Chính sách hạn điền là trở ngại lớn nhất cho việc tích tụ ruộng đất

Ngày 8-12, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng chủ trì Hội nghị trực tuyến giữa Ban Kinh tế Trung ương với tỉnh Đồng Nai, tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ về việc tổng kết Nghị quyết số 26/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá X về Nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Nghị quyết 26).

Cần xóa bỏ quy định về mức hạn điền

Báo cáo tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Phi cho hay toàn tỉnh Đồng Nai có hơn 1.600 ha diện tích cây trồng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn GAP và tương đương; trên 80% diện tích cây trồng ứng dụng giống chất lượng tốt và chế phẩm sinh học trong sản xuất. Đặc biệt, có 105 mã số vùng trồng, trong đó 38 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu đi thị trường Mỹ, Úc, New Zealand, EU, Thụy Sỹ.

Ban Kinh tế Trung ương với tỉnh Đồng Nai, tỉnh An Giang và TP. Cần Thơ về việc tổng kết Nghị quyết số 26 về "tam nông". 

Để “tam nông” phát triển bền vững, ông Phi kiến nghị nhà nước cần đầu tư hạ tầng giao thông kết nối vùng (Bình Thuận, Bà Rịa Vũng Tàu, TP. HCM). Đồng thời, có chính sách kêu gọi, thu hút BOT, tư nhân, các thành phần kinh tế khác vào nông nghiệp, nông thôn và đầu tư hơn nữa cho xử lý môi trường.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Trần Anh Thư thông tin đã có hàng loạt doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Trường Hải, Lộc Trời… đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp tại tỉnh, với số vốn lên tới hơn 10.000 tỉ đồng. Theo ông Thư, nhà nước cần có các dự án, chương trình hỗ trợ cho nông dân thuộc vùng quy hoạch giữ đất lúa để đảm bảo sản xuất có lợi, nâng cao thu nhập.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang sau đó nêu hàng loạt kiến nghị như miễn thuế GTGT 5% đối với mặt hàng gạo tiêu thụ nội địa, có hướng dẫn tháo gỡ vốn tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân…

“Đặc biệt, cần xóa bỏ quy định về mức hạn điền, có chính sách ưu đãi hơn để khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như chính sách giao đất, cho thuê đất, thuế, tín dụng”- ông Thư nói và cho rằng chính sách hạn điền là trở ngại lớn nhất cho việc tích tụ, tập trung ruộng đất.

“An Giang đang thí điểm Nhà nước là trung gian để kết nối những nông dân có đất nhỏ lẻ, sản xuất không hiệu quả cho doanh nghiệp thuê dài hạn. Đây là mô hình hiệu quả nhưng chưa có các quy định để triển khai và xử lý các tranh chấp nếu có phát sinh”- ông Thư chia sẻ. 

Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Nguyễn Ngọc Hè đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai, hoàn thiện chính sách về thu hồi đất, bồi thường, tái định cư; các quy định về chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, tạo điều kiện cho việc tập trung, tích tụ đất đai…

“Vấn đề tích tụ ruộng đất đang được đề xuất như một chính sách khuyến khích nông nghiệp nhưng Luật Đất đai hiện hành quy định có thể mua gấp 10 lần theo hạn mức”- nguyên Bộ trưởng NN&PTNT Cao Đức Phát nói và đặt vấn đề việc tích tụ ruộng đất (nếu được tính đến) cần phải "mở" ở mức bao nhiêu để phù hợp với nhu cầu hiện nay?

Sẽ có Nghị quyết mới về “tam nông”

Kết luận hội nghị, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng băn khoăn khi các địa phương có tiềm năng phát triển nông nghiệp lại đặt mức tăng trưởng nông nghiệp thấp hơn so với chỉ tiêu tăng trưởng chung (trên dưới 3%). "Phát triển khu vực nông nghiệp gắn công nghiệp dịch vụ, làm sao ly nông không ly hương, lời giải ở đâu?"- ông Hưng đặt câu hỏi.

Phó Trưởng ban kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng

Ông Hưng cũng thực tế cơ chế thu ngân sách hiện nay đang tạo áp lực lớn cho các tỉnh. Do phát triển thuần nông rất khó khăn, nhiều địa phương phải triển khai dự án công nghiệp, đô thị để tăng thu. "Chính sách làm sao hài hòa lợi ích người dân và lợi ích chung, trong đó có thu ngân sách "- ông Hưng nói.

Nhấn mạnh tam nông là “địa bàn” chiến lược của Đảng, Nhà nước trong 13 năm qua và tiếp tục là “trụ đỡ” của nền kinh tế, ông Hưng cho biết Nghị quyết Đại hội XIII đặt mục tiêu "xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh". Bước đi, biện pháp cụ thể phải là chuyển đổi số, ứng dụng khoa học công nghệ, đầu tư sản xuất lớn, chế biến sâu…

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, vừa qua các địa phương đã quan tâm, đầu tư phát triển hạ tầng mà chưa quan tâm nhiều đến vấn đề sinh kế. Không chỉ ba tỉnh, thành trên mà các địa phương khác cũng rơi vào tình trạng ly hương.

“Phải làm cách nào tạo sinh kế cho người dân tại quê nhà. Đây là bài toán tổng thể từ đào tạo nhân lực, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn, nông nghiệp”- ông Hưng nói.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết theo kế hoạch, tháng 5-2022, Hội nghị Trung ương sẽ cho ý kiến báo cáo tổng kết 13 năm thực hiện Nghị quyết 26 và dự thảo nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 26.

“Thành quả mong manh”

Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế trung ương) Nguyễn Tú Anh cho rằng kết quả từ chính sách đối với tam nông trong thời gian qua là rất đáng ghi nhân nhưng “thành quả vẫn mong manh”. Ông Tú Anh nêu thực tế vừa qua, do tác động của dịch COVID-19, người nông dân dễ bị tổn thương lại càng tổn thương hơn, ngay cả những người dân đã ly nông, ly hương.

Dẫn chứng, ông Tú Anh nêu tỉ lệ người lao động mất việc làm lên tới hơn 3 triệu người, một bộ phận không nhỏ trong số này đã phải quay trở về quê hương nhưng khu vực nông thôn chỉ có khả năng “hấp thụ” chưa đến 500.000 việc làm.

"Dòng lao động di cư ngược tạo ra sức ép lớn trong đời sống người nông dân ở quê nhà”- ông Tú Anh nói và cho rằng việc phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn cần đặt trong kế hoạch tổng thể chung cả nền kinh tế. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm