nguồn vốn thẳng cho địa phương, khỏi qua các bộ chủ quản. Nhiều bộ cũng nhất trí với tôi như thế, Quốc hội cần xem xét, nếu được thì quyết định ngay.

Về vốn đầu tư, nên công bố trong năm năm sẽ có chừng ấy tiền để người ta chủ động, năm nay dùng không hết thì chuyển cho năm sau, như vậy sẽ hiệu quả hơn. Chứ chúng ta cứ đóng khung trong một năm thì làm sao. Những gì làm được chúng tôi sẵn sàng làm, không làm được thì tôi xin nghỉ.

Có 140.000-150.000 tỉ đồng trong khi các đại biểu đề nghị hết làm cái này đến làm cái kia. Chúng tôi rất chia sẻ, hiểu rằng các địa phương khó khăn. Có nhiều người bảo cắt hết, không được xây trụ sở nữa. Có người thì bảo phải xây trụ sở đi, sắp sập rồi. Chúng tôi đều lắng nghe, mong các đại biểu cùng chia sẻ.

____________________________________________

Tôi đề nghị phải hết sức tránh những biện pháp thu gây sốc cho nhân dân. Việc thu phí quỹ bảo trì đường bộ, đề nghị Bộ GTVT tính hết các loại phí hiện đang đánh trên người lưu thông hiện nay xem người dân đang phải gánh bao nhiêu khoản thu, mức thu như vậy cao hay thấp, có hợp lý không. Chúng tôi đề nghị mở chiến dịch truy thu các khoản tồn đọng nhiều năm. Nếu thực hiện nghiêm, thỏa đáng thì có thể thu được không ít.

ĐB TRƯƠNG TRỌNG NGHĨA (TP.HCM)

Các cơ quan ồ ạt tổ chức các hội nghị tổng kết ngành, hội nghị triển khai công tác gây tốn kém rất nhiều mà hiệu quả rất thấp. Trước đây Chính phủ đã có lệnh cấm, quy định rõ bộ nào tổ chức hội nghị ngành phải xin phép Thủ tướng nhưng giờ đâu lại vào đấy. Đáng buồn là công tác đào tạo bồi dưỡng ở nước ngoài có nhiều vấn đề, không mang lại hiệu quả. Có dự án đào tạo sử dụng cả vốn vay của nước ngoài nhưng chương trình học tập không có gì là học cả, chỉ tổ chức đi tham quan. Nếu chống được lãng phí thì có lẽ Chính phủ không đến nỗi phải lao tâm khổ tứ để tìm thêm nguồn tăng lương.

ĐB NGUYỄN SỸ CƯƠNG  (Ninh Thuận)

BÌNH MINH ghi

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm