ADIZ: Uy lực mang màu sắc Trung Quốc

Sức mạnh của Trung Quốc trong suốt thời gian qua đang tăng lên một cách đáng kể và sức mạnh đó phải được thể hiện ra bên ngoài, đặc biệt tại các khu vực đang tranh chấp. Tại Hoa Đông, vùng kiểm soát trên thực tế nghiêng về phía Nhật Bản khi Senkaku/Điếu Ngư nằm dưới sự kiểm soát của người Nhật. Cán cân quân sự tại khu vực này là tương đối cân bằng hơn so với tại biển Đông.

Chiếm ưu thế về kiểm soát thực địa

Việc thiết lập ADIZ sẽ là động thái giúp Trung Quốc có thể có cơ hội kiểm soát thực địa tại khu vực mà Nhật Bản vốn đã thực hiện tốt hơn rất nhiều. Có thể nhận thấy rằng tại biển Đông, Trung Quốc yếu về pháp lý nhưng lại chiếm ưu thế rất lớn về kiểm soát thực địa. Tuy nhiên, tình hình tại Hoa Đông thì có phần ngược lại, khi Nhật Bản giành phần thắng trong quá trình hiện diện và thực thi chủ quyền tại khu vực tranh chấp.

Việc đưa ra ADIZ dường như là một bước đi đầy toan tính trong quá trình tuyên bố chủ quyền hoàn toàn đối với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở cả trên biển và trên không, thay vì quyền chủ quyền hạn chế đối với vùng biển ngoài lãnh hải. Thể hiện tham vọng bành trướng mạnh mẽ của Trung Quốc: Trước đây chỉ là biển, bây giờ là cả trên không.

Nhưng quan trọng nhất, việc đưa ra ADIZ còn giúp Trung Quốc có thể tăng cường triển khai hải quân và không quân trong khu vực tranh chấp, đồng thời đặt không quân và hải quân trong thế sẵn sàng, tạo ra ưu thế thời gian nếu xảy ra xung đột. Đây dường như là một bước chuẩn bị nhiều mục đích.

Bởi nếu thuận lợi, nó sẽ giúp Trung Quốc có thể tăng cường hiện diện quân sự và khả năng đối phó với không quân Nhật, trong khi vẫn giảm được sự phản đối của cộng đồng quốc tế. Còn trong trường hợp bất lợi thì sự hiện diện quân sự ở đây sẽ giúp Trung Quốc giảm thiểu thiệt hại nếu xảy ra xung đột quân sự với Mỹ-Nhật vốn đang gia tăng khả năng xảy ra do sự tăng nhanh chóng số lượng tàu thuyền và máy bay trong khu vực.

ADIZ: Uy lực mang màu sắc Trung Quốc ảnh 1

Máy bay quân sự của Nhật vẫn qua lại như thường lệ ở Hoa Đông trong phạm vi ADIZ Trung Quốc suốt mấy ngày qua mà không “xin phép, báo cáo” Bắc Kinh nhưng cũng chẳng hề hấn gì.

“Đánh gà dọa khỉ”

Đặc điểm thứ hai, Bắc Kinh mong muốn tạo một “cầu nối” giữa tuyên bố và hành động thực tế. Uy lực được tạo ra không nhắm tới Nhật Bản mà hướng trực tiếp tới người dân trong nước. Sau khi chính phủ Trung Quốc thể hiện mong muốn cải cách sau Hội nghị Trung ương 3 và việc tuyên bố hướng tới cái gọi là “giấc mơ Trung Hoa”, “cây gậy” lần này chứng minh là những nước nào dám thách thức giấc mơ Trung Hoa sẽ bị “trừng trị”.

Trong các kế sách của người Trung Quốc có hai chiêu “đánh gà dọa khỉ” và “dụ rắn rời hang”, Bắc Kinh đã áp dụng những kế sách đó cho trường hợp căng thẳng lần này. Trung Quốc tạo ra căng thẳng tại Hoa Đông với Nhật Bản cũng một phần nhằm răn đe các quốc gia ASEAN có liên quan tới các tranh chấp biển Đông, nói “đánh gà dọa khỉ” là vì thế. Đồng thời, Bắc Kinh cũng có ý định “thăm dò” các phản ứng của Mỹ, đồng minh quan trọng nhất của Nhật, đồng thời là cường quốc lớn nhất tại châu Á-Thái Bình Dương.

Cần nhắc lại rằng một trong những thành tố cốt lõi tạo nên cấu trúc an ninh tại khu vực chính là Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật. Nếu hiệp ước này được chứng minh là không có bất cứ tác dụng nào trong trường hợp này thì điều đó chứng tỏ bối cảnh an ninh khu vực đang dịch chuyển theo chiều hướng có lợi cho Trung Quốc.

Hơn thế nữa, việc Trung Quốc ngang nhiên thách thức liên minh Mỹ-Nhật-Hàn gián tiếp thể hiện sự đối đầu của Trung Quốc với chiến lược tái cân bằng của Mỹ, chiến lược được nhìn nhận sẽ kiềm chế và làm suy giảm tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Chiêu bài sức mạnh đằng sau ADIZ

Trong khi giới nghiên cứu đang tốn giấy mực về cơ sở pháp lý của việc hình thành ADIZ thì có một quan điểm cho rằng Trung Quốc đang đòi lại quyền kiểm soát, phù hợp với sức mạnh đang lên của nước này.

Quan điểm này cho rằng tất cả các vùng ADIZ đều không được quy định bởi bất cứ hiệp ước hay thỏa thuận quốc tế nào mà chỉ dựa vào ý chí và luật pháp của quốc gia thiết lập. Vì vậy, không một quốc gia nào có quyền hợp pháp trong việc ép buộc các quốc gia khác tuân thủ quy định của vùng ADIZ của họ, cũng như yêu cầu khai báo lịch trình bay.

Điển hình nhất trong các quốc gia đã áp dụng hệ thống ADIZ chính là Mỹ - siêu cường biển mạnh nhất thế giới với hệ thống ADIZ toàn diện nhất từ những năm 1950. Tuy nhiên, diện tích của năm vùng ADIZ của Mỹ không hề có quy chuẩn chung mà dựa vào nhu cầu và điều kiện của vùng biển thiết lập, nằm trong khoảng 250-400 hải lý tính từ bờ biển. Các phi công xâm nhập vào khu vực ADIZ với máy bay dân sự cần giữ liên lạc dựa trên tần số chính xác của cơ sở hàng không với bộ đàm hai chiều.

Tuy nhiên, dường như quy định của Mỹ về ADIZ đã cố tình bỏ quên việc phân biệt giữa máy bay dân sự và các loại máy bay khác mà chỉ định nghĩa về tuyến bay được cho phép. Theo đó, không ai được điều khiển máy bay vào bên trong một vùng ADIZ nếu không tuân thủ những nguyên tắc phòng thủ chuyến bay hữu hình (DVFR) - kế hoạch bay bao gồm thời gian và điểm xuyên qua vùng ADIZ. Bên cạnh đó, nếu một phi công điều khiển máy bay theo DVFR trong vùng ADIZ mà không duy trì được liên lạc radio hai chiều thì phi công đó cần thực hiện theo đúng kế hoạch bay tiêu chuẩn của DVFR hoặc hạ cánh ngay khi có thể.

Nhìn chung, dù các quy định còn mập mờ về sự bất khả xâm phạm của chủ quyền trước máy bay nước ngoài vận hành trong khu vực ADIZ của Mỹ nhưng nó vẫn thể hiện sự tôn trọng của Mỹ đối với quyền của các máy bay quân sự nước ngoài trong việc vận dụng quyền tự do biển sâu truyền thống trong vùng trời của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ).

Vùng ADIZ của Nhật Bản vốn đã được Mỹ thiết lập từ sau chiến tranh thế giới thứ hai và chuyển giao cho Nhật Bản vào năm 1969. Do đó, các nguyên tắc áp dụng trong vùng ADIZ này rất tương đồng với quy định ADIZ của Mỹ.

Cũng như Mỹ hay Hàn Quốc, Nhật Bản cũng yêu cầu máy bay di chuyển qua khu vực này đưa ra thông báo trước về mục đích xâm nhập để tránh nguy hại và đảm bảo quyền tự do trên không.

Tuy nhiên, quy định của Nhật đối với khu vực này lại khắt khe hơn đối với Trung Quốc khi Nhật Bản đã rất nhiều lần đột ngột gửi máy bay chiến đấu để cảnh cáo máy bay Trung Quốc vì xâm phạm khu vực của Nhật Bản, trong khi điều này chỉ được áp dụng với không phận trên đất liền.

Vùng ADIZ này càng ngày càng mở rộng về phía Trung Quốc và hiện nay, điểm xa nhất của nó chỉ còn cách bờ biển Trung Quốc 84 hải lý. Do đó, việc Trung Quốc thiết lập vùng ADIZ của riêng mình cũng chỉ là một sự trả đũa.

Mỹ sẽ đẩy mạnh “tái cân bằng”?

Vào 20-11-2013, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng - Susan Rice đã chính thức tuyên bố về tương lai chính sách đối ngoại Mỹ tại châu Á-Thái Bình Dương trong nhiệm kỳ 2 của Tổng thống Obama. Sau khi đã giải quyết xong các vấn đề nội bộ, đặc biệt là tăng trần nợ công và đóng cửa chính phủ, bà Rice cũng thông báo những kế hoạch của Obama để trở lại châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 4-2014.

Theo đó, dù sẽ tiếp tục xây dựng những nền móng cốt yếu cho các yếu tố nền tảng của lợi ích quốc gia nhưng Mỹ cũng có một thay đổi nhỏ khi “định nghĩa lại” ba mục đích cũ là an ninh, thịnh vượng và tự do thành bốn mục đích chủ đạo mới là tăng cường an ninh, lan tỏa sự thịnh vượng, cổ vũ những giá trị dân chủ và thúc đẩy chân lý, giá trị của con người. Thực chất, các mục tiêu chính của Chiến lược “tái cân bằng 2.0” cũng không khác nhiều so với giai đoạn trước:

- Tái khẳng định nỗ lực của Mỹ để gia tăng hiện diện tại châu Á-Thái Bình Dương.

- Tái đảm bảo các đồng minh và đối tác khu vực trong tiến trình thực hiện trách nhiệm của Mỹ tại khu vực.

- Xác nhận lại sự lãnh đạo của Mỹ tại khu vực.

“Tái cân bằng 2.0” có thể không chỉ là những lời tuyên bố suông. Trên thực tế, “tái cân bằng 2.0” chính là bước đi và đúng thời điểm để thực hiện tiếp tục chiến lược “tái cân bằng” mà Mỹ đã đưa ra từ năm 2011, hay còn được giới quan sát gọi là “tái cân bằng chính nó”. Vì dù đã tuyên bố từ năm 2011 nhưng cho đến nay, Mỹ mới có thể giải quyết “khoảng trống tinh thần” của các đồng minh châu Âu với Hiệp định đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP); cũng như tạm bình ổn các vấn đề tại Trung Đông để có thể tập trung vào châu Á.

Nhưng quan trọng nhất, bước đi này của Mỹ là nhằm đối phó với sức mạnh đang gia tăng và ảnh hưởng từ những chính sách khu vực mới của Trung Quốc, bao gồm việc tăng cường chính sách với các nước láng giềng, thúc đẩy “con đường tơ lụa” mới xuyên qua đất liền và biển cũng như các chính sách cứng rắn tại Đông Á. Vì vậy, điều chắc chắn sẽ xảy ra từ tháng 4-2014 chính là sự tăng tốc thực hiện chiến lược và tập trung nguồn lực mạnh mẽ của Mỹ vào châu Á-Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, việc chính thức tập trung chiến lược hoàn toàn vào khu vực này cũng đã dẫn đến những chuyển biến quan trọng trong cách hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra. Theo đó, nước Mỹ sẽ giảm bớt các động thái nhạy cảm do các biện pháp an ninh, quân sự gây ra, thay vào đó là tăng cường các phương thức chính trị mềm dẻo và chậm rãi.

Điều này không chỉ giúp giảm căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc mà còn giúp các đồng minh bậc trung của Mỹ như Úc, Hàn Quốc, Singapore,… “dễ thở” hơn khi nằm giữa ảnh hưởng của hai cường quốc hàng đầu thế giới. Thêm vào đó, Mỹ cũng sẽ dễ dàng tiếp cận các nước trong khu vực giữa bối cảnh xu hướng chuyển biến chính trị đang xảy ra mạnh mẽ tại khu vực.

VŨ THÀNH CÔNG - NGUYỄN THẾ PHƯƠNG (IRYS)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm