Chính quyền, chủ nhà trọ cùng giúp dân an tâm ở lại TP.HCM

Trong số hàng trăm người trở về quê bị chặn lại trên địa bàn quận Bình Tân và quận 12, TP.HCM, hôm 15-8 có nhiều hoàn cảnh rất khó khăn đã được chính quyền địa phương trực tiếp tìm hiểu, hỗ trợ từ thức ăn cho đến tiền trọ.

Một số hoàn cảnh khó khăn đã được UBND phường Bình Hưng Hòa B tìm hiểu, lên kế hoạch hỗ trợ để người dân an tâm ở lại TP, không về quê một cách tự phát.

Chính quyền đến tận nhà trọ chăm lo cho dân

Trưa 16-8, ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân cùng tổ dân phố đến tận phòng trọ của hai vợ chồng anh Trần Thanh Luận (32 tuổi) và chị Lê Thị Quỳnh (21 tuổi, quê Quảng Trị) để tặng quà, thăm hỏi.

Phần quà gồm mì tôm, trứng và gạo được trao tận tay cho hai vợ chồng. Ngày hôm trước, vợ chồng anh Luận cùng hàng trăm người khác trong đó có hàng chục người là đồng hương mất việc làm ở khu vực quận Bình Tân, huyện Bình Chánh rủ nhau về quê bằng xe máy.

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, quận Bình Tân đến chỗ trọ, gửi tặng quà, động viên hai vợ chồng anh Luận - chị Quỳnh. Ảnh: NT

“Tôi đến khu vực ngã tư Bà Điểm (giao lộ giữa đường Phan Văn Hớn và Quốc Lộ 1, phường Tân Thới Nhất, quận 12) thì bị chặn lại. Rất đông người sau đó được công an đưa vào trường học gần đó để ở lại, ăn cơm. Lực lượng chức năng sau đó vận động chúng tôi quay trở về phòng trọ” – anh Luận nói.

Theo ông Nguyễn Văn Đức, anh Luận là một trong số khoảng 10 người thực sự có nhu cầu về quê trên địa bàn phường Bình Hưng Hòa B. Những người này đều là công nhân, người làm thuê… bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19 với thời gian giãn cách xã hội lâu.

Hai vợ chồng anh Luận làm công nhân may ở địa bàn quận Bình Tân nhưng dịch bệnh bùng phát nên đã mất việc khoảng ba tháng nay. Hai vợ chồng thuê phòng trọ trong hẻm đường Nguyễn Thị Tú với diện tích chừng 9 m2 chật chội và nóng bức.

“Hai vợ chồng làm công nhân may, lương mỗi người khoảng sáu triệu một tháng. Tuy nhiên anh chị chỉ ứng lương hai triệu một tháng nên chỉ cân đối chi tiêu trong khoảng bốn triệu/tháng. Cuối năm chủ thuê mới trả hết tiền” – chị Quỳnh cho biết.

Hai vợ chồng anh Luận đã bán hết tài sản để gom tiền đi xét nghiệm, về quê nhưng bất thành. Ảnh: NT

Trong căn phòng trọ của hai vợ chồng không có gì đáng giá, chỉ có một chiếc xe máy, một chiếc quạt mất cả lồng sắt chỉ còn mỗi cánh cùng ít ỏi đồ đạc. Ở góc phòng là một can xăng mà anh Đức cho biết là hành trang chuẩn bị để lên đường, vượt hơn một ngàn cây số để về quê nhà Quảng Trị.

“Gần ba tháng vậy không có việc làm, hai vợ chồng chỉ có ăn mì tôm, trứng nếu có cơm cũng chỉ dám mua thức ăn rẻ như rau, đậu” – chị Quỳnh tiếp. Để đắp đổi, anh Luận xin những thùng xốp về trồng rau dọc lối đi của nhà trọ để lấy rau ăn. Sáng chúng tôi đến nơi, những thùng xốp này rau đang lên xanh, nhưng còn non.

Để có rau ăn, anh Luận tìm cách trồng thêm rau xanh ở lối đi của nhà trọ. Ảnh: NT

Anh Đức cho biết hai vợ chồng ở quê làm nông. Chồng vào TP.HCM làm thuê từ mấy năm trước, vợ vào sau. Con nhỏ ba tuổi gửi cho bà nội ở quê chăm sóc. “Mỗi tháng hai vợ chồng thu vào chỉ khoảng bốn triệu, trong đó tiền phòng là 1,6 triệu, gửi cho con 1,5 triệu, dư bao nhiêu thì chi phí ăn uống nên cũng không có tiền tích lũy” – anh Luận tiếp.

Sống tiết kiệm đã quen, hai vợ chồng đinh ninh rằng qua đợt giãn cách kéo dài vừa qua mọi chuyện sẽ ổn, dịch giảm bớt sẽ đi làm trở lại. Anh Luận buồn bã: “Có đợt nhiều người hẹn nhau về quê nhưng vợ chồng nói ráng chờ, hết giãn cách đi làm lại để cuối năm có chút tiền. Đến khi biết tin TP tiếp tục giãn cách một tháng nữa thì không thể chịu nổi”.

Không để một ai ở lại phía sau

Ông Đặng Ngọc Liên – chủ nhà ở phường Bình Hưng Hòa B, cho biết ông đã cùng chung tay hỗ trợ những hoàn cảnh như vợ chồng anh Luân, chị Quỳnh. “Là chủ trọ, thực sự thấy những người thuê trọ gặp khó khăn. Trong thời gian này, dịch bệnh kéo dài nên tôi tự nguyện bớt tiền trọ giúp công nhân ở trọ yên tâm, không ai phải lo lắng. Tất nhiên không phải chủ trọ nào cũng có điều kiện nhưng vẫn chia sẻ với người thuê” – ông Liên nói.

Riêng anh Luận, ngày hôm trước, khi nghe thông báo của nhóm hội đồng hương trên mạng xã hội rằng rủ nhau cùng đi. Trong khi lại đến hạn tiền trọ vào ngày 15, nên cùng vợ gói ghém đồ đạc, quả quyết dứt áo về quê. Hai vợ chồng vay mượn, bán đồ đạc được hơn 600.000 đồng đi làm xét nghiệm như giấy thông hành. Số tiền trong túi còn lại chỉ có 300.000 đồng nhưng vẫn đi vì “mình đi cùng đồng hương với nhau, có gì thì giúp đỡ, xin người ta sẽ cho” – anh Luận nói.

Chị Quỳnh thì khóc cho biết nhớ nhà, nhớ con nhỏ dù tìm mọi cách về quê nhưng không thể nào đi được.

“Mấy tháng trước còn có người cho rau, cho gạo thì còn sống được chứ bây giờ là không còn gì nữa. Hôm qua hai vợ chồng quyết định bán hết đồ trong nhà trọ để về mà không được, phải quay lại” – chị Quỳnh ứa nước mắt. 

Theo chị Quỳnh, đã hai tháng nay hai vợ chồng ăn mì tôm, trứng... được cho. Ảnh: NT

Ông Nguyễn Văn Đức, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Hưng Hòa B, cho biết hai vợ chồng anh Luận cùng nhiều người khác được chính quyền địa phương tích cực vận động đã quay lại phòng trọ.

Khi tìm hiểu hoàn cảnh, lãnh đạo UBND phường Bình Hưng Hòa B đã thông tin với tổ dân phố để liên hệ với chủ nhà trọ có phương án hỗ trợ hai vợ chồng anh Luận vì đây là hoàn cảnh thực sự khó khăn.

“Chúng tôi vận động bà con ai ở đâu thì ở nguyên đó, trường hợp nào chưa tiêm vaccine thì cho đăng ký tiêm. Ngoài ra, phường cũng có trung tâm an sinh để hỗ trợ bà con khó khăn về lương thực, thực phẩm thiết yếu giúp vượt qua thời gian giãn cách” – ông Đức nói.

Đối với các trường hợp thực sự khó khăn, không đảm bảo được trong thời gian giãn cách thì UBND phường có kêu gọi các chủ trọ có chính sách hỗ trợ giảm 30-50% tiền thuê.

Ngoài ra, UBND phường Bình Hưng Hòa B cũng triển khai các điểm bán hàng lưu động, đi chợ thay giúp bà con. Với các khu trọ thì các đoàn thể cũng theo dõi, rà soát để tìm hiểu các trường hợp khó khăn để hỗ trợ để bà con đảm bảo cuộc sống hàng ngày.

Tất cả khoảng 10 người dân có nhu cầu về quê đều được UBND phường Bình Hưng Hòa B lập danh sách đối với các địa phương khác nhau, chờ tổ chức được chuyến xe nghĩa tình về quê sẽ thông báo đến tận người dân, tránh trường hợp về tự phát.

Ông Lê Tấn Tài, Chủ tịch Ủy ban MTTQ quận 12 cũng cho biết trong giai đoạn hiện nay, chủ trọ cũng phải đồng hành cùng với toàn xã hội để giữ công nhân ở lại TP.

“Chúng tôi phát động lấy nòng cốt là Đảng viên, Đoàn viên trong phong trào toàn dân giúp nhau. Bây giờ mặt trận với phường hỗ trợ nhu yếu phẩm chủ yếu. Bên cạnh đó vận động tất cả chủ nhà trọ đều phải giảm tiền cho thuê. Ai cũng biết là hiện nay người dân ở trọ không có tiền đóng” – ông Tài nói.

Theo Ủy ban MTTQ quận 12, trên địa bàn có 64.000 hộ dân ở phòng trọ gặp phải hoàn cảnh khó khăn với khoảng 180.000 nhân khẩu. Và thực tế có một số chủ trọ không những giảm mà còn hỗ trợ người ở trọ để cùng vượt qua đại dịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm