Chính phủ trình hàng loạt giải pháp cấp bách phòng chống dịch

Chiều 6-8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên đặc biệt để cho ý kiến đối với dự thảo nghị quyết của Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19.

Nghị quyết của Chính phủ nhằm triển khai cụ thể các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19 đã được quy định tại Nghị quyết kỳ họp thứ nhất Quốc hội XV (Nghị quyết số 30/2021/QH15) ngày 28-7 vừa qua.

Dự thảo nghị quyết của Chính phủ gồm hai nội dung, quy định về các giải pháp cấp bách và cơ chế đặc thù trong phòng chống dịch COVID-19.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp cho ý kiến về dự thảo nghị quyết của Chính phủ về thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch COVID-19. Ảnh: XĐ

Các giải pháp cấp bách phòng chống dịch

Về các giải pháp cấp bách, liên quan đến việc áp dụng các biện pháp phòng chống dịch, dự thảo nghị quyết quy định trên cơ sở đánh giá các mức nguy cơ khác nhau theo Quyết định số 2686 của Ban chỉ đạo quốc gia, chủ tịch UBND cấp tỉnh chủ động quyết định áp dụng các giải pháp theo tinh thần Chỉ thị 15, Chỉ thị 16, Chỉ thị 19 của Thủ tướng và các quy định tại Quyết định 2686 nêu trên.

“Căn cứ vào tình hình, yêu cầu thực tế có thể áp dụng sớm hơn, cao hơn nhưng không được chậm hơn, thấp hơn quy định tại các văn bản nêu trên” - dự thảo nêu rõ.

Dự thảo yêu cầu chủ tịch UBND cấp tỉnh lưu ý chủ động áp dụng linh hoạt các biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết…

Cạnh đó, áp dụng biện pháp đặc biệt về thông tin liên lạc và sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc; kêu gọi, thuyết phục, huy động, trưng dụng tài sản, phương tiện, trang thiết bị và các biện pháp khác có thể áp dụng trong tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn kịp thời dịch bệnh lây lan trong phạm vi địa phương thuộc quyền quản lý.

Cho ý kiến về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cụ thể hóa hơn nữa các biện pháp được nêu tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 làm cơ sở cho các địa phương, cơ quan, tổ chức hữu quan chủ động áp dụng một cách linh hoạt song vẫn bảo đảm tính đồng bộ, nhất quán.

Cụ thể, đối với biện pháp hạn chế một số phương tiện, yêu cầu người dân không ra khỏi nơi cư trú trong khoảng thời gian nhất định, tại một số khu vực, địa bàn cần thiết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng nên quy định và phân cấp rõ cấp có thẩm quyền quyết định phù hợp với phạm vi và mức độ nguy cơ của dịch.

Đồng thời giới hạn rõ thời hạn hạn chế tối đa là bao lâu, nếu vượt quá mức này phải báo cáo Thủ tướng quyết định và quy định rõ tiêu chí để xác định khu vực, địa bàn nào là khu vực, địa bàn cần thiết.

Đặc biệt, cần nêu cụ thể các biện pháp khác có thể được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp đối với tình hình dịch bệnh hiện nay hoặc viện dẫn điều, khoản cụ thể của các luật, pháp lệnh có liên quan vì đây là các biện pháp đặc biệt, có thể hạn chế quyền công dân trong một số trường hợp.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, quá trình thực hiện, chủ tịch UBND có thể quyết định áp dụng các biện pháp tương ứng với mức độ nguy cơ cao hơn diễn biến dịch thực tế tại địa bàn tại thời điểm ra quyết định nhưng vẫn phải bảo đảm trong khung quy định chung của Chính phủ, Thủ tướng.

Trường hợp địa phương thấy cần áp dụng biện pháp khác chưa được quy định thì nhất định phải báo cáo và có ý kiến của Chính phủ hoặc Thủ tướng trước khi thực hiện.

Trường hợp chưa thể quy định cụ thể ngay trong nghị quyết này, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan hữu quan khẩn trương rà soát, đánh giá việc thực hiện các biện pháp được quy định tại các chỉ thị của Thủ tướng và các văn bản có liên quan để đề xuất Chính phủ, Thủ tướng sớm ban hành khung pháp lý chung, thống nhất với các giải pháp cụ thể (cả về nội dung, phạm vi, thẩm quyền và thủ tục áp dụng), đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch COVID-19 hiện nay.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng lưu ý trong dự thảo nghị quyết không nên sử dụng các từ ngữ không rõ về nội hàm như “sớm hơn”, “cao hơn” để tránh cách hiểu không thống nhất, gây lúng túng cho các địa phương trong việc áp dụng, thậm chí có thể tạo ra sự tùy tiện hoặc áp dụng vượt quá mức cần thiết, gây cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, ảnh hưởng đến đời sống của người dân, làm giảm hiệu quả của công tác phòng chống dịch và việc thực hiện “mục tiêu kép” của cả nước.

Cấp phép thuốc điều trị, vaccine: Không được bỏ qua các tiêu chí bắt buộc

Một trong những nội dung đáng chú ý trong cơ chế đặc thù là quy định về việc cấp giấy đăng ký lưu hành và thông quan thuốc, vaccine phòng COVID-19.

Cụ thể, dự thảo nghị quyết cho phép khi nộp hồ sơ đăng ký lưu hành thuốc, vaccine phòng COVID-19, trong trường hợp không có giấy chứng nhận sản phẩm dược phẩm thì được thay thế bằng giấy tờ pháp lý do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp chứng minh thuốc, vaccine đã được cấp phép lưu hành.

Cạnh đó, dự thảo nghị quyết của Chính phủ cũng cho phép thuốc điều trị, vaccine phòng COVID-19 sản xuất trong nước đang thực hiện thử lâm sàng nhưng đã có kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 về tính an toàn và hiệu quả dựa trên dữ liệu về tính sinh miễn dịch của vaccine được sử dụng để xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện.

Theo đó, việc cấp phép được thực hiện trên cơ sở ý kiến tư vấn của Hội đồng đạo đức trong nghiên cứu y sinh học cấp quốc gia đối với thuốc, vaccine thực hiện thử lâm sàng tại Việt Nam và ý kiến tư vấn của hội đồng tư vấn cấp giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc đối với từng thuốc, vaccine cụ thể, có tham khảo hướng dẫn hoặc khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cấp phép trong trường hợp khẩn cấp.

Thuốc mới sản xuất ở nước ngoài để điều trị COVID-19 đang thử lâm sàng nhưng đã có kết quả đánh giá giữa kỳ giai đoạn 3 về tính an toàn và hiệu quả điều trị của thuốc được xem xét cấp giấy đăng ký lưu hành có điều kiện cũng theo nguyên tắc trên...

Dự thảo nghị quyết cũng quy định rõ thuốc, vaccine được cấp trong các trường hợp trên phải được tiếp tục theo dõi về tính an toàn, hiệu quả, kiểm soát về đối tượng, số lượng, phạm vi sử dụng sau khi cấp giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu…

Cho ý kiến về nội dung này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ cần đưa ra một chiến lược tổng thể về vaccine, trong đó có cơ chế phân bổ, sử dụng và phác đồ tiêm vaccine thống nhất trên toàn quốc.

“Để bảo đảm an toàn sức khỏe, tính mạng cho người dân, cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề cấp giấy lưu hành thuốc điều trị và vaccine phòng COVID-19, kể cả khi được phê duyệt sử dụng khẩn cấp thì các bước quan trọng, các tiêu chí bắt buộc cũng không được bỏ qua” - Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh và yêu cầu cần cung cấp đầy đủ các dữ liệu khoa học của tất cả các bước thử nghiệm thuốc, vaccine; tổ chức đánh giá dữ liệu này một cách cẩn trọng, phù hợp với quy định của pháp luật và thông lệ quốc tế.•

Thẩm quyền của chủ tịch UBND cấp tỉnh trong mua sắm thiết bị, vật tư phòng dịch

Dự thảo nghị quyết cũng quy định cơ chế về hình thức mua sắm thiết bị, vật tư phòng chống dịch.

Theo đó, các bộ, ngành, địa phương quyết định hình thức lựa chọn nhà thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch theo Nghị quyết 79 của Chính phủ.

Thủ tướng ủy quyền cho chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định việc mua sắm phục vụ yêu cầu phòng chống dịch trong trường hợp đặc biệt quy định tại Điều 26 Luật Đấu thầu và báo cáo Thủ tướng kết quả thực hiện.

Trường hợp do diễn biến phức tạp của dịch bệnh, không xác định được giá các loại hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện, dịch vụ phòng chống COVID-19, các bộ, ngành, địa phương căn cứ theo giá do doanh nghiệp công bố theo yêu cầu của Bộ Y tế trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế và được cập nhật hằng tuần để xác định giá gói thầu.

Trường hợp không có doanh nghiệp công bố giá, Chính phủ thống nhất giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bên liên quan thành lập tổ công tác có nhiệm vụ đàm phán thống nhất về giá với doanh nghiệp để Bộ Y tế công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế; trên cơ sở đó các bộ, ngành, địa phương, đơn vị xác định giá gói thầu.

Dự thảo cũng quy định không áp dụng tiêu chuẩn, định mức đối với tài sản mua sắm, nhận viện trợ, tài trợ, hỗ trợ để phục vụ cho công tác phòng chống dịch trong thời gian có dịch theo quyết định công bố dịch của Thủ tướng.

 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm