‘Chính phủ phục vụ chứ không phải chính phủ hưởng thụ’

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh như thế tại hội nghị trực tuyến sơ kết công tác cải cách hành chính (CCHC) giai đoạn 2011-2015 và triển khai kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2016-2020, ngày 17-8.

Bộ máy nhà nước: Đông nhưng không mạnh

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết trong thời gian qua thể chế của nền hành chính đã được cải cách và dần được hoàn thiện cơ bản. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được nâng cao rõ rệt; cơ chế một cửa tiếp tục được duy trì, mở rộng, nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết TTHC cho người dân, tổ chức.

Bộ máy hành chính từ trung ương đến địa phương đã phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ bản khắc phục tình trạng chồng chéo, bỏ trống chức năng nhiệm vụ, phạm vi, đối tượng quản lý, cơ cấu bên trong đã có sự phân định rõ hơn giữa cơ quan quản lý và đơn vị sự nghiệp…

Tuy nhiên, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lại cho rằng bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, thể chế còn phức tạp. “Trong đội ngũ chúng ta còn nhiều cán bộ, công chức, viên chức nhũng nhiễu, tiêu cực với nhân dân, tính công khai, minh bạch đối với những vấn đề đặt ra trong xã hội còn yếu, thiếu ở nhiều nơi, nhiều lĩnh vực. Mức độ dân kêu còn nhiều” - Thủ tướng nói.

Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, sự quan liêu của cán bộ vẫn diễn ra, chưa giải quyết được. Cán bộ, công chức đông nhưng không mạnh, chưa hết lòng phục vụ người dân. Còn nhiều trường hợp tình trạng xin cho, ức hiếp dân, nhũng nhiễu dân, nhất là công tác liên quan đến người dân và doanh nghiệp.

“Cái gì dân cũng biết hết. Cán bộ làm gì dân cũng biết chứ không phải là không biết đâu. Chúng ta phải hiểu như thế để đề cao trách nhiệm của mình”. Trầm ngâm một chốc, Thủ tướng tiếp: “Tôi cầm máy điện thoại này mà bao nhiêu cán bộ nhũng nhiễu người ta nhắn tin cho Thủ tướng hết. Các đồng chí đừng tưởng Thủ tướng không biết”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đi bộ trò chuyện với du khách tại phố cổ Hội An chiều 8-8. Ảnh: QUANG HIẾU - VGP

Thủ tướng xin lỗi dân

Thủ tướng cho rằng cán bộ vẫn là khâu yếu nhất trong CCHC hiện nay. “Anh cải cách trời đi nữa nhưng cán bộ vẫn là quyết định. Cán bộ, cán bộ và cán bộ. Đây là khâu chúng ta cần quan tâm. Bộ máy đông mà không mạnh thì chúng ta cải cách thế nào?” - Thủ tướng nói.

Nhắc đến con số khoảng 2,6 triệu người hưởng lương từ ngân sách, Thủ tướng cho rằng việc đầu tiên cần làm là xã hội hóa mạnh mẽ các đơn vị công lập có đủ điều kiện, từ đó giảm số lượng biên chế nhà nước xuống, trên cơ sở đó có thể cải cách tiền lương. Nhà nước sẽ chỉ nắm những khâu quan trọng.

“Đó mới là CCHC chứ không phải cải cách mà đội ngũ ngày càng phình ra, cán bộ ngày càng đông hơn. Thi tuyển công chức để chọn người tài, người có đức rất quan trọng, đi kèm với đó là việc giảm biên chế để tránh bộ máy cồng kềnh” - Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng nêu yêu cầu, cán bộ phải giỏi nghiệp vụ, có đạo đức để phục vụ nhân dân, phải biết ba “xin” là “xin chào, xin lỗi, xin cảm ơn”.

“Thậm chí Thủ tướng đi vào đường phố, mặc dù đã đi trước, đi bộ hàng cây số rồi xe vẫn đi sau, thủ tướng không biết được nhưng khuyết điểm đó vẫn có trách nhiệm của Thủ tướng trong việc quán xuyến. Vì vậy Thủ tướng vẫn phải xin lỗi người dân, mong người dân thông cảm. Không phải đơn giản đâu” - ông Phúc nhắc lại sự việc xảy ra ở phố cổ Quảng Nam mới đây.

Bớt xe cộ, bớt đón tiếp cấp trên rầm rộ

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh nhiệm vụ quan trọng nhất trong thời gian tới là tập trung cao nhất cho việc hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh lành mạnh. Cạnh đó, cần kiên quyết loại bỏ tình trạng tiêu cực, nhũng nhiễu, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đó đánh giá chất lượng, hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ công.

Thủ tướng cũng nhiều lần nhấn mạnh tới việc xây dựng một chính phủ liêm chính. ở đó, bộ máy từ trung ương đến cơ sở nỗ lực toàn tâm, toàn ý, coi là việc chung của đất nước, mọi việc làm của cán bộ, công chức đều vì lợi ích chung của đất nước, của nhân dân, không bị lợi ích nhóm chi phối. “Phải đổi mới tư duy từ người đứng đầu Chính phủ đến cán bộ, công chức cấp cơ sở đều phải hành động quyết liệt, tận tụy, hết mình vì sự nghiệp chung, lời nói đi đôi với việc làm, không nói suông, không hứa hẹn rồi lãng quên…” - Thủ tướng nói và cho rằng “Chỉ hành động ở cấp trên, không hành động ở cấp dưới, nhất là cấp gần dân, gần doanh nghiệp thì không ăn thua. Người dân nói với tôi rất nhiều là ông nói thì hay nhưng hệ thống có chuyển động không?” - Thủ tướng lưu ý.

Thủ tướng cũng lưu ý việc nhỏ nhưng thiết thực với dân thì càng phải quan tâm. Nhắc tới sự vụ chủ quán cà phê Xin Chào ở huyện Bình Chánh (TP.HCM) bị khởi tố, Thủ tướng cho biết: “Có người hỏi tôi: Việc nhỏ bằng móng tay anh quan tâm làm gì? Tôi hỏi nếu bố của anh là người bị khởi tố thì có còn là việc nhỏ nữa không?”.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh đến tinh thần “Chính phủ phục vụ chứ không phải chính phủ hưởng thụ” và yêu cầu cần tiếp tục cải cách mạnh mẽ tài chính công, làm sao từng đồng thuế của người dân đều phải được sử dụng một cách hiệu quả, vì lợi ích chung.

Thủ tướng cũng lưu ý Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương cần gương mẫu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, mọi việc bớt hình thức, bớt xe cộ, bớt đón tiếp cấp trên rầm rộ, bớt đi nước ngoài không hiệu quả…

Trễ hẹn phải xin lỗi dân

Nêu ý kiến tại hội nghị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cho biết 100% sở, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn trên địa bàn TP đã triển khai một cửa, tiến tới một cửa liên thông điện tử.

“Hồ sơ nào của người dân, doanh nghiệp bị trễ hẹn, thành phố yêu cầu thủ trưởng cơ quan giải quyết ký văn bản xin lỗi người bị ảnh hưởng. Đây không chỉ là một hành vi văn hóa mà còn là cơ chế kiểm soát xem có bao nhiêu hồ sơ trễ hẹn” - ông Tuyến cho biết.

Tuy nhiên, ông Tuyến cũng thừa nhận TP vẫn còn một số nơi tự đặt ra những thủ tục gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp. Cạnh đó, cũng còn tình trạng cán bộ, công chức nhũng nhiễu, tiêu cực… Theo ông Tuyến, nguyên nhân chính của những hạn chế trên do người đứng đầu chưa có sự quan tâm đến CCHC. Trước thực tế này, TP đã yêu cầu chấn chỉnh ngay thái độ phục vụ người dân…

______________________________

4.525/4.723 thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa tính đến quý I-2016 - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm