Chính thức: TP.HCM tiếp tục giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thêm 14 ngày

Sáng 14-6, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đã họp về tình hình dịch bệnh trên địa bàn.

Tham dự cuộc họp có ông Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: TTBC

Phát biểu kết luận cuộc họp, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã quyết định tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội toàn TP.HCM theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng Chính phủ thêm hai tuần nữa. Thời gian giãn cách trong 14 ngày, kể từ ngày 15-6.

Riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) chuyển từ thực hiện Chỉ thị 16 xuống thực hiện Chỉ thị 15, bắt đầu từ ngày 15-6.

Tùy thuộc vào diễn biến của dịch bệnh trong tuần tới, một số nơi có thể chuyển sang thực hiện Chỉ thị 16 hoặc Chỉ thị 19 của Thủ tướng Chính phủ.

Lý do đưa ra quyết định này, ông Nguyễn Thành Phong cho rằng sau hai tuần giãn cách xã hội, tình hình dịch vẫn còn diễn biến phức tạp, còn mầm bệnh trong cộng đồng.

Theo ông Phong, đến nay ổ dịch Điểm nhóm truyền giáo Hội thánh Phục Hưng và từ ổ dịch này đã lây lan ra nhiều ổ dịch khác trong cộng đồng nhưng tất cả đã được kiểm soát. TP.HCM cũng chưa ghi nhận có sự lây lan dịch bệnh trong các khu công nghiệp, khu chế xuất.

Tuy nhiên, từ 2-6 đến nay còn phát hiện nhiều chuỗi lây nhiễm chưa rõ nguồn lây. Từ khám sàng lọc bệnh viện, TP.HCM đã phát hiện nhiều ca bệnh trong cộng đồng.

Trước đó, phát biểu tại cuộc họp, ông Nguyễn Văn Nên, Bí thư Thành ủy TP.HCM, cho rằng mặc dù TP đã dồn hết sức thực hiện tất cả các biện pháp phòng chống dịch, tập trung mọi nguồn lực với quyết tâm cao nhất nhưng đến nay vẫn còn nhiều điều đáng lo, đáng ngại.

Trong đó, đáng chú ý là số người thuộc diện F1 và F2 phải cách ly số lượng càng ngày càng lớn, trong khi bên ngoài xã hội không biết bao nhiêu và ở đâu số người âm thầm mang mầm bệnh chưa phát hiện được. Số người bệnh rất nặng cũng đang tăng dần.

Nhiều chuỗi lây nhiễm trong cộng đồng chưa xác định được nguồn lây và một số chuỗi vừa mới phát hiện chưa kịp truy vết. Nhiều trường hợp phát hiện khi bộc phát, nhiều khả năng chưa có triệu chứng, âm thầm lây nhiễm rất khó đoán định. Trong khi chúng ta không thể phát hiện được trong giai đoạn này.

Cùng đó là ngày càng xuất hiện những ca nhiễm không ngờ, do chủ quan, lơ là và mất cảnh giác. Từ một người bán nước giải khát nhiễm bệnh đã lây cho rất nhiều người.

“Từ một nhân viên hành chính ở một bệnh viện nhiễm bệnh đã gây nguy hiểm cho một thành trì, đơn vị có thành tích tiêu biểu ở tuyến đầu chống dịch” – ông Nên nói và cho rằng còn “nhiều chuyện nữa nhưng không thể kể hết” mà báo chí đã đưa tin.

Theo ông Nên, tình hình trên đặt cho TP.HCM một thử thách rất lớn, đó là biện pháp nào để kiểm soát được dịch bệnh, đồng thời phục hồi sản xuất để thực hiện có hiệu quả mục tiêu kép.

Do vậy, người đứng đầu Thành ủy TP.HCM cơ bản thống nhất với đề xuất: Vừa nới giãn cách vừa tăng cường các hoạt động phòng chống dịch có hiệu quả hơn nữa. Ông cũng thống nhất với các giải pháp mà Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP.HCM đưa ra.

“Theo tôi, chúng ta cần thiết phải tiếp tục kéo dài giãn cách toàn TP.HCM một thời gian nữa, tương ứng với chu kỳ lây nhiễm của chủng biến thể mới, để có đủ thời gian và điều kiện yên tâm quyết định các vấn đề” - ông Nên nói.

Trước đó, khi đề xuất tiếp tục giãn cách xã hội trên toàn TP.HCM, ông Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho rằng các mầm bệnh COVID-19 vẫn đang âm thầm trong cộng đồng.

“Nếu gỡ bỏ giãn cách sẽ tạo điều kiện cho mầm bệnh tiếp tục có cơ hội lớn để phát tán và lây lan. Thời gian hai tuần bằng với thời kỳ ủ bệnh, do đó áp dụng giãn cách trong thời gian này sẽ hạn chế khả năng lây nhiễm của virus SARS-CoV-2” – ông Bỉnh nói.

Ông Bỉnh đề nghị giãn cách xã hội nghiêm túc ở tất cả các lĩnh vực theo đúng chỉ đạo của TP.HCM, đồng thời áp dụng 5K một cách nghiêm chỉnh và đầy đủ hơn.

Chỉ thị 15 của Thủ tướng ký ngày 27-3-2020 có các nội dung đáng chú ý

Chủ tịch UBND cấp tỉnh chỉ đạo áp dụng biện pháp hạn chế tụ tập đông người (TP.HCM đã áp dụng nhiều nội dung trong các văn bản chỉ đạo gần đây). Cụ thể như sau:

Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2 m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chủ tịch UBND tỉnh, TP trực thuộc Trung ương quyết định cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa.

Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, TP có dịch đến các địa phương khác. Bộ GTVT chỉ đạo hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ TP Hà Nội, TP.HCM đến các nơi khác trên toàn quốc. Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa...

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm