Chính thức xóa sổ nạn kẹt xe trên tuyến đường Kha Vạn Cân

Có mặt từ rất sớm, vợ chồng ông Đặng Hữu Dũng (phường Tam Phú, quận Thủ Đức) cho biết công việc của cả hai thường xuyên phải đi qua đường Kha Vạn Cân (để vào quận Tân Bình). Hằng ngày phải vất vả chen lấn trên đường Kha Vạn Cân gồ ghề, bụi bặm nên ông rất trông chờ đoạn đường này được đưa vào sử dụng.

 Lãnh đạo Sở GTVT và nhà thầu thi công đang lắp đặt bổ sung một vài điểm nhằm đảo bảo an toàn giao thông trước giờ thông xe. Ảnh: MP

Đoạn vừa được thông xe kể trên thuộc dự án Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - vành đai ngoài (gọi tắt là đường vành đai Tân Sơn Nhất) có tổng chiều dài hơn 13km. Như vậy, tính đến nay, chiều dài của dự án đã hoàn thành (lấy tên đường là Phạm Văn Đồng) được 6,6 km, góp phần giải quyết ách tắc ở cho khu vực cửa ngõ phía Đông của TP.HCM.

Trong đó, đoạn được thông xe vào sáng 28-9, với nơi nhỏ nhất cũng lên đến 10 làn xe (trong đó có hai làn xe máy/một chiều) đã chính thức xóa sổ nạn ùn ứ trên tuyến đường Kha Vạn Cân thời gian gần đây.

 Đường rộng thênh thang, với một chiều ít nhất cũng có đến bốn làn xe (hai làn dành cho ô tô và hai làn dành cho xe máy). Ảnh: MP

Trong khi trước đó, tất cả các loại xe phải “nén” trên một làn đường ở một chiều và cảnh ùn ứ như thế này thường xuyên xảy ra. 

Ông Trần Quang Lâm, Phó Giám đốc Sở GTVT, cho biết: “Dù đoạn đường này còn một số hạng mục phải hoàn chỉnh nhưng chúng tôi đã đề nghị chủ đầu tư là Công ty GS E&C (Hàn Quốc) sớm đưa vào sử dụng để phục vụ người dân”.

Ngay sau khi thông xe, đường Kha Vạn Cân (bên trái) đoạn từ trước khu vực cá sấu Hoa Cà đến đường Hiệp Bình đã được đóng lại để nâng cấp. 

Cũng qua hình ảnh vừa nêu, chúng ta dễ nhận ra giữa đường Kha Vạn Cân và đường Phạm Văn Đồng là một khoảng đất trống. Thực tế, đường Kha Vạn Cân chạy song song với đường Phạm Văn Đồng có chiều dài gần 5km và khoảng cách của hai đường này không nhiều. Do vậy, có ý kiến thắc mắc tại sao không “vẽ” dự án đường vành đai Tân Sơn Nhất trùng với đường Kha Vạn Cân để không quá tốn kém cho chi phí giải phóng mặt bằng?

Ông Trần Quang Lâm lý giải, cập bên hông đường Kha Vạn Cân là đường ống cấp nước chính của TP.HCM (đường ống có tiết diện 1,5m) và việc di dời tuyến đường ống này không thực hiện được. Do vậy phải xây dựng tuyến đường mới độc lập để “né” đường ống cấp nước.

“Chủ đầu tư của dự án đường Tân Sơn Nhất - Bình Lợi - Vành đai ngoài sẽ sửa chữa, dặm vá tuyến đường Kha Vạn Cân. Dự kiến sau đó, đây sẽ là một tuyến đường song hành, được bố trí thành đường cho các loại xe hỗn hợp lưu thông” - ông Lâm nói.

Tuy nhiên, do tuyến đường sắt Bắc - Nam chạy dọc theo đường Kha Vạn Cân nên việc sửa chữa chủ yếu là dặm vá, thảm nhựa và nâng ở một số đoạn cục bộ với mức độ thấp để đường Kha Vạn Cân không quá cao, làm nước tràn vào tuyến đường sắt. “Hệ thống chiếu sáng, cáp quang dọc đường Kha Vạn Cân cũng được hạ ngầm; đồng thời ở vị trí của tuyến ống cấp nước sẽ được trồng cỏ, cây xanh để tạo mảng xanh cho tuyến đường Phạm Văn Đồng” - ông Lâm thông tin thêm.

Theo ghi nhận của phóng viên, trong buổi sáng thông xe, tại một số điểm cắt ngang đường Phạm Văn Đồng tình trạng giao thông khá lộn xộn, đặc biệt ở tiểu đảo được lắp tạm tại vị trí từ đường Hiệp Bình băng qua. Nguyên do một phần do đường Phạm Văn Đồng cao hơn 1m so với đường Kha Vạn Cân (và Hiệp Bình) nên người dân cần lưu ý khi lưu thông qua đoạn này.

 \ Độ dốc giữa đường Phạm Văn Đồng và Hiệp Bình khá cao. Ảnh: MP

Thực tế tại đây chỉ sau một thời gian ngắn đã xảy ra sự cố một chiếc xe chở rác (loại bị cấm lưu thông) từ đường Hiệp Bình vào đường Phạm Văn Đồng bị tuột dốc, dù đã rồ hết ga. Rất may đã không gây thương vong về người hay thiệt hại về tài sản.

 Một CSGT đã có mặt tức thì hỗ trợ trong sự cố chiếc xe máy lôi “rờ mọt” tự chế (cấm lưu thông) bị tuột dốc. Ảnh: MP

Không lâu sau đó, cũng tại tiểu đảo gần nơi xảy ra sự cố tuột dốc đã xảy ra một vụ va chạm giữa hai chiếc ô tô chạy cùng chiều mà nguyên nhân do các lái xe lúng túng khi vào tiểu đảo tạm trên đường Phạm Văn Đồng.

Ở một vị trí khác là vị trí khi xuống cầu vượt quốc lộ 13 (theo hướng từ Bình Thạnh đi Thủ Đức) và ở điểm lên cầu Bình Lợi (theo hướng từ Thủ Đức đi Bình Thạnh) đã được thông xe nhưng theo quan sát của phóng viên cũng dễ xảy ra va chạm giữa ô tô và xe máy do có sự giao cắt của hai loại xe này. Do vậy, người tham gia lưu thông cần quan sát kỹ khi đến vị trí trên.

Tương tự, người dân cũng cần lưu ý về làn đường lưu thông và tốc độ giới hạn khi chạy trên tuyến đường Phạm Văn Đồng, theo đó, tốc độ tối đa của ô tô là 60km/giờ và của xe máy là 40km/giờ.

 Biển báo phân chia làn đường và tốc độ. Ảnh: MP

Liên quan đến tuyến đường Phạm Văn Đồng rất thông thoáng, hiện đại, nhiều người cũng thắc mắc liệu rằng sau khi hoàn thành toàn tuyến có phải đóng phí không?

Xin được khẳng định ngay là không (nếu bỏ qua các trạm thu phí phụ của dự án cầu đường Bình Triệu) vì dự án này được Công ty GS E&C đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao). Chủ đầu tư đã bỏ ra gần 495 triệu USD, trong đó chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng trên 280 triệu USD và được TP.HCM giao lại quỹ đất sạch ở một số nơi như quận 10, quận 7… để khai thác, hoàn vốn đầu tư.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm