Bài 4: Bến tàu chuyển quân Chắc Băng

Tại vùng tập kết 200 ngày ở Cà Mau, lượng người tại Cà Mau thưa dần, chuyển hướng vô ngã ba kinh Chắc Băng - nơi có bến chuyển quân ra tàu lớn.

Trưởng tổ văn nghệ Ban chuyển quân tập kết

on kinh Chắc Băng giáp với ngã ba rạch Cạnh Đền thông thống một dòng chảy qua các địa danh Đập Đá, Trí Phải, Huyện Sử, đến ngã ba sông Thới Bình rẽ trái ra cửa sông Ông Đốc, rẽ phải là sông Trẹm về Tân Bằng, Cán Gáo-Biển Bạch giáp ranh chung các tỉnh Bạc Liêu, Rạch Giá.

Nghỉ lán chờ tàu

Đầu kháng chiến năm 1945, kinh Chắc Băng được xem như con đường độc đạo mà cán bộ thường qua lại đây gọi vui là “kinh Suez” trong lòng khu 9.

Sau năm 1951, các cơ quan Nam bộ từ miền Đông, Tháp Mười tập trung xuống gồm các viện, sở, ban, ngành, phòng, phân hiệu lục quân 2, quân y viện, Bộ tư lệnh phân liên khu miền Tây và Trung ương Cục.

Con kinh độc đạo nhộn nhịp ghe xuồng qua lại. Những con kinh nhỏ từ miệt rẫy rừng tràm đổ ra chở theo đặc sản khóm, thơm, chuối, rau củ, mía tây vàng óng và mật ong rất quen thuộc với các cơ quan, bộ đội du kích hoạt động trong vùng này.

Chắc Băng trở nên sầm uất khi gần đến ngày chia tay, chuyển quân tập kết ra Bắc. Đông nhất là gia đình cán bộ dân chính, bộ đội từ Sài Gòn và các nơi khác xuống Cà Mau trước. Sau đó, họ kéo bè dắt díu theo đơn vị của con em hành quân đến bến tàu chờ phút chót chia tay.

Tại ngã ba kinh Chắc Băng, địa phương đã rào xong một bến tàu dã chiến. Không cần phải làm cầu tàu bởi tàu há mồm (tàu chở quân đổ bộ của Pháp, chở khoảng trên dưới một tiểu đoàn) đến đón quân tập kết sẽ quay mũi cặp bờ rồi hạ bửng làm cầu.

Một cái lán rộng, dài mấy công đất được cất lên trên bãi đất rộng trên bờ kinh làm nơi tạm trú nắng mưa cho các đơn vị. Nhân sự đã vào khu này tức đã có trong danh sách của Ban chuyển quân chờ chuyến tàu há mồm của phía Pháp đến đón trung chuyển ra tàu lớn của Liên Xô, Ba Lan ngoài biển Vũng Tàu hoặc sông Ông Đốc đưa ra Bắc.

Ban chuyển quân

Bài 1: Đi hay ở đều vinh quang!

Bài 2: Lễ độc lập 2-9 ở khu tập kết

Bài 3: Đổi tiền Cụ Hồ

Đối diện bên kia kinh Chắc Băng là căn nhà lá rộng và mới lợp tươm tất làm trụ sở của Ban chuyển quân gồm các cơ quan tham mưu, công tác chính trị, liên lạc, chiêu đãi sở, căng-tin...

Ban chuyển quân trưng dụng cán bộ biết tiếng Pháp ở các đơn vị chiến đấu làm nhiệm vụ phiên dịch, gọi là sĩ quan chuyến. Sĩ quan chuyến mang băng đỏ in chữ Ban chuyển quân trực tiếp làm việc với sĩ quan Pháp đến thực hiện nhiệm vụ vận chuyển.

Theo kế hoạch, các chuyến trung chuyển cách nhau 7-10 ngày. Có điều thú vị là chỉ huy trưởng vận chuyển phía Pháp được cử đến là đại tá Le Duc. Cán bộ quân sự ta ở miền Tây quá rành cách điều quân của Le Duc.

Trước đình chiến, đại tá Le Duc là chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy hành quân 1 (OCO 1), thường xuyên dùng tàu há mồm đổ bộ bất ngờ, xua đám tiểu đoàn cơ động Viễn Đông (BMEO) càn quét, đốt phá, hãm hiếp phụ nữ và cũng rất say máu khi đụng trận với chủ lực ta. Thế nhưng bây giờ, đội tàu há mồm đó đến chở bộ đội Việt Minh, âu cũng là kỳ ngộ!

Đoàn tàu há mồm đi theo luồng lạch được bên ta chỉ dẫn khi vào trong vùng Việt Minh như biên bản đã thông qua giữa các bên tại Ủy ban Liên hợp đình chiến đóng bản doanh ở Phụng Hiệp (Ngã Bảy). Biên bản quy định cụ thể các điều khoản ngăn chặn hành vi khiêu khích hoặc nổ súng.

Chuyện vui dân văn nghệ

Ghe xuồng đến nơi buộc lại. Anh chị em hàng dọc tiến thẳng vào lán theo chỉ dẫn của cán bộ Ban chuyển quân.

Nhìn qua thấy các đơn vị bạn phục trang chỉnh tề (hầu như được gia đình tiếp tế). Nhiều chị em vắt áo len sặc sỡ trên tay, khăn quàng cổ đắt tiền vì nghe nói ngoài Bắc mùa đông rất lạnh. Mặt người nào người nấy hân hoan, hớn hở.

Tất cả nghỉ ngơi tại chỗ trong lán. Bỗng nghe tiếng ai đó hỏi: “Ủa, có hai “xây lố cố” (thằng nhỏ) trong đoàn nữa ta!”. Liền có tiếng trả lời: “Hai chút chít kia nghe nói kéo đờn cò Tây khá lắm. Nhạc sĩ Phan Nhân lãnh lịnh ông Bảy Bạch trưởng đoàn đi tuyển về đó”.

Nhạc sĩ Phan Nhân kể, đi rảo hết thị trấn Cà Mau hỏi thăm nhà hai cu cậu không ai biết. Lúc ấy đã xài hết 20 đồng bạc xanh (tiền Đông Dương) công tác phí rồi nhưng Phan Nhân cũng bấm bụng rấn vô trong sâu nữa mới kiếm đúng chóc nhà, rồi thỉnh cầu gia đình mới đồng ý giao hai nhóc cục cưng ra Bắc học nhạc.

Dọc đường đi sợ mấy “xây lố cố” nhớ nhà đòi về, nhạc sĩ Phan Nhân còn 80 đồng trong túi bỏ ra chiêu đãi thả giàn, thèm ăn gì cứ cho ăn, cuối cùng trình diện thủ trưởng được khen hoàn thành nhiệm vụ.

Họa sĩ Hoàng Tuyển lúc đó ở tuổi 42, nhiều người biết tiếng chuyên họa ảnh Bác Hồ, giãi bày: Ông được tổ chức phân công ở lại hoạt động vừa phụng dưỡng mẹ già vừa để lập gia đình với một cán bộ phụ nữ tỉnh đã hứa hẹn ngày giờ ra mắt.

Đang liên hoan từ giã bè bạn, Hoàng Tuyển bỗng nhận được công văn hỏa tốc quyết định ông quay lại đi ra Bắc với lý do: Đơn vị mới thành lập, tập trung nhiều nguồn, cần người phụ trách công tác Đảng có kinh nghiệm làm bí thư chi bộ.

Vậy là Hoàng Tuyển chấp hành mệnh lệnh quảy ba-lô đến trình diện. Ông chỉ bứt rứt một điều ngồi tại kinh Chắc Băng không biết làm cách gì để nhắn tin cho cô vợ ráng chờ thêm hai năm nữa.

Tháng 11-1954, chuyến tàu đầu tiên đưa cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc.
Tháng 11-1954, chuyến tàu đầu tiên đưa cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc.

Giã biệt xuống tàu

Có tiếng máy rì rầm từ xa vọng đến. Loa phóng thanh trên bãi báo tin đoàn tàu phía Pháp sắp đến, các đơn vị chuẩn bị. Ban phụ trách nhắc tập thể lần chót nội quy và tác phong đi đường. Từng khối đơn vị tiến ra sân.

Đoàn tàu há mồm cập bến, hạ bửng trên mép bờ kênh. Thủ tục bàn giao của nhà binh thật mau lẹ, có hai bên chứng kiến ký vô biên bản. Loa phóng thanh truyền lệnh các khối lần lượt xuống tàu.

Trên chòi lá cao nghệu như tháp canh dựng ở đầu doi ngã ba kinh Chắc Băng, bộ sậu quay phim điện ảnh khu 8 đang chĩa ống kính xuống đoàn quân. Lính mạch-lô (lính thủy) trên tàu há mồm một phen bất ngờ nhìn không chớp mắt. Quay phim Việt Minh là chuyện có thật chứ không phải tuyên truyền như các sếp từng nhật lệnh!

Nhạc quân hành trên loa phóng thanh rộn rã cùng lúc vang lên tiếng hô và biểu ngữ giương cao “Hòa bình muôn năm!”, “Việt Nam thống nhất muôn năm” của đồng bào đứng dọc hai bên bờ kinh tiễn đưa.

Tốp người xuống sau cùng tranh thủ trước lúc tấm bửng tàu kéo lên ngoái nhìn đồng bào, huơ huơ hai ngón tay (ý nói hai năm nữa sẽ gặp lại). Đồng bào cũng vẫy hai ngón tay đáp trả mà nước mắt nhòe nhoẹt từ lúc nào.

Tàu súp lê hàng loạt. Tấm bửng kéo lên rít theo tiếng sắt thép. Đoàn tàu rú máy rời bến, rống lên òng ọc từng cụm khói đen sì.

Trong khoang tàu chở văn công Nam bộ, nhạc sĩ Hoàng Mãnh tròng giây đeo accordéon vào vai, bấm nhạc hành khúc. Mọi người cùng cất cao tiếng hát hùng ca. Lính mạch-lô trên tàu lại trố mắt nhìn, quá đỗi ngạc nhiên khi thấy Việt Minh không chỉ là những tay súng mà còn có rất nhiều nghệ sĩ trẻ măng và xinh xắn, đâu phải đám dân nổi loạn như các sĩ quan tuyên truyền.

Theo Nghị quyết của Bộ Chính trị ngày 7- 9-1954, Trung ương Cục giải thể, thành lập Xứ ủy Nam bộ do đồng chí Lê Duẩn làm bí thư. Tháng 10-1954, Xứ ủy họp phiên đầu tiên tại Chắc Băng (Cà Mau), quyết định đổi tên gọi các phân, liên khu thành các liên tỉnh ủy và điều chỉnh lại địa bàn cho phù hợp với tình hình và nhiệm vụ mới.

Một lớp học đặc biệt mở tại Tân Duyệt (kế cận Cà Mau) trong ba tháng, từ ngày 31-10-1954 đến 31-1-1955. Lớp tập huấn cấp tốc cho 60 cán bộ y tế quán triệt tình hình, nhiệm vụ, phương thức đấu tranh trong giai đoạn mới và một số bài giảng tạo thế hợp pháp để vận động quần chúng đấu tranh.

Bế giảng khóa Văn Thùy, các học viên trở về địa phương, hòa vào các tổ chức công khai để tham gia phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân như biểu tình đòi thi hành Hiệp định Genève, đòi tôn trọng quyền tự do dân chủ, đấu tranh trực diện với bọn tay sai phản động...

MINH TRỊ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm