Chính quyền treo nợ 57 tỉ, doanh nghiệp vật vã

Công ty Xây dựng Cần Thơ (nay là Công ty CP Xây dựng Cần Thơ - công ty) đang yêu cầu Hậu Giang thanh toán gần 57 tỉ đồng mà tỉnh nợ ba năm nay. Việc nợ nần này đang đẩy công ty vào nguy cơ phá sản…

Hợp tác theo mời gọi của chính quyền

Năm 2005, tỉnh Hậu Giang thống nhất chủ trương giao 15,6 ha cho công ty làm chủ đầu tư dự án khu tái định cư khu hành chính Tỉnh ủy Hậu Giang. Theo chủ trương, công ty ứng vốn thực hiện dự án, sau đó giao lại toàn bộ lô nền, tỉnh sẽ thanh toán lại cho nhà đầu tư.

Đến cuối năm 2005, tỉnh Hậu Giang có quyết định thu hồi đất, giao công ty giải phóng mặt bằng, xây dựng công trình theo quy hoạch chi tiết 1/500 được duyệt. Công ty ứng vốn trước 100% tiền bồi thường, đầu tư cơ sở hạ tầng…

Đến năm 2008, tỉnh Hậu Giang chính thức có quyết định giao đất gồm hơn 9 ha đất ở, gần 0,5 đất xây nhà trẻ, hơn 0,8 ha đất công viên cây xanh và gần 5 ha đất giao thông và hạ tầng kỹ thuật cho công ty thực hiện dự án. Theo đó, sau khi hoàn thành xong cơ sở hạ tầng, được các cơ quan chức năng nghiệm thu, công ty bàn giao lại toàn bộ số lô nền cho thị xã Vị Thanh (nay là TP Vị Thanh) để bố trí tái định cư, diện tích đất ở còn lại sẽ bố trí cho cán bộ, công chức về công tác tại Hậu Giang…

Đến năm 2009, Phòng Quản lý đô thị Vị Thanh có biên bản nghiệm thu, bàn giao 211/251 nền tái định cư cho TP Vị Thanh, phần đất nhà trẻ, đất công viên cây xanh đã san lấp, làm một phần đường giao thông theo quy hoạch, công ty đã nộp tiền sử dụng hơn 6,6 ha đất.

Một góc dự án tái định cư khu hành chính Tỉnh ủy Hậu Giang. Ảnh: G.TUỆ

Đứt gánh giữa đường

Theo ông Vũ Tất Dậu, Tổng Giám đốc Công ty CP Xây dựng Cần Thơ, thời điểm 2009-2010 khi hoàn tất việc san lấp mặt bằng thì hàng loạt hộ tái định cư theo danh sách do TP Vị Thanh chuyển qua không đến ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và nộp tiền cho công ty, chỉ có 54 hộ đến làm thủ tục. Công ty cũng nhiều lần gửi văn bản cho UBND tỉnh Hậu Giang, yêu cầu gửi danh sách cán bộ, công chức có nhu cầu mua đất nhưng không nhận được. Vì vậy, công ty đề nghị điều chỉnh phương thức thực hiện dự án là công ty chi trả toàn bộ chi phí dự án, thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai và kinh doanh toàn bộ lô nền đất ở (phân lô bán nền).

Tháng 6-2010, tỉnh Hậu Giang có văn bản thống nhất chủ trương cho công ty thực hiện phương án trên nhưng Sở KH&ĐT lại đề nghị công ty xây nhà để bán. “Thời điểm đó, chúng tôi không thể thực hiện yêu cầu của Sở KH&ĐT vì vốn đã bỏ ra để thực hiện giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng chưa thu hồi. Hơn nữa nếu đầu tư thêm vốn để xây nhà, chưa chắc kinh doanh khai thác được và nguy cơ dẫn đến phá sản” - ông Dậu nói.

Không thống nhất phương thức kinh doanh nên công ty đề nghị tỉnh Hậu Giang thu hồi dự án và giữa năm 2013, Hậu Giang ban hành quyết định thu hồi phần đất đã giao cho công ty với lý do: “Tiến độ thực hiện dự án chậm, công ty không thể tiếp tục thực hiện dự án và công ty có văn bản đề nghị tỉnh giao dự án cho nhà đầu tư khác để hoàn vốn lại cho công ty”.

Sau đó các cơ quan chức năng tính toán tổng giá trị còn lại trên đất và tiền sử dụng đất của dự án (thời điểm tháng 6-2013 là trên 92,7 tỉ đồng). Phần kinh phí công ty phải hoàn trả ngân sách là hơn 14 tỉ đồng, gồm kinh phí ngân sách đã chi cho công ty đối với phần đất nhà trẻ, công viên cây xanh và kinh phí công ty thu của 54 hộ dân được cấp nền tái định cư. Công ty thống nhất con số này và đề nghị tỉnh tạm ứng một phần ngân sách để hoàn trả cho công ty.

Tỉnh Hậu Giang sau đó giao cho UBND TP Vị Thanh làm chủ đầu tư các hạng mục còn lại của dự án, đồng thời khai thác các lô nền để hoàn thiện các hạng mục còn lại của dự án, hoàn ứng cho ngân sách và chi trả cho công ty.

Có tiền nhưng chưa trả

Đến tháng 3-2015, TP Vị Thanh đã chuyển được cho công ty tổng cộng 15 tỉ đồng và đến cuối tháng 11-2017, phía UBND TP Vị Thanh mới chuyển trả tiếp 6 tỉ đồng và yêu cầu phía công ty phải hoàn trả ngân sách hơn 14 tỉ đồng như thỏa thuận, đồng thời đóng hơn 5 tỉ đồng tiền sử dụng đất của 28 lô nền trước đó công ty đã chuyển nhượng.

Phía TP Vị Thanh cũng “ra điều kiện” công ty phải thực hiện các nghĩa vụ này thì sẽ xem xét chi trả kinh phí còn lại.

Và từ đó đến nay, gần 57 tỉ đồng của công ty chưa được UBND TP Vị Thanh hoàn trả dù TP Vị Thanh đã thu hơn 50 tỉ đồng từ việc bán đấu giá các lô nền của dự án.

Theo ông Dậu, chính quyền đã khai thác gần như hết toàn bộ lô nền của dự án nhưng không hiểu sao cù cưa trong việc chi trả cho công ty. “Công ty đang gặp khó, chỉ còn 5-6 người, đang hoạt động cầm chừng. Hậu Giang sao không chịu cấn trừ các khoản rồi chuyển trả tiền cho chúng tôi? Thu hàng chục tỉ đồng bán đấu giá mà cứ để đó không chịu trả thì quả là lạ!” - ông Dậu nói.

Cũng theo ông Dậu, do vướng mắc việc thanh toán, công ty phải ngưng hoạt động từ năm 2013 đến nay, nợ thuế và nợ khác với số tiền lớn mà không biết xoay xở thế nào.

Mới đây, công ty đã làm việc với UBND TP Vị Thanh, phía thành phố đồng ý sẽ chi trả tiền cho công ty nhưng lại bảo chờ có văn bản của UBND tỉnh, trong khi trước đó tỉnh có công văn chỉ đạo, giao UBND TP Vị Thanh cấn trừ nghĩa vụ tài chính 28 lô nền và các nghĩa vụ tài chính khác rồi trả tiền cho công ty.

Với việc chỉ qua chỉ lại thế này, chưa biết bao giờ công ty mới nhận được tiền.

Găm tiền vì chưa thống nhất

Về khoản tiền nợ công ty, ngày 16-11, ông Nguyễn Chí Hùng, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hậu Giang, có công văn trả lời cho chúng tôi.

Theo đó, tỉnh cho biết đến thời điểm hiện tại số tiền chưa thanh toán cho công ty là 56,8 tỉ đồng. Tỉnh đề nghị công ty phối hợp với các cơ quan chức năng lập thủ tục để được cấp 28 nền đất tại dự án, đồng thời lập thủ tục để nhận số tiền trên sau khi khấu trừ nghĩa vụ tài chính của 28 nền đất. Số tiền trên đang tạm giữ tại ngân sách TP Vị Thanh, chờ công ty đến liên hệ làm thủ tục thanh toán.

Với câu hỏi khoản tiền trên bị “ngâm” gần ba năm, Hậu Giang cho biết: Công ty đã đề nghị các vấn đề không có trong nội dung cam kết ban đầu nên giữa công ty và tỉnh chưa thống nhất về việc trả dứt điểm số tiền còn lại cho công ty. Chẳng hạn, theo cam kết tại biên bản làm việc năm 2014, không có nội dung yêu cầu phải trả lãi suất chậm trả. “Việc chậm trả không phải do UBND TP Vị Thanh mà do công ty chưa chịu nhận tiền” - công văn nêu.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm