31 năm sự kiện Gạc Ma: Mãi không quên!

Những ngày tháng 3 này, Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma bên bờ biển Bắc bán đảo Cam Ranh thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) lại đón hàng ngàn người. Họ đến viếng, thắp hương cho 64 liệt sĩ đã hy sinh khi bảo vệ chủ quyền Tổ quốc tại đá Gạc Ma (thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam) 31 năm trước (14-3-1988 – 14-3-2019).

Thiêng liêng trước “Vòng tròn bất tử”

Nhiều người nghẹn ngào khi đứng trước tượng đài “Những người nằm lại phía chân trời” mang biểu tượng “Vòng tròn bất tử”. Tượng đài được tạo thành từ hình ảnh 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đá Gạc Ma khi đối mặt với quân Trung Quốc 31 năm trước.

Cụ Hà Thị Liên (92 tuổi, ngụ huyện Can Lộc, Hà Tĩnh), mẹ liệt sĩ Đào Kim Cương, nghẹn ngào nhìn di ảnh con cùng đồng đội được tạc trên bia mộ gió. Bà ôm ngực, lặng người: “Các con đã được lo chốn đi về, tôi cũng yên lòng”.

Nhiều du khách đến đây với lòng thành kính tri ân, tưởng nhớ đến các chiến sĩ. Ai cũng dành một phút mặc niệm trước khi dâng hương tại nơi đặt viên đá đầu tiên khởi công xây dựng công trình và cụm tượng đài chính.

Ngày 13-3, tại Hà Tĩnh, đông đảo cựu binh và thân nhân liệt sĩ trên chuyến tàu HQ 604, một trong hai tàu bị Trung Quốc bắn chìm ở đá Gạc Ma 31 năm trước, đã cùng về bãi biển Thiên Cầm (xã Cẩm Nhượng, huyện Cẩm Xuyên) dâng hương, thả hoa đăng và cùng nhau tưởng nhớ, tri ân các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Cựu binh Lê Hữu Thảo, trưởng Ban liên lạc (ở Hà Tĩnh), chia sẻ: “Ban liên lạc cựu chiến binh Gạc Ma - HQ 604 tổ chức lễ này để tưởng nhớ đến các đồng chí đồng đội, các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh khi đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Tổ quốc. Đồng thời, động viên an ủi, xoa dịu bớt phần nào nỗi đau mất mát của các gia đình thân nhân liệt sĩ và các cựu chiến binh ngày ấy may mắn sống sót”.

Cựu binh Trần Thiên Phụng (55 tuổi, trú TP Đông Hà, Quảng Trị) đứng trầm ngâm trước biển Thiên Cầm, dõi mắt nhìn từng con sóng vỗ, nhớ đồng đội của mình. Trong số 64 liệt sĩ hy sinh khi bảo vệ Gạc Ma, anh Phụng có nhiều kỷ niệm nhất với liệt sĩ Hoàng Ánh Đông. Bởi vì anh Đông là bạn học THPT và cùng viết đơn, cùng nhập ngũ vào một ngày nhưng người bạn thân thiết ấy đã nằm lại ở Gạc Ma trong cuộc đối đầu không cân sức 31 năm trước. Mẹ Nguyễn Thị Hằng (mẹ liệt sĩ Hoàng Ánh Đông) năm nay lần đầu tiên ra dự lễ với đồng đội của con ở bên biển Thiên Cầm.

Các chiến sĩ hôm nay đang tưởng nhớ các chiến sĩ Gạc Ma đã ngã xuống bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: NV

Mẹ Hà Thị Liên và mẹ Hoàng Nghĩa Thuận cùng bày tỏ mong muốn được một lần ra Trường Sa, đi qua nơi các con mình đã chiến đấu và hy sinh cho Tổ quốc. Ảnh: ĐẮC LAM

“Mẹ mong một lần được ra Trường Sa”

Chị Trần Thị Liễu (vợ liệt sĩ Nguyễn Hồ Phong, ở Quảng Bình) xúc động chia sẻ: “Thương nhớ các anh, chúng tôi đã và đang vượt qua khó khăn. Ngày ấy anh hy sinh rồi tôi gồng gánh nuôi hai con vất vả, cực nhọc lắm. Nay hai con trai của vợ chồng tôi đã trưởng thành. Con thứ hai đã vào hải quân bảo vệ vùng biển của Tổ quốc”.

Cựu binh Hồ Văn Ba (ở Quảng Bình) bồi hồi nhớ: “Ngày ấy tôi được cử ra xây dựng đảo, rồi may mắn sống sót trở về lập gia đình. Hơn 30 năm nay, tôi tiếp tục bám biển làm ngư dân. Những lúc đi đánh cá trên biển, tôi thương đến ứa nước mắt những đồng đội của mình chưa tìm được hài cốt đưa về đất liền. Nhiều lần đứng trên biển, tôi tâm sự với hương hồn đồng đội và như thấy anh em mình hiện về...”.

Mẹ Hoàng Nghĩa Thuận (mẹ liệt sĩ Nguyễn Thanh Hải) nói: “Ngày ấy mặc dù bố là thương binh nặng ngồi một chỗ, Hải đang học THPT nhưng quyết tâm viết đơn xin đi bộ đội. Hải hy sinh khi chưa có mảnh tình nào trong đời. Mẹ mong một lần được ra Trường Sa, được đi qua nơi con hy sinh. Mẹ nhớ con lắm!”.

Cũng như mẹ Thuận, mẹ Liên và nhiều mẹ khác đều bày tỏ mong muốn được ra Trường Sa, đi qua nơi các con đã nằm xuống.

Dõi mắt ra biển, chị Trần Thị Liễu khấn nguyện: “Các anh, các bác, các chú liệt sĩ hãy yên nghỉ. Chúng tôi ở đất liền luôn nhớ các anh hùng liệt sĩ và luôn cố gắng giáo dục các con tiếp bước con đường các anh, dốc sức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam ta”.

63.000 lượt khách đến viếng Khu tưởng niệm Gạc Ma

Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma được xây dựng trên diện tích 4,5 ha trên bờ biển phía Bắc bán đảo Cam Ranh thuộc xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa). Công trình do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với tỉnh Khánh Hòa tổ chức lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng vào ngày 13-3-2015, khánh thành ngày 15-7-2017.

Trung tâm của khu tưởng niệm là cụm tượng đài mang biểu tượng “Vòng tròn bất tử” được tạo thành từ hình ảnh 64 chiến sĩ nắm tay nhau quyết tâm bảo vệ lá cờ Tổ quốc khẳng định chủ quyền Việt Nam tại đá Gạc Ma (quần đảo Trường Sa) trước sự xâm chiếm của Trung Quốc ngày 14-3-1988. Cụm tượng đài này cao hơn 15 m, ngang 12 m, có bán kính 7 m với chín nhân vật tượng trưng cho các chiến sĩ hải quân.

Trong giai đoạn 1, ngoài cụm tượng đài, nhiều hạng mục khác đã xây dựng hoàn thành như Bảo tàng ngầm lịch sử Gạc Ma là nơi trưng bày các hiện vật về biển đảo - kỷ vật của 64 chiến sĩ đã hy sinh ở Gạc Ma; khu mộ gió với họ tên, quê quán của 64 liệt sĩ hy sinh ở đảo Gạc Ma; quảng trường Hòa Bình hướng về biển Đông, khu mộ gió, ba đường lên cụm tượng đài dành cho người đi bộ, người khuyết tật, xe điện; hệ thống cây xanh, ánh sáng… Tổng kinh phí giai đoạn 1 khoảng 150 tỉ đồng do đoàn viên công đoàn, người lao động cả nước đóng góp.

Đến nay khu tưởng niệm đã đón 1.247 đoàn với hơn 63.000 lượt khách đến viếng khu tưởng niệm. Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma cũng là địa điểm được lựa chọn của hơn 100 trường học trong và ngoài tỉnh đến sinh hoạt truyền thống yêu nước. Các em đến đây được nghe các cựu binh kể chuyện về sự kiện ngày 14-3-1988 và sự hy sinh anh dũng của 64 liệt sĩ bảo vệ đá Gạc Ma.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm