Chính phủ xin điều chỉnh tăng trưởng GDP còn 4,5%

Sáng 15-5, tiếp tục phiên họp 45, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH) cho ý kiến báo cáo đánh giá tình hình triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2020.

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay nền kinh tế đang bị ảnh hưởng hết sức nặng nề do đại dịch COVID-19 và xin điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng từ 6,8% xuống còn khoảng 4,5% nhưng chưa được các đại biểu chấp nhận.

Trung Quốc lợi dụng dịch COVID-19 để bành trướng trên Biển Đông

Chính phủ dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia cũng có tác động gây khó khăn cho quan hệ thương mại giữa Việt Nam (VN) với các nước. Các biện pháp giãn cách xã hội, đóng cửa biên giới sẽ tiếp tục gây ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu của VN với các đối tác chính trong thời gian tới, đặc biệt là những nước đang chịu tác động mạnh mẽ bởi dịch COVID-19 như Mỹ và châu Âu.

Mặt khác, đại dịch COVID-19 dẫn đến xu hướng gia tăng cạnh tranh giữa VN - Trung Quốc (TQ) do xu hướng các nước dịch chuyển hoạt động từ TQ sang VN. “Căng thẳng Biển Đông sẽ gia tăng do TQ lợi dụng các nước đang tập trung chống dịch COVID-19 để gia tăng tầm ảnh hưởng và sự bành trướng trên Biển Đông” - báo cáo của Chính phủ nêu rõ.

Về kinh tế, quý I-2020, tăng trưởng GDP đạt thấp, trong đó tất cả lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ đều bị tác động và giảm. “Nhiều lao động bị cắt giảm, mất việc làm, tỉ lệ tham gia lực lượng lao động thấp kỷ lục trong 10 năm qua, tỉ lệ thiếu việc làm tăng cao nhất trong năm năm trở lại đây, tỉ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng” - ông Nguyễn Chí Dũng nói.

Sang tháng 4, một số ngành sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu bắt đầu có mức tăng trưởng âm; số doanh nghiệp thành lập mới giảm lần đầu tiên trong giai đoạn 2015-2020; số doanh nghiệp đăng ký tạm dừng hoạt động trong ngắn hạn tăng mạnh.

Cũng theo Bộ trưởng Dũng, hầu hết các ngành, lĩnh vực sản xuất và dịch vụ đều giảm, trong đó một số ngành, lĩnh vực đình trệ hoặc đóng băng, gần như không có hoạt động sản xuất, kinh doanh như các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, vận tải (nhất là vận tải hàng không), ăn uống, lưu trú, vui chơi, giải trí

Tuy nhiên, Bộ trưởng KH&ĐT cũng cho biết nền kinh tế có một số điểm sáng, như kinh tế vĩ mô bốn tháng đầu năm giữ ổn định, lạm phát được kiểm soát, xu hướng giảm dần qua từng tháng; xuất khẩu đạt gần 83 tỉ USD, tăng 4,7%, xuất siêu khoảng 3 tỉ USD…

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trình bày báo cáo về kinh tế - xã hội. Ảnh: TTXVN

Hai kịch bản tăng trưởng

Trên cơ sở dự báo tình hình, rà soát và tính toán, Chính phủ đưa ra hai kịch bản tăng trưởng.

Kịch bản 1, VN đã cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với VN trong quý III-2020 thì dự kiến GDP tăng khoảng 4,4%-5,2% so với năm 2019 (mục tiêu đề ra là 6,8%).

Kịch bản 2, GDP dự kiến tăng khoảng 3,6%-4,4% so với năm 2019 nếu VN cơ bản khống chế và kiểm soát dịch từ nửa cuối tháng 4 và các quốc gia là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng với VN trong quý IV-2020.

Ông Nguyễn Chí Dũng cho rằng việc điều chỉnh mục tiêu của năm 2020 là cần thiết và phù hợp với tình hình thực tế khách quan. Theo đó, dự kiến điều chỉnh GDP tăng khoảng 4,5%, nỗ lực phấn đấu đạt mức tăng cao hơn. “Trường hợp tình hình thế giới thuận lợi, dịch bệnh được kiểm soát tốt, thị trường quốc tế phục hồi, phấn đấu đạt mức tăng 5,4%, nhằm đảm bảo mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân năm năm giai đoạn 2016-2020 là 6,5%” - ông Dũng nêu.

Điều hành phiên thảo luận, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đặt vấn đề: Hai kịch bản tăng trưởng Chính phủ đưa ra đã đủ chưa, hay cần thêm kịch bản dự báo cho tình huống xấu hơn nữa?

Nhắc lại báo cáo của Chính phủ có nội dung “điều chỉnh chỉ tiêu năm 2020 là cần thiết”, ông Hiển cho rằng Chính phủ phải có tờ trình gửi QH, cấp có thẩm quyền lý giải tại sao điều chỉnh chỉ tiêu GDP, các chỉ số bội chi, nợ công sẽ thế nào.

Cho ý kiến sau đó, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh chỉ tiêu trong nghị quyết của QH là cụ thể hóa từ nghị quyết của Trung ương. Do vậy, muốn điều chỉnh phải xin ý kiến cấp có thẩm quyền.

“Nếu muốn điều chỉnh phải làm quy trình, xin cấp có thẩm quyền, phải xin ý kiến Trung ương. Mặt khác, thời gian QH họp có mấy ngày mà đến nay chưa báo cáo, chưa thẩm định…” - bà Ngân nói.

Chủ tịch QH cũng nhận xét kịch bản tăng trưởng mà Chính phủ xây dựng khá lạc quan dựa trên kết quả phòng, chống dịch khá tốt trong thời gian vừa qua. Tuy nhiên, các đối tác kinh tế, thương mại lớn của VN thì vẫn còn lao đao. “Thế chúng ta mua bán với ai? Xuất khẩu, nhập khẩu với ai? Du lịch thì vẫn chưa cho người vào…” - bà Ngân nói.

Chủ tịch QH cho rằng hiện cần nỗ lực cao nhất để hạn chế việc sụt giảm. “Lạc quan có mức độ nhưng nỗ lực phấn đấu là phải tột độ” - bà Ngân nói.

“Không có chuyện QH không chịu điều chỉnh chỉ tiêu. QH sẵn sàng nhưng phải được cấp thẩm quyền “bật đèn xanh” và phải có thời gian để thẩm định, đánh giá. Chúng ta mới bước qua tháng 5 nửa tháng, đánh giá chưa kỹ. Việc bây giờ là phải cố gắng hết sức” - vẫn lời bà Ngân.

3% tăng trưởng GDP của VN trong năm 2020 nếu “làn sóng thứ hai” của dịch bệnh sẽ diễn ra vào thu đông 2020, trên thế giới chưa kiểm soát được dịch bệnh, cũng chưa thể có vaccine phòng bệnh, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển dự báo. 

Xây dựng kịch bản “làn sóng thứ hai” của dịch bệnh

Giải trình, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay hai kịch bản kinh tế được xây dựng dựa trên những giả định tình hình dịch bệnh, phục hồi kinh tế, thị trường thế giới. “Việc Chính phủ đưa ra một số dự kiến điều chỉnh, như GDP ở mức 4,5%, là để chủ động điều hành” - ông Dũng nói.

Cũng theo ông Dũng, Chính phủ đã báo cáo Bộ Chính trị đề án phục hồi kinh tế sau dịch bệnh, trong đó có đề cập đến việc dự kiến điều chỉnh GDP, nợ công… Tuần tới Bộ Chính trị sẽ họp và cho ý kiến. Nếu Bộ Chính trị đồng ý, Chính phủ sẽ có tờ trình gửi QH.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch QH Phùng Quốc Hiển đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát, đánh giá và dự báo tình hình năm 2020 một cách sát nhất. Ông đề nghị xây dựng kịch bản thứ ba với khả năng “làn sóng thứ hai” của dịch bệnh sẽ diễn ra vào thu đông 2020, trên thế giới chưa kiểm soát được dịch bệnh, cũng chưa thể có vaccine phòng bệnh nên có thể kéo sang năm 2021.

Liên quan đến vấn đề có điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng không, ông Hiển cho rằng đây là vấn đề lớn và những vấn đề Chính phủ nêu trong báo cáo cũng chỉ là sơ bộ, chưa rõ, chưa đánh giá tác động. “Đến giờ phút này, thời điểm này, chưa có đủ căn cứ chính trị và căn cứ pháp lý để có thể điều chỉnh mức tăng trưởng” - ông Hiển nêu quan điểm.

Liên quan đến các giải pháp thực hiện từ nay đến cuối năm, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng các giải pháp Chính phủ đề ra là sát nhưng cần hoàn thiện rõ hơn và cụ thể hơn.

“Cần rà soát lại chính sách kinh tế, tài chính, ngân sách, tín dụng… để kích thích sản xuất, khắc phục hậu quả COVID-19. Các giải pháp phải đúng, trúng, trách “kích” sai, đầu tư sai dẫn đến bị thiệt hại không đáng có…” - ông Hiển lưu ý.

Gần 130.000 tỉ vốn đầu tư công chưa chi

Cũng trong sáng 15-5, Ủy ban Thường vụ QH thảo luận về ngân sách nhà nước năm 2019, tình hình triển khai thực hiện dự toán năm 2020.

Theo báo cáo của Chính phủ, năm 2019, tổng thu ngân sách đạt hơn 1,55 triệu tỉ đồng, vượt gần 140.000 tỉ đồng so với dự toán.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách gần 1,75 triệu tỉ đồng, vượt xấp xỉ 115.000 tỉ đồng (khoảng 7%) so với dự toán và tăng hơn 81.000 tỉ đồng so với báo cáo QH.

Tồn tại lớn nhất trong điều hành năm 2019, theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách nhà nước vẫn chậm, cả năm gần 71% dự toán. Còn gần 130.000 tỉ đồng chưa được giải ngân, phải chuyển nguồn sang năm 2020…

Cũng tại phiên họp, đề cập tới thu chi ngân sách năm 2020, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng dự báo “sẽ khó khăn” do ảnh hưởng của COVID-19.

Dự toán ngân sách năm 2020, tổng thu hơn 1,51 triệu tỉ đồng, chi hơn 1,74 triệu tỉ đồng. Bội chi ngân sách là gần 235.000 tỉ đồng (khoảng 3,44% GDP).

Ngoài ra, để đảm bảo nguồn chi trả các khoản nợ gốc đến hạn, trong bốn tháng đầu năm, Bộ Tài chính đã phát hành gần 44.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ, kỳ hạn bình quân 16,33 năm và lãi suất bình quân 3,06% một năm. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm