Chính phủ thảo luận các chính sách hỗ trợ người lao động

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho hay lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên của cả nước quý I-2020 ước tính là 55,3 triệu người, giảm hơn 670.000 người so với quý trước và giảm hơn 144.000 người so với cùng kỳ năm 2019.

Tình trạng giảm này diễn ra ở hầu hết các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước và ở các ngành, nghề lao động.

Cả nước hiện nay có hơn 55 triệu lao động có việc làm, trong đó gần 15 triệu lao động làm việc trong các doanh nghiệp; hơn chín triệu lao động đang làm việc trong các hợp tác xã, cơ sở kinh tế cá thể phi nông nghiệp. 

Cũng theo số liệu từ Bộ KH&ĐT, cả nước có khoảng 25 triệu lao động làm công hưởng lương, trong đó 11 triệu lao động trong doanh nghiệp tham gia bảo hiểm xã hội, 10,4 triệu lao động trong doanh nghiệp tham gia bảo hiểm thất nghiệp; khoảng 18 triệu lao động phi chính thức. 

Tổng hợp báo cáo nhanh của các doanh nghiệp, có khoảng 10% doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất. Sang đầu tháng 3, nhất là tuần thứ hai của tháng 3 khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, số lượng doanh nghiệp phải cắt giảm quy mô sản xuất tăng lên rõ rệt với khoảng trên 15% trong tổng số doanh nghiệp. Đặc biệt tại một số ngành, lĩnh vực như du lịch, lưu trú, nhà hàng cắt giảm 70%-80%.

Đáng chú ý, tính từ ngày 1-1 đến 26-3-2020, đã có trên 153.000 người mất việc làm phải nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp và hàng triệu lao động bị ngừng việc, tập trung vào một số ngành nghề, lĩnh vực như vận tải, dệt may, da giày, dịch vụ du lịch, lưu trú, ăn uống...

Nếu diễn biến dịch không có thay đổi lớn, ước tính quý II-2020 sẽ có trên 250.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và 1,5-2 triệu lao động bị ngừng việc.

Trong trường hợp dịch bùng phát mạnh hơn, ước tính quý II-2020 sẽ có 400.000 lao động trong doanh nghiệp bị mất việc làm và khoảng 3 triệu lao động có nguy cơ bị ngừng việc.

Vấn đề lao động, việc làm, hỗ trợ người lao động trong bối cảnh hiện nay là một vấn đề được sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ và Thủ tướng. 

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2020, Chính phủ sẽ xem xét, thảo luận dự thảo nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, trong đó có các khoản dự kiến hỗ trợ đối tượng là người lao động bị tạm hoãn hợp đồng lao động, bị mất việc, nghỉ không lương tại các doanh nghiệp...

Tính đến 23-3-2020, cả nước có gần 70.000 lao động nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam, trong đó có hơn 15.400 lao động Trung Quốc (chiếm 22,1%), hơn 24.500 lao động Hàn Quốc (35,2%) và gần 30.000 lao động đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ khác (chiếm 42,7%). 

Hiện có trên 560.000 người lao động Việt Nam đi làm việc có thời hạn ở 36 quốc gia và vùng lãnh thổ có trường hợp nhiễm bệnh. Trong đó, 48.000 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, 230.000 thực tập sinh/lao động đang làm việc tại Nhật Bản, 224.713 đang làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc).  

Hiện nay, người lao động Việt Nam đang làm việc tại các nước và vùng lãnh thổ có dịch vẫn tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, tuân thủ nghiêm ngặt hướng dẫn về y tế của nước sở tại, chưa có trường hợp nào bị nhiễm bệnh. 

Qua khảo sát, người lao động chưa có nguyện vọng về nước tại thời điểm này. 

Theo thống kê, số lượng người lao động về nước trong quý I-2020 không nhiều, chủ yếu là lao động hết hạn hợp đồng, trong đó Nhật Bản có 914 người, Hàn Quốc 366 người, Đài Loan 317 người. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm